Để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão năm 2013, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, mưa bão gây ra, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cần chủ động và phối hợp kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các khu tập thể, nhà chung cư bị hư hỏng xuống cấp trên địa bàn.
Trong đó, đặc biệt chú trọng các khu nhà ở phố cổ, phố cũ, ngoài đê sát bờ sông, vùng bị ngập lụt, khu chung cư cũ có dấu hiệu không đảm bảo an toàn.
Theo đó, các địa phương và đơn vị liên quan chuẩn bị phương án cụ thể vị trí các địa điểm theo địa bàn (quỹ nhà trống, các cơ quan, trụ sở, trường học…) để chủ động di chuyển, tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi các khu vực trọng yếu, nguy hiểm trước khi bão, lũ lụt xảy ra nhằm đảm bản an toàn cho công trình và người sử dụng.
Đồng thời lập phương án thực hiện việc phòng, chống đổ, sập nhà, công trình; hỗ trợ di chuyển dân theo phương châm “bốn tại chỗ” để phòng, chống, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Các địa phương phải duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 982 nhà chung cư cũ có quy mô 4-5 tầng do thành phố quản lý và 173 nhà chung cư, nhà tập thể khác do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (Bộ Quốc phòng) quản lý.
Qua tiến hành kiểm định đối với 77 nhà chung cư, thành phố đã lọc ra 11 nhà chung cư nguy hiểm cấp D và đã tiến hành di dời, cải tạo xây dựng lại từ nhiều năm nay.
Đó là các dự án B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I1- 2-3 Thái Hà; P3 Phương Liệt ; C7, B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 148-150 Sơn Tây, khu tập thể Nguyễn Công Trứ…
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng này thì tiến độ thực hiện ở hầu hết các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố vẫn còn quá chậm. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng vướng mắc chủ yếu ở các dự án vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, mâu thuẫn gay gắt nhất vẫn ở quyền lợi.
Người dân thì luôn đòi hỏi giá đền bù, hỗ trợ cao, căn hộ mới phải rộng, đẹp hơn nhà cũ, được tái định cư tại chỗ…, còn doanh nghiệp thì không thể làm mà không đạt mức lợi nhuận nhất định. Thậm chí có nơi còn “nóng” lên khi người dân đòi quyền quyết định chọn chủ đầu tư.
Và những năm gần đây, khó khăn hơn bởi tại những vị trí lên kế hoạch cải tạo đều nằm trong nội thành, là khu vực hạn chế phát triển, giảm tầng cao, giảm mật độ dân cư. Do đó, thành phố cần có cơ chế tính toán tổng thể để cân đối quyền lợi cho nhà đầu tư.
Thời gian tới, cùng với việc tổng hợp, rà soát tất cả các dự án, kể cả khu chung cư cũ, nhà đơn lẻ, thành phố Hà Nội sẽ xử lý kiên quyết đối với chủ đầu tư nào không thực hiện dự án trong khi đã có đủ điều kiện, được quận huyện và người dân ủng hộ; đồng thời thay thế bằng nhà đầu tư khác, không để tình trạng chậm trễ kéo dài, khiến người dân phải chờ đợi, sinh hoạt không ổn định tại các nơi tạm cư.
Đã đến lúc Hà Nội cần xem đây là vấn đề cấp bách, không thể chậm trễ hơn được nữa và cần đưa ra các giải pháp mạnh, không thể để người dân “đánh đu” với doanh nghiệp, rồi doanh nghiệp lại gây sức ép với chính quyền như hiện nay