Nhiều dự án đầu tư chậm triển khai dẫn đến tình trạng đất để hoang (ảnh chụp trong KCN Quế Võ - Bắc Ninh).
Thực tế cho thấy tại nhiều KCN, CCN vẫn còn nhiều diện tích bị bỏ trống, nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai dẫn đến tình trạng dự án “treo” trong khi người dân thì thiếu đất canh tác. Hiện nay, nhiều địa phương đang kiểm tra, rà soát các dự án chậm đầu tư, chậm sử dụng đất trên địa bàn và đề xuất các biện pháp xử lý đối với dự án này nhưng những hệ luỵ của những dự án “treo” đã khiến nhiều người dân điêu đứng.
Bài 1: Chuyện đất “treo”, dân thiếu việc làm ở Bắc Ninh
Giang Liễu là một trong bốn thôn của xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để phát triển KCN tập trung. Những ngày này, dọc tuyến QL1B, QL18 từ Hà Nội đi Lạng Sơn, trên nhiều cánh đồng bà con đang tập trung sản xuất vụ đông, rau màu xanh tốt, nhưng ở Giang Liễu người dân lại... chơi dài. Thiếu đất sản xuất do đã lấy ra để phát triển công nghiệp, số diện tích còn lại thì phần nhiều không canh tác được do không có nước tưới. Tình cảnh thừa lao động, thiếu việc làm, nhiều cánh đồng ruộng bỏ hoang đang là nỗi lo không chỉ riêng Giang Liễu.
Đất nông nghiệp bị thu hồi làm KCN tập trung nhưng chưa có dự án đầu tư dẫn tới tình trạng để hoang hóa (ảnh chụp tại KCN Quế Võ - Bắc Ninh).
Về Giang Liễu, nhìn cảnh làng quê khang trang, đường sá được bê tông hóa, nhà văn hóa thôn hai tầng cao ráo chúng tôi nghĩ mô hình nông thôn mới là đây chứ ở đâu xa. Nhưng đó chỉ là cái “vỏ” bề ngoài, còn đời sống người dân vẫn còn rất khó khăn, nhiều hộ ruộng ít, thiếu việc làm. Ông Nguyễn Quang Truyền, thôn Giang Liễu, cho biết: Trước khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để làm KCN tập trung, gia đình ông có hơn một mẫu ruộng (khoảng 3.600 m2). “Bờ xôi ruộng mật” là thế, một năm cấy hai vụ lúa, một vụ màu, mọi sinh hoạt gia đình tuy chưa giàu nhưng cuộc sống cũng ổn định. Nay cả nhà với 6 miệng ăn, đất sản xuất chỉ còn 1.000 m2 (nghĩa là mất tới 2/3 đất canh tác lấy ra làm công nghiệp), nên vợ chồng ông phải chạy chợ, buôn bán nhỏ kiếm sống. Ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng, gia tài giá trị nhất là chiếc xe máy để vợ chồng ông chạy chợ. Vợ chồng ông đã già không thể đi làm công nhân ở KCN được, mọi chi tiêu của gia đình chỉ nhìn vào quầy hàng khô của vợ ông. Theo ý kiến phản ánh của nhân dân, năm 2004 khi lấy đất làm công nghiệp, các công ty có hứa khi đi vào hoạt động họ sẽ tuyển lao động địa phương vào làm công nhân. Trong mùa trung thu năm ấy, các cháu trong thôn còn được một vài cái bánh, nay thì chả có gì. Doanh nghiệp chỉ hứa hẹn vậy nhưng nhìn diện tích đất bỏ không trong KCN thì biết bao giờ nhà máy đi vào hoạt động mà tuyển công nhân?
Trò chuyện với người dân nơi đây, ai cũng than rằng nhìn thấy ruộng của mình bỏ hoang thấy tiếc quá, trong khi bà con thì không có đất để sản xuất, đất cấp cho dự án trong KCN thì bỏ không. Giang Liễu có tới 930 hộ mất đất do làm công nghiệp, cá biệt như thôn Nho Giang và Phương Cầu mất tới 50% diện tích đất lúa. “Giá trước đây chúng tôi cứ giữ đất làm nông nghiệp, cuộc sống có lẽ cũng đỡ khó khăn hơn. Thuận theo sự vận động nhận đền bù trả đất làm công nghiệp, nhưng thực tế cho thấy cứ 100 m2 thì mới có 30 m2 làm công nghiệp, 70 m2 còn lại thì để không. Đây có phải hiện tượng đầu cơ?”, ông Truyền chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hải Trưng, Chủ tịch UBND xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) thì từ năm 1998 đến nay, Phương Liễu được tỉnh, huyện triển khai phát triển một số KCN tập trung, và tiếp tục mở rộng KCN liền kề. Ở thời điểm đó, diện tích đất canh tác của xã là 580 ha, nhưng do thu hồi hơn 200 ha làm KCN tập trung nên nay diện tích này chỉ còn 330 ha. Với dân số 9.236 khẩu, qui ra bình quân mỗi khẩu ở Phương Liễu chỉ còn 200 m2 đất canh tác. Do thiếu đất sản xuất nên phần lớn người dân thiếu việc làm, số ít thanh niên thì tìm việc ở các doanh nghiệp, người già và phụ nữ thì làm ô sin, buôn bán nhỏ và đi phụ hồ kiếm sống. |
Chị Nguyễn Thị Diếm, thôn Giang Liễu, cho biết: “Chúng tôi mất ruộng, thiếu đất sản xuất. Nguyện vọng của bà con mong muốn những nơi công nghiệp chưa dùng đến, Nhà nước hoàn lại đất cho bà con canh tác. Bây giờ đất bỏ hoang, nhà nào có vốn thì mua trâu về thả trong KCN, nhà nghèo thì chỉ còn cách đi làm ô sin, phụ hồ dành dụm nuôi con ăn học. Nhà tôi trước có 1,4 mẫu, nay chỉ còn 5 sào. Ruộng mỗi xứ đồng một mảnh, lắt nhắt, muốn dồn điền đổi thửa cũng khó. Đã vậy ruộng thì không có nước tưới, chiêm khê mùa thối, vụ mùa năm nay lúa hỏng hết, có nhà cấy nhưng không có thu, cuộc sống khó khăn lắm”.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Bí thư chi bộ thôn Giang Liễu, từ khi Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc thu hồi đất, lấy ruộng làm KCN thì hệ thống kênh N36 đã bị san lấp, từ đó dẫn tới việc nguồn nước tưới, đổ ải ở những chân ruộng xa càng khó khăn. Kênh mương vỡ, hỏng, nước chảy ngược... nên bà con không thể lấy được nước tưới. “Sau khi cử tri kiến nghị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc có đền bù kinh phí để sửa chữa nhưng nguồn tiền đó vẫn nằm ở kho bạc, trong khi kênh mương thì hư hỏng, ruộng đồng Giang Liễu thiếu nước sản xuất gặp khó khăn. Ngày trước khu đồng Quán, đồng Dẻ, cầu Cây Đa trồng màu rất tốt nhưng nay không chủ động được nước tưới nên ruộng bỏ hoang nhiều” - ông Nguyễn Văn Dương cho biết thêm.
Thiếu đất sản xuất dẫn tới việc người dân thiếu việc làm, lao động dôi dư đang là nỗi lo ở xã Phương Liễu. Ruộng đồng trước đây trồng rau màu tươi tốt, nay không trồng được do tưới tiêu kém. Những diện tích còn lại thì nằm trong vùng qui hoạch KCN tập trung, nhưng chưa đền bù khiến người dân có canh tác cũng khó do hệ thống tưới tiêu kém, mương máng bị san lấp, thế là một số diện tích ruộng bỏ hoang.