05/12/2012 10:23 AM
Liên quan đến dự án chậm triển khai hay còn gọi là các dự án treo trên địa bàn, bên lề kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố Hà Nội khóa 14, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên liên quan đến chủ đề này.

Một công trình xây dựng bị bỏ hoang hơn 10 năm tại ngã tư Đội Cấn - Văn Cao - Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

´Thưa ông, trên địa bàn thành phố còn nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến tình trạng việc sử dụng đất lãng phí, vậy theo ông, Sở TNMT Hà Nội có giải pháp gì để ngăn chặn về tình trạng này?

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khi kiểm điểm, chúng tôi cũng đề cập đến nội dung này, và cũng khẳng định còn tồn tại một số yếu kém. Trước tiên là quy hoạch sử dụng đất có tính khả thi chưa cao; thứ hai là việc triển khai một số nội dung trong quy hoạch còn chậm. Thứ ba là khi triển khai thực hiện dự án, nhiều chủ đầu tư chưa đủ năng lực. Sau đó là khâu hậu kiểm cũng chưa được quyết liệt.

Chúng tôi đã rút kinh nghiệm về vấn đề này và đã báo cáo trình HĐND và đang trình Bộ TNMT để báo cáo Thủ tướng về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015 và năm 2020. Chúng tôi rút kinh nghiệm quy trình lập và đảm bảo tính khả thi của dự án. Đồng thời, chúng tôi tham mưu cho thành phố một số chính sách để sửa đổi. Nhất là việc chọn chủ đầu tư có năng lực về tổ chức thực hiện, đặc biệt là năng lực về tài chính. Tiếp đó, là việc hậu kiểm, tức là xem dự án có đúng tiến độ và mục đích hay không.

Đặc biệt, chúng tôi đang kiểm tra, xử lý dự án chậm triển khai. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay khi mà kinh tế đang khó khăn, Sở TNMT đang phối hợp với quận, huyện tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư để triển khai tốt dự án. Sau khi kiểm tra, đã có tháo gỡ, cảnh báo và đã xử lý về hành chính mà nhà đầu tư không triển khai tiếp thì chúng tôi dứt khoát trình thành phố thu hồi, có thể đấu giá hoặc giao làm những công trình công cộng đang gây bức xúc nhiều trên địa bàn.

´Trên địa bàn Hà Nội có nhiều khu đô thị chưa biết ngày nào hoàn thành, nhiều lô đất để trống, theo ông vì sao tồn tại tình trạng này?

Hiện trạng này chúng tôi đã kiểm tra. Không phải những lô đất này không có mục đích sử dụng mà trong quy hoạch đã rõ. Nhưng trong việc triển khai cụ thể, một số chủ đầu tư thường quan tâm đầu tư đến những công trình hoàn vốn nhanh. Còn những công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật nếu chưa cấp bách, cũng không đôn đốc thì họ chưa triển khai. Ví dụ trường học, cây xanh… đúng là có. Thành phố đang tập trung giải quyết, giao cho Trung tâm giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất thuộc Sở TNMT làm thường trực để nắm và rà soát, nếu chủ đầu tư không triển khai được thì thành phố thu hồi rồi cấp ngân sách triển khai, còn những trường hợp xã hội hóa, tổ chức đấu thầu, đấu giá.

´Một nguyên nhân dẫn đến dự án chậm là do lựa chọn chủ đầu tư không đủ năng lực nhưng nhiều dự án đều do những tổng công ty, tập đoàn lớn đảm nhiệm nhưng tại sao vẫn xảy ra những bất cập trong quản lý sử dụng đất, thưa ông?

Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan như chính sách liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Đặc biệt việc chọn chủ đầu tư hiện chúng ta đang giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính, nhưng năng lực tài chính thì các quy định hiện nay chưa hoàn toàn chặt chẽ nên kiểm soát năng lực tài chính còn hạn chế. Ví dụ như quy định chủ đầu tư có quyền triển khai dự án nếu như họ có 20% vốn để đầu tư nhưng kiểm soát họ làm bao nhiêu dự án và dự án ở bao nhiêu tỉnh thành trên địa bàn cả nước thì chúng ta chưa kiểm soát được. Về mặt pháp luật, chúng ta có cảm giác là đúng nhưng trong thực tế tính khả thi chưa cao, vấn đề này chúng ta chưa kiểm soát được. Trước đây chúng tôi có gửi văn bản tới các tỉnh thành, đặc biệt là những nơi chủ đầu tư triển khai dự án nhưng việc trả lời giữa các địa phương với nhau thì trách nhiệm chưa cao.

´Vậy theo ông, chúng ta kiểm soát năng lực tài chính của chủ đầu tư, bằng cách nào?

Hiện nay việc kiểm soát năng lực tài chính, chỉ thông qua tổ chức triển khai cụ thể. Còn kiểm toán hoặc kiểm soát về tài chính của từng đơn vị thì làm chưa được tốt. Tôi cho rằng việc kiểm toán độc lập rất quan trọng. Nếu làm tốt thì không chỉ ngành tài nguyên môi trường mà các lĩnh vực khác cũng rất cần thiết.

Nếu làm kiểm toán điển hình một số trường hợp chậm triển khai dự án thì các trường hợp khác có thể khắc phục được. Nếu đồng loạt tất cả tổ chức, lĩnh vực trên cả nước thì tôi nghĩ là khó.

´Thưa ông, có một thực trạng là năm nào thành phố cũng có đoàn kiểm tra, HĐND giám sát, tại sao lại có tình trạng lãng phí đất đai và nhiều dự án treo như vậy?Có phải do khâu cấp dự án dễ dãi?

Việc khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương, tôi cho rằng rất cần thiết. Việc này nếu theo luật, tức là quy hoạch được duyệt, dự án được duyệt thì không lý gì ngành TNMT lại không giao đất cho người ta. Còn trong quá trình thẩm tra thì đúng là vấn đề năng lực cần phải khắc phục dần.

Vậy theo ông, tình trạng lãng phí đất đai tại các dự án treo của Hà Nội trong thời gian tới có được khắc phục không?

Điều đó phải khắc phục dần, một lúc làm ngay thì khó. Quan điểm của tôi trước tiên là tháo gỡ. Qua báo cáo HĐND, chúng ta thấy phần tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư để đưa dự án vào hoạt động là tốt. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay thì chúng ta phải thấy được khó khăn của doanh nghiệp. Bởi vì họ đã đầu tư lớn vào dự án và trong một thời gian nhất định. Nay nếu thu hồi, thì trong quy định chúng ta phải tính đến việc có đền bù hay không? Đền bù tính toán thế nào? Muốn làm được như vậy, chúng ta cần có chính sách liên quan đến đất đai chi tiết. Chúng tôi đang làm việc với Bộ TNMT, kiến nghị nhiều lần về Nghị định hướng dẫn đất có vi phạm, trong đó có vi phạm không triển khai dự án đúng tiến độ thì hiện nay chúng ta chưa có.

  • Dự án 'treo' - Bài cuối: Bắc Ninh kiên quyết thu hồi các dự án treo

    Dự án 'treo' - Bài cuối: Bắc Ninh kiên quyết thu hồi các dự án treo

    Đặt câu hỏi, hiện nay những hộ dân vẫn chưa bàn giao đất cho nhà đầu tư để phát triển công nghiệp tập trung, vậy tâm tư của họ cần gì? Đa số người dân xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cho rằng, họ không chống đối chủ trương của chính quyền các cấp khi lấy đất làm công nghiệp, nhưng họ mong muốn doanh nghiệp sớm triển khai dự án.

  • Dự án 'treo' - Bài 4: Xấu bộ mặt đô thị

    Dự án 'treo' - Bài 4: Xấu bộ mặt đô thị

    Không chỉ làm người dân khốn khổ, dự án treo đang làm xấu bộ mặt đô thị. Dọc trục Lê Văn Lương và Trần Duy Hưng, những ai đi qua đoạn đường này đều dễ bắt gặp nhiều khu đất quây tôn bao quanh. Đó là những dự án treo và với tình hình bất động sản đóng băng như hiện nay, cũng không rõ khi nào những dự án này khởi động.

  • Dự án 'treo' - Bài 3: 'Tha hương' trên mảnh đất của mình

    Dự án 'treo' - Bài 3: 'Tha hương' trên mảnh đất của mình

    Vài năm gần đây, khu vực tam giác phát triển đô thị mạnh nhất tại Hà Nội là khu vực: Thanh Xuân - Cầu Giấy - Từ Liêm. Thời điểm sốt giá, khu vực này có giá chuyển nhượng cao nhất thành phố nhưng đây là khu vực có nhiều đất để hoang hóa nhất, trong đó nhiều dự án treo kéo dài nhiều năm. <br/br>

  • Dự án 'treo' - Bài 2: Đại lộ Thăng Long

    Dự án 'treo' - Bài 2: Đại lộ Thăng Long

    Dọc hai bên đại lộ Thăng Long, cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 km về phía Tây, hàng loạt dự án bất động sản, trụ sở các cơ quan đang triển khai dang dở được rào lại, bên trong cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, người dân mất đất ruộng từ nhiều năm nay vẫn đang sống trong tình cảnh “làm hôm nay, lo ngày mai”.

  • Dự án 'treo' - Bài 1: Đất treo, dân thiếu việc làm

    Dự án 'treo' - Bài 1: Đất treo, dân thiếu việc làm

    Phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung, thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương đúng đắn của các địa phương trong cả nước. Nhưng việc phát triển các KCN, CCN một cách ồ ạt, sử dụng nhiều quĩ đất nông nghiệp màu mỡ chuyển sang công nghiệp đang là nỗi lo của người dân, trong khi quĩ đất trồng lúa ngày càng co hẹp.

Theo Xuân Cường (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.