21/02/2011 7:53 AM
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN). Theo đó, việc thực hiện dự án có nhiều sai phạm dẫn đến nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại của người dân trong thời gian dài. Điều chỉnh tuyến không theo quy hoạch




Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi-Vành đai ngoài đến nay vẫn chưa bàn giao đủ mặt bằng cho nhà đầu tư

Dự án TSN-BL-VĐN đi qua địa bàn 4 quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với tổng chiều dài 13,6km, tổng mức đầu tư trên 485 nghìn tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao) do Công ty Kỹ thuật và Xây dựng GS Engineering & Construction (GS E&C) của Hàn Quốc thực hiện.

Một trong những vấn đề bức xúc mà người dân trong vùng dự án đi qua khiếu nại trong thời gian dài đó là việc UBND TP.HCM tự ý điều chỉnh hướng tuyến đường so với quy hoạch năm 1997 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Theo quy hoạch, tuyến đường TSN-BL-VĐN bắt đầu từ nút giao thông Trường Sơn (sân bay TSN) qua ngã năm Nguyễn Thái Sơn, cầu Bình Lợi và kết thúc tại ngã tư Linh Xuân, chiều rộng toàn tuyến là 60m.

Đến năm 2005, UBND TP có quyết định điều chỉnh quy hoạch phương án tuyến đường. Theo đó, đoạn nối từ sân bay TSN ra ngã năm Nguyễn Thái Sơn bao gồm 2 nhánh riêng rẽ, mỗi nhánh rộng 20m, có hướng tuyến chủ yếu đi theo hai đường Hồng Hà và Bạch Đằng hiện hữu.

Tuy nhiên, khi ra quyết định điều chỉnh phương án tuyến đường, UBND TP không xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, không lấy ý kiến thỏa thuận của các bộ, ngành liên quan, không tổ chức lấy ý kiến của các hộ dân trong vùng quy hoạch. Đến 2 năm sau, (tức là năm 2007) trước tình hình khiếu nại ngày càng tăng của các hộ dân, UBND TP mới có văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. UBND TP cũng không có phương án tính toán cụ thể về hiệu quả KT-XH của việc điều chỉnh quy hoạch từ đường rộng 60m thành 2 nhánh (mỗi nhánh rộng 20m).

Thanh tra Chính phủ khẳng định các báo cáo giải trình của UBND TP mang nặng tính chủ quan, không có cơ sở khoa học để cho rằng phương án tuyến điều chỉnh có lợi hơn phương án đã được Thủ tướng phê duyệt. Điều này thể hiện sự nôn nóng, thiếu thận trọng của UBND TP. “Việc điều chỉnh phương án tuyến đường TSN-BL-VĐN có nhiều sai phạm là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện của công dân và trách nhiệm thuộc UBND TP”, kết luận của TTCP nêu rõ.

Mập mờ ấn định giá đất

Để thực hiện dự án đường TSN-BL-VĐN, UBND TP.HCM đã ký kết hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) giao cho Công ty GS E&C đầu tư và hoàn vốn bằng việc thuê 5 khu đất có giá trị tương đương để đầu tư xây dựng khu dân cư, thương mại và dịch vụ.

Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng không rõ ràng, thời gian định giá các khu đất sớm hơn so với thời điểm có quyết định cho thuê đất khiến đã làm lợi cho nhà đầu tư và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu đất trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10) được TP.HCM định giá 37 triệu USD. Mặc dù đến năm 2008 UBND TP mới có quyết định cho GS E&C thuê, nhưng việc định giá khu đất đã được tiến hành từ năm 2005.

Nếu căn cứ vào bảng giá đất hàng năm, thì từ năm 2005 đến 2008, giá đất đường Lý Thường Kiệt tăng 30%. Khi GS E&C tiến hành lập DA tổ hợp cao ốc trên đường Lý Thường Kiệt thì tiền sử dụng đất đã lên đến 51,6 triệu USD, cao hơn số tiền mà TP.HCM định giá hơn 14,8 triệu USD.

Đối với khu đất gần 92 ha ở phường Long Bình (Q.9), UBND TP cũng định giá là 78,5 triệu USD, thấp hơn 29,5 triệu USD so với đề xuất của Sở Tài chính. Với 2 khu đất tại phường Thảo Điền (Q.2), mặc dù đến năm 2008 UBND TP mới có quyết định cho GS E&C thuê, nhưng lại chấp thuận cho nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất theo giá của năm 2006.

Với khu đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), UBND TP tự ý định giá đất là 100 triệu USD, song thực tế đến nay TP vẫn chưa có quyết định cho thuê đất nên không thể xác định giá trị mà GS E&C phải nộp cho khu đất này là bao nhiêu. Từ những dẫn chứng trên, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc UBND TP xác định giá trị đất không đúng thời điểm cho GS thuê đất là trái đề xuất của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - Môi trường và không đúng với chính kiến nghị của UBND TP với Thủ tướng Chính phủ, đã làm lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 44,3 triệu USD.

“Những việc làm trên là không minh bạch, gây sự hoài nghi trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện, bức xúc hiện nay. Trách nhiệm thuộc UBND TP.HCM”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Cafeland.vn - Theo Giao Thông Vận Tải
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án