CafeLand - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa công bố Báo cáo tình hình KT-XH năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 trong đó có nội dung liên quan đến những vấn đề về hạ tầng, quy hoạch đô thị.

Thiếu đồng bộ

Báo cáo của Bộ KHĐT cho biết, tính đến tháng 8-2018, toàn quốc có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017). Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,8%.

Trong 5 năm gần đây, hạ tầng đô thị Việt Nam đã được quan tâm đầu tư, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là các vành đai, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM được chú trọng đầu tư. Một số dự án đã và đang được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh,...

Hạ tầng đô thị Việt Nam ngày càng được quan tâm trong 5 năm trở lại đây.

Cùng với đó, các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị (dự án phát triển tăng trưởng xanh, dự án phát triển đô thị loại vừa, dự án đô thị động lực), hạ tầng kỹ thuật đang tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Bộ KHĐT cho rằng, nhìn chung hệ thống hạ tầng đô thị Việt Nam vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung. Tình trạng ngập úng vẫn còn, đặc biệt tại các đô thị lớn. Hệ thống đường sắt đô thị được tập trung đầu tư, nhưng tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch. Chưa dành tỷ lệ vốn thích đáng cho công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng đô thị.

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cùng với tác động của biến đổi khí hậu tạo ra thách thức về quy hoạch để đảm bảo đáp ứng cơ sở hạ tầng cho mở rộng đô thị.

Còn nhiều yếu kém

Theo báo cáo của Bộ KHĐT, trong giai đoạn 2016 – 2020, một số công trình, dự án giao thông quan trọng đã được đưa vào sư dụng, trong đó có dự án quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (hoàn thành việc nâng cấp cải tạo vào năm 2015), các dự án đường cao tốc hướng tâm như Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP. HCM - Long Thành - Giầu Dây, TP. HCM - Trung Lương (hoàn thành vào năm 2014-2015)… Điều này đã có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, ngay cả đợt cao điểm.

Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn cũng được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020 như đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Trung Lương - Mỹ Thuận, Hòa Lạc - Hòa Bình, Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, cảng Lạch Huyện…

Các dự án hạ tầng đưa vào hoạt động chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đường bộ, chưa đảm bảo cân bằng giao thông.

Tuy nhiên, hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa có đường sắt tốc độ cao; hệ thống cảng biển chưa khai thác hết công suất thiết kế; một số cảng hàng không đã xảy ra quá tải, chất lượng phục vụ giảm sút.

Báo cáo của Bộ KHĐT cũng chỉ ra, trong giai đoạn 2016 - 2020, do khó khăn trong cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển nói chung và đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải nói riêng, các dự án, công trình giao thông khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước rất hạn chế so với nhu cầu (gần như không triển khai các dự án mới).

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng cao yêu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, các công trình dự án đưa vào hoạt động chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đường bộ, chưa đảm bảo cân bằng trong các lĩnh vực giao thông.

Đáng chú ý, nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Các hình thức huy động vốn khác bị hạn chế do ảnh hưởng bởi quy mô nợ công.

Các chính sách về phí sử dụng dịch vụ hạ tầng đổi mới còn chậm, chưa có cơ chế bảo lãnh một số rủi ro (rủi ro doanh thu, rủi ro tỷ giá...) theo thông lệ quốc tế nên chưa thu hút được các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư theo hình thức PPP.

Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2018, do những bất cập trong chính sách đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua khiến các nhà đầu tư e dè ở một số dự án giao thông BOT. Nhiều tháng qua, không có dự án giao thông BOT nào khởi công.

  • Hạ tầng kỹ thuật nội đô: Quá tải vì nhà cao tầng

    Hạ tầng kỹ thuật nội đô: Quá tải vì nhà cao tầng

    Đây là một vấn đề được đề cập tại hội thảo quốc tế “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các TP lớn ở Việt Nam”, do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 05/6.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.