Các khu tập thể này xưa là nơi trú ngụ của hàng vạn hộ gia đình cán bộ, công nhân viên, bộ đội… hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Trải qua mấy chục năm sử dụng, ít nhất là hơn 30 năm, nhiều nhất là hơn 50 năm như khu Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, hầu hết các chung cư đều xuống cấp hết giá trị về kiến trúc và công năng sử dụng, trở thành các khu ổ chuột khổng lồ làm nhếch nhác môi trường sống của cư dân đô thị và diện mạo kiến trúc của Thủ đô. Đã hàng chục năm nay, Chính phủ và chính quyền TP chủ trương phải tái thiết lại các khu chung cư cũ nát và ngày càng có nguy cơ sập đổ này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân về nguồn lực tài chính, cơ chế tái thiết và nhất là các quy định về quản lý quy hoạch đô thị, khống chế xây nhà cao tầng ở các quận trung tâm nội đô, sau khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn 2050, đã làm cho chủ trương cải tạo các khu chung cư cũ nói trên không thể triển khai được. Việc chính quyền Hà Nội vừa ban hành Quy chế xây dựng nhà cao tầng tại các quận nội thành, trong đó có các khu chung cư cũ là một quyết định đúng đắn, kịp thời và hài hòa được giữa thực tế phát triển với những nguyên tắc cứng nhắc trong quản lý quy hoạch đô thị Hà Nội.
Nếu như vài năm trước đây, việc xây dựng lại chung cư cũ chỉ thực hiện được nhưng hết sức khó khăn với vài nhà chung cư đơn lẻ tại khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, thì nay xây dựng chung cư cao tầng mới phải dựa trên cơ sở quy hoạch chi tiết toàn khu vực chung cư cũ để đảm bảo không tăng mật độ dân số, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng cơ sở… cải thiện, nâng cao chất lượng sống cho cư dân, cải tạo hệ thống tiêu thải nước, tăng quỹ đất để trồng cây xanh, thảm cỏ, không gian công cộng, nơi để xe… cũng như chính sách về đầu tư nhằm đảm bảo lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư (doanh nghiệp), góp phần tích cực vào tạo dựng diện mạo kiến trúc mới cho Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Có thể khẳng định, việc chính quyền Hà Nội cho phép xây dựng chung cư cao tầng từ 18 - 24 tầng (tùy từng khu vực) tại các khu vực chung cư cũ ở nội đô là hoàn toàn đúng đắn và hợp lòng dân, phù hợp với xu thế phát triển chung của TP. Để có thể đưa quy chế sớm vào cuộc sống, ngay từ bây giờ, Hà Nội cần khẩn trương nghiên cứu quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo từng khu vực chung cư cũ, sớm ban hành cơ chế đầu tư ưu đãi đối với doạnh nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích của người dân - doanh nghiệp và TP.
Nếu được như vậy, thì một thời gian không xa, các khu chung cư cũ nát của Hà Nội sẽ được thay thế bởi những khu chung cư cao tầng hiện đại, tiện nghi có chất lượng sống tốt, môi trường sống trong lành, thân thiện với thiên nhiên với con người, góp phần làm đẹp diện mạo kiến trúc đô thị Thủ đô trong thời kỳ phát triển mới.
-
TP.HCM ủy quyền cho quận, huyện cải tạo, xây dựng chung cư cũ đến năm 2027
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027....
-
Những chung cư cũ hơn 50 tuổi tại quận Hai Bà Trưng sẽ được cải tạo trong năm 2025
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo số 7 về kết luận của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn tại buổi làm việc về tình hình triển khai quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng....
-
Hà Nội quy hoạch 29 toà nhà trong khu tập thể Nghĩa Tân
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân, tỉ lệ 1/500.