07/06/2018 10:06 PM
Đây là một vấn đề được đề cập tại hội thảo quốc tế “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các TP lớn ở Việt Nam”, do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 05/6.

Quá tải

Theo các chuyên gia, việc các tòa nhà cao tầng hiện diện trong lòng đô thị Việt Nam như hiện nay là một sự tất yếu của quá trình đô thị hóa và phát triển hội nhập với toàn cầu. Các dự án nhà cao tầng đã đóng góp vào việc làm thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị, tạo nên sắc thái mới của sự phát triển.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định: Phát triển các công trình cao tầng, nhất là các công trình cao tầng đa năng có thể làm giảm sự dịch chuyển và khoảng cách giữa các khu vực chức năng trong đô thị; làm giảm thiểu sử dụng đất đai, đồng thời tăng giá trị sử dụng đất đai. Đây là một trong những chỉ tiêu của đô thị phát triển bền vững. Kinh nghiệm quốc tế còn cho thấy việc phát triển các công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị…

Song trên thực tế, tại Việt Nam, thời gian qua các dự án nhà cao tầng thường được tập trung phát triển tại các khu vực đô thị hiện hữu vì đây là khu vực có giá trị kinh doanh cao và khá thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Không phủ nhận việc xây dựng xen cấy các dự án nhà cao tầng tại khu vực này mang lại những kết quả bước đầu như nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị đầu tư, bổ sung quỹ nhà ở, văn phòng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ…, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo động lực phát triển khu vực lân cận. Tuy nhiên, theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), việc xây dựng nhiều nhà cao tầng trong nội đô cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập, không lường trước được. Đó là đô thị thiếu đồng bộ về cảnh quan kiến trúc. Cấu trúc đô thị trung tâm và quy hoạch đô thị bị phá vỡ. Hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là giao thông bị quá tải.

Ông Tiến phân tích: Hạ tầng kỹ thuật trong các khu vực nội đô cơ bản ổn định, chỉ đáp ứng vừa đủ cho quy mô đô thị hiện hữu, khả năng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật rất hạn chế. Việc xây dựng nhà cao tầng xen cấy vào khu vực nội đô, trên cơ sở hạ tầng hiện hữu, với mật độ cao, diện tích sàn tăng lên, số người tập trung lớn… sẽ trở thành một gánh nặng thật sự, gây nên sự quá tải đến hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, tại các khu vực cao tầng nội đô, nhu cầu đi lại gia tăng, phương tiện giao thông, nhất là phương tiện giao thông cá nhân tăng theo, trong khi đó khu vực này lại thiếu bãi đỗ xe, thiếu sự kết nối với mạng lưới đường khu vực xung quanh, với giao thông công cộng, khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng.

Hệ thống cung cấp nước sạch do được xây dựng lâu đời, nay không đủ năng lực cấp nước cho nhà cao tầng, dẫn đến tình trạng tại nhiều khu vực nước sạch không được cung cấp đủ về lượng, về áp lực, chất lượng nước không bảo đảm.

Tương tự, hệ thống thoát nước do kết nối mạng lưới giữa khu đô thị mới và khu đô thị cũ không đồng bộ, hoạt động kém hiệu quả, rất dễ gây úng cục bộ. Lượng rác thải gia tăng, trong khi lại khó xác định vị trí tập kết rác..., khiến cho việc thu gom, vận chuyển rác nhiều khó khăn, gây nguy cơ mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường.

Hơn nữa, các khu vực nhà cao tầng còn có nguy cơ mất an toàn trong phòng cháy và làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí. Bởi các tòa nhà cao tầng là nơi tiêu thụ năng lượng khổng lồ. Chúng tham gia vào việc phát thải khí CO2 ra môi trường và gia tăng hiện tượng đảo nhiệt đô thị, làm bề mặt trái đất nóng lên…

Dừng lại việc xây nhà cao tầng không đúng quy hoạch

Thống nhất quan điểm nhà cao tầng là một thành phần không thể thiếu được trong các TP hiện đại. Vì vậy, tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm cải thiện sự tác động “không lường trước” như đề cập ở trên của các dự án nhà cao tầng đến hạ tầng kỹ thuật đô thị.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng việc phát triển nhà cao tầng trong khu vực đô thị hiện hữu phải được thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch, và thiết kế đô thị được duyệt. Về nguyên tắc, quy hoạch xây dựng đã phải đồng bộ, trong đó có đầy đủ các quy định về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao công trình. Mặt khác, quy hoạch cũng phải xác định các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, việc kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh, bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu như giao thông, cấp và thoát nước… “Việc cấp phép không đúng quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch cục bộ chạy theo dự án không đúng đều phải bị nghiêm cấm” - ông Tiến thẳng thắn.

Cũng theo ông Tiến, trong trường hợp quy hoạch hoặc thiết kế đô thị chưa được lập hoặc chưa được phê duyệt, thì khi xem xét phê duyệt dự án nhà cao tầng cần phải trả lời các câu hỏi: Xây dựng nhà cao tầng ảnh hưởng như thế nào tới kiến trúc cảnh quan, bảo tồn của khu vực, khu vực xung quanh và toàn TP? Xây dựng nhà cao tầng ảnh hưởng hoặc tăng sức ép lên kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu vực như thế nào? Nếu không trả lời được thì cần phải xem xét sự tồn tại của dự án.

Cũng đề cao giải pháp quy hoạch, GS.TS Nguyễn Tố Lăng - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng cơ cấu nhà cao tầng phải phù hợp với cơ cấu quy hoạch chung của từng khu vực đô thị, của toàn TP. Cần lựa chọn những khu vực thích hợp trong TP cho việc xây dựng tập trung cao tầng và phải coi khu vực có nhà cao tầng làm điểm nhấn cho không gian đô thị. Không xây dựng cao tầng tràn lan.

GS.TS Nguyễn Tố Lăng cũng cho rằng công tác lập quy hoạch cần đề ra được các mục tiêu cơ bản nhằm tổ chức không gian chặt chẽ. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cần được quan tâm, tránh tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề cập đến một số giải pháp khác. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, bên cạnh việc việc quản lý phát triển các dự án nhà cao tầng tuân thủ quy hoạch được duyệt, chính quyền đô thị cũng phải tiến hành đồng bộ việc cải tạo đô thị, tùy theo từng ô phố, tuyến phố. Song song với việc xây dựng các công trình nhà cao tầng, việc đầu tư xây dựng và cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật phải được đặc biệt quan tâm.

Ông Tiến đặc biệt nhấn mạnh việc sớm thể chế hóa, ban hành các văn bản hướng dẫn việc đánh giá tác động chịu tải của nhà cao tầng tại các khu vực đô thị cũ, đô thị cải tạo, xen cấy… lên hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông. Hiện nay, Việt Nam chưa có các quy định cụ thể về vấn đề này nên cũng chưa có chế tài xử lý.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng cho rằng cần phải có chính sách bắt buộc chủ đầu tư muốn xây dựng cao tầng phải cam kết cải tạo hạ tầng giao thông TP. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng đất đối với các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, nhất là nhà ở cao tầng. Ưu tiên các công trình lợi ích công cộng như cây xanh, bãi đỗ xe, công viên, khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong xây dựng, quản lý xây dựng, phát triển đô thị, nâng cao đời sống của người dân đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Hòa Bình (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.