30/11/2012 3:03 PM
Vài năm gần đây, khu vực tam giác phát triển đô thị mạnh nhất tại Hà Nội là khu vực: Thanh Xuân - Cầu Giấy - Từ Liêm. Thời điểm sốt giá, khu vực này có giá chuyển nhượng cao nhất thành phố nhưng đây là khu vực có nhiều đất để hoang hóa nhất, trong đó nhiều dự án treo kéo dài nhiều năm.

Dự án treo tại lô C (chỗ khoanh tròn) 10 năm nay vẫn chỉ là trên giấy.

Trong số cả chục dự án treo trên địa bàn Cầu Giấy, dự án treo tại lô C (1783 m2) nằm trong dự án khu đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng khiến 11 gia đình khu tập thể giáo viên tổ 57, phường Dịch Vọng (gần trường tiểu học Dịch Vọng) “ở cũng khó mà đi cũng không xong”.

Kể về dự án treo này, ông Triệu Đức Thâm, tổ trưởng tổ 57 cho biết: Dự án khu đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng được được TP Hà Nội phê duyệt vào ngày 14/8/2000 với tổng diện tích 44.088 m2. Tuy nhiên, đến năm 2003, chủ đầu tư mời vài hộ dân lên và thông báo cho người dân trong tổ biết khu đất của tổ 57 nằm trong quy hoạch của dự án xây dựng tòa nhà cao 5 tầng. Chủ đầu tư không tiến hành thỏa thuận đền bù, không thông báo cho người dân biết chi tiết quy hoạch khu đất này. Thái độ làm việc chậm trễ của chủ đầu tư đã đẩy các hộ gia đình rơi vào cảnh phải sống như ở nhờ trên chính mảnh đất của mình, nhà không được phép sửa chữa dù đã xuống cấp.

Bà Đỗ Việt Khánh, (65 tuổi), hộ dân ở đây cho biết, từ khi có dự án treo này, nhà cửa không được sửa, xây mới; đã vậy con cháu đến tuổi đến trường phải học trái tuyến dù trường cách nhà vài bước chân. Thậm chí nhập hộ khẩu cũng không xong vì chính quyền phường đều nói đây là đất dự án. Để cho con cháu được đi học tại trường trên địa bàn phường, tôi phải làm đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ, họ mới xác nhận thường trú tại phường.

Tìm hiểu về hồ sơ dự án thì được biết, dự án khu đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng được phê duyệt từ năm 2000. Phần cơ bản của dự án hoàn thành vào năm 2005. Tuy nhiên, trong hơn mười năm thực hiện dự án, đơn vị đầu tư chỉ có thông báo tới người dân tổ 57 có 2 lần vào năm 2003 và năm 2011. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư dự án đô thị Nghĩa Đô - Dịch Vọng là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã đưa ra nhiều quyết định không rõ ràng về khu C của dự án.

Điều đáng lưu ý là, dù đa phần dự án hoàn thành vào năm 2005 nhưng phải đến ngày 29/4/2009 UBND quận Cầu Giấy mới có QĐ số 795/QĐ - UBND về việc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Cầu Giấy để thu hồi đất tại khu C dự án xây dựng khu đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng. Căn cứ quyết định này, mãi tới ngày 5/1/2011 UBND phường Dịch Vọng mới triệu tập cuộc họp với 11 gia đình khu tập thể giáo viên tổ 57 phổ biến việc triển khai thực hiện GPMB phục vụ dự án xây dựng nhà lô C khu đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng.

Và đến ngày 29/5/2011, UBND phường Dịch Vọng mới triệu tập cuộc họp với 11 gia đình để công khai các thủ tục pháp lý thực hiện dự án xây dựng nhà lô C khu đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng. “Tại cuộc họp, chủ đầu tư thông báo khu đất tập thể giáo viên tổ 57 phường Dịch Vọng sẽ được giải tỏa để xây dựng một tòa nhà chung cư 21 tầng. Khi 11 hộ gia đình yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các thủ tục pháp lý cho phép xây dựng tòa nhà 21 tầng tại phường Dịch Vọng để lấy đó làm căn cứ thỏa thuận nhưng chủ đầu tư đã không xuất trình được.

Từ đó đến nay chưa có cơ quan, đơn vị nào thông báo, làm việc với 11 hộ gia đình về yêu cầu nêu trên. Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội không tiến hành thỏa thuận với các hộ dân như cam kết trong cuộc họp ngày 29/5/2011. Và từ đó đến nay, dự án tại khu C vẫn trong tình trạng treo”, ông Triệu Đức Thâm cho biết.

Trong lúc chủ đầu tư không đưa ra được mốc thời gian cụ thể, cùng kế hoạch triển khai dự án xây dựng nhà lô C. Để đảm bảo quyền lợi cho hàng chục nhân khẩu đã sinh sống ổn định 21 năm tại khu tập thể giáo viên tại tổ 57 phường Dịch Vọng, 11 hộ gia đình khu tập thể giáo viên đã gửi đơn khiếu nại và đề nghị cơ quan chức năng công khai làm rõ những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân.

Trao đổi với người dân tại tổ 57, tất cả đều có nguyện vọng phải công khai dự án tại lô C rõ ràng. Nếu thực hiện thì chính sách đền bù rõ ràng, thời gian cụ thể. Ông Phạm Đức Hy, một giáo viên về hưu đã gần 90 tuổi cho biết các hộ dân ở đây hoàn toàn ủng hộ nếu dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng được chấp nhận thay đổi thiết kế (cho phép xây dựng tòa nhà 21 tầng) và tiếp tục thực hiện.

Trong trường hợp dự án vẫn còn giá trị, đề nghị chủ đầu tư công khai dự án, tiến hành đàm phán thỏa thuận đền bù và lên phương án tái định cho 11 hộ gia đình khu tập thể giáo viên tổ 57, phường Dịch Vọng. Chứ cứ để nhùng nhằng thế này, xây cũng không được mà đi cũng không xong.

Trong trường hợp dự án khu đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng không được tiếp tục thực hiện, TP Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm làm thủ tục cấp sổ đỏ theo quy định của Nhà nước, trả lại cho các hộ dân quyền sở hữu hợp pháp trên phần mảnh đất được xã Dịch Vọng cấp năm 1990, để từ đó người dân có thể sửa chữa, xây dựng nhà cửa để an cư trên mảnh đất của mình.

Đây là một trong hàng loạt dự án treo đang ảnh hưởng tới đời sống của người dân trong vùng dự án do thông tin mập mờ về dự án, cũng như không xác định thời gian triển khai và kết thúc khiến các hộ dân tại đây có nhà nhưng không được xây, sửa; con cháu không được học đúng tuyến...

  • Dự án 'treo' - Bài 2: Đại lộ Thăng Long

    Dự án 'treo' - Bài 2: Đại lộ Thăng Long

    Dọc hai bên đại lộ Thăng Long, cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 km về phía Tây, hàng loạt dự án bất động sản, trụ sở các cơ quan đang triển khai dang dở được rào lại, bên trong cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, người dân mất đất ruộng từ nhiều năm nay vẫn đang sống trong tình cảnh “làm hôm nay, lo ngày mai”.

  • Dự án 'treo' - Bài 1: Đất treo, dân thiếu việc làm

    Dự án 'treo' - Bài 1: Đất treo, dân thiếu việc làm

    Phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung, thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương đúng đắn của các địa phương trong cả nước. Nhưng việc phát triển các KCN, CCN một cách ồ ạt, sử dụng nhiều quĩ đất nông nghiệp màu mỡ chuyển sang công nghiệp đang là nỗi lo của người dân, trong khi quĩ đất trồng lúa ngày càng co hẹp.

Theo Xuân Cường (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án