10/08/2014 9:20 AM
Luật Đấu thầu sửa đổi (có hiệu lực từ 1.7.2014) gánh trên mình nó nhiều kỳ vọng như thoát khỏi “bẫy” thầu giá rẻ, phát hiện và chế tài hành vi thông thầu… Thậm chí, tại hội nghị hôm 8.8, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh còn khá lạc quan rằng, nó sẽ giúp “chấm dứt tình trạng trúng thầu rồi điều chỉnh giá với lý do trượt giá, phá vỡ dự toán vốn ban đầu”.

Hình minh họa

Hình Bỏ thầu giá rẻ, đi kèm với đó là chậm tiến độ, chất lượng kém, đội giá…lâu nay là cơn ác mộng mang tên nhà thầu Trung Quốc của các dự án trong nước. Theo thống kê của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, có tới 90% các dự án tổng thầu của VN do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Còn theo số liệu của Bộ Công thương, có tới 15/20 dự án năng lượng của VN do Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, tất cả các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đều gặp nhiều vấn đề về tiến độ, chất lượng, tăng vốn đầu tư…(Nhà máy bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tăng hơn 4.000 tỉ đồng; dự án Đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông đội giá lên hơn 7.000 tỉ đồng...). Điểm chung thứ hai, tất cả các dự án này đều sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn gốc công.

Sơ hở về luật pháp, điều đó đúng. Luật Đấu thầu chỉ lấy tiêu chuẩn giá thầu rẻ chứ không lấy những tiêu chuẩn khác như trình độ công nghệ kỹ thuật, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, sử dụng lao động, đào tạo công nhân... làm trọng.

Nhưng đấu thầu giống như một cuộc thi và hồ sơ mời thầu như đề bài thi. Chất lượng hồ sơ mời thầu, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu, quá trình đánh giá hồ sơ của chủ đầu tư quyết định cuộc thi có công bằng, minh bạch và hiệu quả hay không. Để có được hồ sơ mời thầu có chất lượng như vậy cần phải có kiến thức và hiểu biết về công việc. Tuy nhiên, trong thực tế các chủ đầu tư trong hệ thống bộ máy thực hiện công tác đấu thầu các gói thầu sử dụng vốn nhà nước hiện nay hầu như không đáp ứng yêu cầu, nên dễ để lọt các nhà thầu kém chất lượng.

Nhưng đáng lo và nguy hại hơn, đấu thầu giá rẻ là mong muốn của các chủ đầu tư chứ không hẳn tại cơ chế về đấu thầu. Nhiều nhà thầu Trung Quốc quá hiểu cơ chế và con người của chúng ta, rằng khi phê duyệt dự án chúng ta thường dự toán kinh phí không đúng thực tế, khi triển khai mới xin tăng vốn. Nhà thầu Trung Quốc cũng vậy, bỏ giá thấp để trúng thầu, khi đang triển khai dự án dở dang thì xin điều chỉnh. Nếu chủ đầu tư không đồng ý điều chỉnh thì liệu họ có tăng vốn được không?

Chủ tịch HĐQT một tập đoàn tư nhân nói rằng, lỗi không chỉ xuất phát từ nhà thầu Trung Quốc. Bằng chứng là tập đoàn này đang đầu tư 5 nhà máy thủy điện, nhiều dự án giao thông, có sử dụng nhà thầu Trung Quốc, có công nghệ Trung Quốc nhưng không gặp vấn đề về chất lượng, không chậm tiến độ và càng không có chuyện đội vốn. “Quan trọng là mình giám sát họ như thế nào từ khi bỏ thầu đến khi thi công”, ông này nói.

Vậy mới nói, lỗi cuối cùng vẫn là ở con người - những người có trách nhiệm và quyền hạn.

An Nguyên (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.