"Đại đa số người dân đã đồng thuận rồi thì thiểu số phải theo. Bởi vì có những người dân đòi hỏi giá nhà đất gấp 3 lần thị trường thì liệu có hợp lý không? Vậy nên chúng ta mới cần lấy cơ chế đồng thuận cộng đồng. Với trường hợp người dân không đòi tiền bồi thường mà chỉ muốn giữ đất để sinh sống cũng không ổn, vì chúng ta phải tôn trọng quy hoạch sử dụng đất" - GS. Võ cho biết.

Liên quan đến câu hỏi của độc giả Phương Việt về bài viết: Giáo sư Đặng Hùng Võ nói về dự thảo Luật Đất đai, tối ngày 13/5, PV Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường để giải đáp bài toán này.

GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường

Phương Việt: Đọc bài trả lời của giáo sư trên một tờ báo, nói về những điểm tiến bộ của Luật Đất Đai mới (sửa đổi, dạng Dự thảo), thấy có một đoạn sau:

“Tôi cho rằng dự thảo luật có bước tiến bộ khá nhiều ở chỗ đã nâng cấp được cách làm của cơ chế tự thỏa thuận, đã chuyển từ nhà đầu tư thỏa thuận với từng người sử dụng đất sang nhà đầu tư thỏa thuận với cộng đồng những người sử dụng đất và quyết định dựa trên đa số ý kiến của cộng đồng. Đây là điểm tiến bộ rất lớn, sẽ làm cho cơ chế tự thỏa thuận khắc phục được nhược điểm hiện nay khi một số ít người đòi hỏi vô lý về giá đất, sẽ làm cho cơ chế này có sức sống mạnh hơn” (Bài viết Giáo sư Đặng Hùng Võ nói về dự thảo Luật Đất đai đăng trên Dân Việt ngày 13/05/2013).
Tôi có một trường hợp sau, nhờ giáo sư chỉ giúp những nét tiến bộ nếu áp dụng những điều giáo sư vừa phân tích:
Gia đình tôi sống ở một vùng đất gần biển, có khoảng 100 hộ dân. Ngày xưa, vùng ấy chẳng ai màng tới. Thế rồi, cách đây vài năm, tự nhiên có những người ở vùng khác đến mua và làm nhà nghỉ, hoặc sinh sống. Dân vùng tôi vốn nghèo nên bán hết, chỉ còn lại 20 hộ muốn hưởng không khí trong lành và giữ phần đất của tổ tiên, nên ở lại. Về sau mới biết, 80 hộ kia là một “hội” với nhau.
Cùng lúc đó, một dự án du lịch nhỏ nhắm vào khu vực này. Do phải thỏa thuận với người dân, nên vướng 20 hộ còn lại, dự án chưa triển khai được. Các hộ này lập luận, đây là dự án tư nhân, các anh cứ việc xây dựng trên số đất mà các anh thỏa thuận được, còn thì chừa chúng tôi ra. Cứ coi như các anh là nhà giàu đi, muốn gom đất làm vườn hoa, thì gom được bao nhiêu làm bấy nhiêu thôi, còn chúng tôi không thể bỏ mảnh đất chúng tôi đã gắn bó cả đời cho các anh làm vườn hoa được.
Nay, nếu như theo giáo sư Đặng Hùng Võ chỉ ra, dự án ấy đã có đường thoát, có đúng không ạ? Vì 20 hộ còn lại tức là thiểu số, thua đứt đa số là 80 hộ kia?
GS. Đặng Hùng Võ: Những việc đã xảy ra rồi thì không áp dụng hồi tố theo Luật mới. Luật mới thì phải theo những quy định được điều chỉnh bởi Luật mới chứ không liên quan gì đến câu chuyện cũ, câu chuyện đã xảy ra.

Còn nếu như sự việc xảy ra khi Luật mới đã được áp dụng thì dự án kia phải thoả thuận với 20 hộ dân này. Thì khi đó theo quy định của Luật trên tinh thần phải đạt được sự đồng thuận chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì được. Nhưng nếu dự án muốn phát triển ra thì phải đạt được sự đồng thuận với 20 hộ này, với tỷ lệ 80% chẳng hạn thì tương đương với 16 hộ ủng hộ mới tiếp tục triển khai.

Phương Việt: Cũng trong bài báo kia, theo GS: “Vấn đề còn lại là khi đã thỏa thuận được 70% thì phần thiểu số còn lại xử lý bằng tòa án hay bằng cơ chế Nhà nước thu hồi đất? Ban soạn thảo luật chủ trương sử dụng tòa án, nhưng theo tôi ở Việt Nam sử dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất sẽ tiết kiệm hơn và hiệu quả hơn.”
Như thế có nghĩa là, kiểu gì những hộ còn lại cũng phải lên đường, để đất lại cho một doanh nghiệp tư nhân vào làm du lịch kiếm lời?
Xin GS chỉ giúp, đâu là cái lý trong chuyện này. Vì sao Nhà nước phải nhúng tay vào trong một việc đúng ra là để người dân (gồm nhà đầu tư và người có đất) tự thỏa thuận với nhau? Và nếu luật đã quy định đa số thắng thiểu số thì ra tòa còn cãi được gì, thưa giáo sư?
Về phần tôi, tôi thấy, một nguy cơ lớn sẽ hình thành nếu Luật Đất đai mới đi theo hướng giáo sư nói. Vì như thế, không ai có thể an cư được, khu đất nào cũng có thể một ngày kia bị một người có tiền dùng tiền “thu phục” được trên 70 phần trăm cư dân, đẩy 30 phần trăm còn lại vào một cảnh dời đổi không mong muốn. Và khi đã sang mảnh đất thứ hai rồi, lấy gì để đảm bảo là một ngày kia lại không xuất hiện thêm một tay nhà giàu, dùng tiền “thu phục” được tiếp 70% cư dân để làm một dự án của ông ta?
Xin giáo sư trả lời giúp câu này.
An cư là một điểm quan trọng nhất để làm ăn, để xã hội bình ổn từ “đơn vị gốc” là gia đình. Sống trong phập phồng sẽ khiến người dân có cảm giác tạm bợ, đến nhà cũng không dám làm đẹp, vườn cũng không dám trồng cổ thụ, vì ai biết được ngày nào 70 phần trăm hàng xóm mình sẽ chống lại mình, và đất sẽ mất dù đó chỉ là một dự án kinh tế nhỏ lẻ, của tư nhân?
GS. Đặng Hùng Võ: Không phải là như vậy. Vấn đề là đại đa số người dân đã đồng thuận rồi thì thiểu số phải theo. Bởi vì có những người dân đòi hỏi giá nhà đất gấp 3 lần thị trường thì liệu có hợp lý không? Vậy nên chúng ta mới cần lấy cơ chế đồng thuận cộng đồng.
Nếu có một ông cứ đòi gấp 10 lần thị trường thì làm thế nào? Còn nếu muốn Nhà nước không thực hiện thu hồi đất thì cơ chế đồng thuận phải có sức sống. Nhưng cơ chế đồng thuận mà ai đòi thế nào cũng được thì làm sao mà được, đất nước làm sao mà phát triển được.
Đây không phải là sự hy sinh mà là quyền lợi thoả đáng, nhưng thoả đáng phải trên nguyên tắc cộng đồng thấy như thế là thoả đáng, chứ không phải bây giờ có một ông đòi giá đất cao gấp mấy chục lần thì làm sao được?
Với trường hợp người dân không đòi tiền bồi thường mà chỉ muốn giữ đất để sinh sống như vậy cũng là không được. Vì khi quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt thì không thể có chuyện đấy. Chúng ta phải tôn trọng quy hoạch sử dụng đất chứ không phải thích làm gì thì làm.
Duyên Duyên (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.