Ngày 6-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến của các vị đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần làm rõ một số nội dung về quy hoạch sử dụng đất và giá đất.
Không ít dự án sau khi có đất đã để không, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. Ảnh: Hoàng Long
Phải tính phần lợi nhuận hình thành trong tương lai
Vấn đề giá đất vẫn còn gặp phải nhiều ý kiến của các ĐBQH. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng: "Quy định như dự thảo luật là quá chung không giải quyết được mong muốn của người dân có đất bị thu hồi”. Bởi, việc xác định giá đất khi thu hồi đất, thì phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai khi quyền sử dụng đất của người dân bị thu hồi. Làm sao đó, để tiền được bồi thường đất cho người dân, phải đảm bảo cho người dân khi bị thu hồi đất phải có cuộc sống bình thường, hoặc bằng hoặc tốt hơn so với trước đây. "Vấn đề này là chủ trương của Đảng, và Nhà nước đã nêu từ lâu rồi. Nhưng có mấy nơi nào đã làm đúng làm tốt, làm cho người dân bị thu hồi đất hài lòng với chính sách được đền bù đâu. Đa phần người dân bị thua thiệt và bức xúc dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện”-ĐB Hương nói.
Cùng chung quan điểm ấy, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng: "Quy định nguyên tắc xác định giá đất như tại Điểm c và Điểm d Khoản 1 Điều 112 là chưa rõ ràng, cụ thể”. ĐB Hà kiến nghị: "Cần thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất, đồng thời Nhà nước cũng cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và công bố giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu trong xác định giá đất”. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì cho rằng: "Đây chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về đất đai. Phải thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập, với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, nhằm tách bạch cho được thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất. Tránh tình trạng một cơ quan "vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dẫn đến tình trạng lạm dụng làm thiệt hại đến quyền lợi, và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất”. Còn ĐB Ya Duck (Lâm Đồng) nói: "Khoản 1, Điều 74 quy định giá đất để tính bồi thường, được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyền quyết định, thì bồi thường như thế nào? Rõ ràng, dự thảo chưa đề cập đến giá đất là giá bao nhiêu? giá nào? giá thị trường hay giá của Nhà nước? Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, và phức tạp dẫn đến việc khiếu nại đất đai trong thời gian qua”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) cho rằng cần làm rõ hơn thời điểm thu hồi đất; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế-xã hội. Đây là một khái niệm không thật rõ ràng, cần được làm rõ để tránh lợi dụng. Để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất, dự thảo luật cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thẩm quyền thu hồi đất, nhằm tránh tình trạng áp dụng một cách tràn lan, và quá giới hạn thu hồi đất. Trong khi đó, người dân bị mất đất không có đất canh tác, một bộ phận không nhỏ rơi vào cảnh đói nghèo. Đặc biệt, dự thảo luật cần làm rõ hơn thời điểm thu hồi đất diễn ra khi nào, tránh tình trạng cứ quy hoạch là thông báo thu hồi rồi lại để treo lãng phí rất lớn đến nguồn tài nguyên đất.
ĐBQH phát biểu tại Hội trường, ngày 6-11. Ảnh: Hoàng Long
Hủy quy hoạch treo như thế nào?
Bên cạnh vấn đề giá đất, thì theo nhiều ĐBQH, cần làm rõ trong Luật Đất đai lần này, chính là việc quy hoạch, ban hành kế hoạch sử dụng đất. Bởi lẽ, từ đó dẫn đến những quy hoạch treo gây lãng phí đất, trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, sinh nhai. "Trường hợp Nhà nước quy hoạch, ban hành kế hoạch sử dụng đất, dân chấp hành tất cả theo quy định pháp luật. Song kế hoạch cứ điều chỉnh hàng năm, quy hoạch "treo” đó nhiều năm không làm, không thu hồi, không cho phép xây dựng sửa chữa hoặc sang nhượng, gây thiệt hại cho dân. Vấn đề này dân rất bức xúc, nhưng Nhà nước chưa quy định rõ quy trình, hủy quy hoạch treo như thế nào? xử lý kế hoạch sử dụng đất hàng năm các huyện không thực hiện, và hoàn toàn chưa có cơ chế bồi thường hỗ trợ cho dân khi mình làm sai”-Đó là băn khoăn của ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre). Theo ĐB Phong, nếu xem xét độc lập từng điều thì rất hay, xong nghiên cứu trong mối quan hệ của nó sẽ có hệ lụy phát sinh, và thực tiễn hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập từ vấn đề này.
Bày tỏ lo lắng, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: "Trên thực tế, nhiều dự án đã có quy hoạch, nhưng chậm triển khai, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Khi chuyển nhượng, thì vướng quy hoạch cho nên việc giao dịch sẽ bị hạn chế về giá và tính cạnh tranh”. Chính vì vậy, ĐB Công đề nghị: "Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện, mà đất trong khu vực phải chuyển mục đích, và thu hồi theo kế hoạch, thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch, đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Chiều cùng ngày, ĐBQH nghe các Tờ trình liên quan về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi); về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình):

Bổ sung vai trò tham vấn của Mặt trận trong quy hoạch, phê duyệt quy hoạch
Tôi đề nghị bổ sung vai trò tham vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các Điều 43, Điều 45 dự thảo luật. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt hơn trách nhiệm được quy định tại các điều 69, 70. Tại các điều này quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc thu hồi đất, cưỡng chế và thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc.
H.Vũ-M.Loan (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.