25/02/2011 1:55 AM
Các cao ốc tại TP.HCM còn thiếu không gian xanh, dẫn đến lãng phí nhiều năng lượng.

“Các cao ốc tại TP.HCM hiện nay thường sử dụng kính ở bề mặt. Ưu điểm của kính là sạch sẽ, hiện đại, lâu xuống cấp và dễ lau chùi. Tuy nhiên, nếu kính chất lượng không cao thì lâu dài sẽ gây lãng phí lớn về nhiều mặt”. Ông Adrien Desport, chuyên gia về kiến trúc của Công ty Adrien Desport Architects & Bich Au, nhận xét trong buổi hội thảo chuyên đề “Cao ốc”, do công ty IQPC tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày 23 và 24-2. Giải pháp nào để xây dựng cao ốc hiện đại nhưng ít lãng phí nhất, phù hợp trong tương lai cũng là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Lo lợi trước mắt, ít nghĩ lâu dài

Ông Adrien Desport liệt kê một số cao ốc điển hình sử dụng kính bề mặt như Diamond Plaza, tòa nhà Bitexco, Vincom, Times Square… Ông cho biết kính chất lượng cao hiện nay có giá trung bình 300-400 USD/m2 nên không phải chủ đầu tư nào cũng có khả năng đầu tư. Việc dùng kính chất lượng không cao sẽ không ngăn chặn được nhiệt độ bên ngoài, lâu dài sẽ làm hao tốn rất nhiều năng lượng điều hòa.

“Trong tương lai, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng Trái đất nóng dần lên. Ngay trước mắt, nguồn cung cấp năng lượng quốc gia cũng đang báo động thiếu hụt, do đó chúng ta càng phải nghĩ đến việc tiết kiệm năng lượng” - ông Adrien Desport cảnh báo. Theo ông, những giải pháp rất hữu hiệu để giảm bớt sự phụ thuộc vào máy điều hòa phải xuất phát từ khâu thiết kế như sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên hiệu quả hoặc xây mái che giảm nóng.

alt

TP.HCM đang mọc lên rất nhiều cao ốc, trong đó không ít cao ốc xây chen gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan. Đồ họa: HIỀN – PHONG

Ông Yannick Millet, Giám đốc điều hành tổ chức Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, cho hay quan niệm thông thường nghĩ rằng cao ốc xanh đi đôi với tốn kém nhiều tiền để đầu tư. “Nhưng thực tế cho thấy thực hiện công trình xanh chính là biện pháp giảm bớt lãng phí. Cụ thể, một cao ốc có thể tiết kiệm ít nhất 30% điện năng tiêu thụ, 30%-50% lượng nước sử dụng nếu có thiết kế “xanh” hợp lý” - ông nhận xét.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng người Việt Nam vốn dĩ rất thích môi trường sống xanh. “Muốn thế, các cao ốc cần được tăng cường độ thông thoáng cho sảnh tầng. Nhưng nghịch lý là chính một số công ty nước ngoài lại thiết kế cho các cao ốc tại TP theo dạng khép kín, dẫn đến tiêu hao năng lượng rất lớn” - ông Đực bày tỏ.

Cũng theo ông Đực, một yếu tố rất quan trọng để tiết kiệm chi phí của cao ốc là thiết kế móng hợp lý. “Cao ốc Etown ở Tân Bình cao khoảng 10 tầng với hai tầng hầm. Lẽ ra có thể sử dụng móng bè là ổn nhưng công trình lại dùng cọc nhồi làm lãng phí thời gian và tăng chi phí từ bốn đến sáu lần” - ông nêu dẫn chứng. Cũng theo ông Đực, tại TP có nhiều công trình lớn, đặc biệt là một số dự án sử dụng vốn ngân sách đang có lãng phí lớn khi thi công móng, cọc.

Cao ốc xây chen: Nhiều hiểm họa

Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn Việt Nam (Bộ Xây dựng), bày tỏ sự lo ngại về tình trạng xây dựng các cao ốc xây chen trong khu vực dân cư đang diễn ra tại TP.HCM. Điều này dẫn đến tình trạng mất an toàn về giao thông, tầm nhìn và cảnh quan bị ảnh hưởng xấu trong khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng chưa theo kịp thực tế. “Quy định về khoảng cách giữa các khối nhà, đường dành cho xe chữa cháy hiện nay thường tính bằng 1,5 đến hai lần trung bình cộng của chiều cao hai khối nhà. Điều này chỉ phù hợp với nhà thấp tầng. Nhà cao tầng, siêu cao tầng thì phải tính khác nhưng hiện nay chưa có quy định” - bà Thuận cho hay.

Nói thêm về tình trạng xây chen cao ốc trong dân cư dẫn đến nguy hiểm cho người dân, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết thêm: “Nhiều cao ốc diện tích đất chưa tới 1.000 m2, cần trục tháp thì có gì xài đó, muốn hoạt động giờ nào cũng được. Tại nhiều nơi, cần trục tháp vươn ra ngoài ranh đất, treo lơ lửng trên đầu người đi đường và các công trình kế cận hằng ngày, hằng giờ”.

Theo ông Hiệp, trong tháng 4, Sở Xây dựng TP sẽ trình TP quy chế về việc sử dụng cần trục tháp trong thi công cao ốc để đảm bảo an toàn cho người dân lẫn công trình.

Cao ốc là phần không thể thiếu của một đô thị phát triển. Nhiều nơi trên thế giới cao ốc đã trở thành điểm nhấn, thành biểu tượng đặc trưng của thành phố. TP.HCM đang có sự bùng nổ về cao ốc nhưng nếu không có chiến lược, giải pháp, biện pháp quản lý kiến trúc đô thị thì phát triển cao ốc sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ông HỒ QUANG TOÀN,
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cao ốc của Việt Nam quy định cho các bên “làm cái gì” và cả “làm như thế nào”. Trong khi đó, thế giới thì chỉ yêu cầu các bên “làm gì”, còn làm như thế nào thì khuyến khích chủ đầu tư thực hiện bằng nhiều cách.

LÊ THỊ BÍCH THUẬN, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn Việt Nam

Cafeland.vn - Theo PLTP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland