Theo Báo cáo thuyết minh tóm tắt Đồ án do đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - VIUP) trình bày, KKT mở Chu Lai được thành lập năm 2003 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là KKT ven biển đầu tiên của Việt Nam được áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, có môi trường đầu tư thuận lợi cho mọi tổ chức kinh doanh trong nước, quốc tế.
KKT mở Chu Lai có điều kiện giao thông rất thuận tiện, đa dạng gồm đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, có tổng diện tích tự nhiên 27.040ha, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và sông Bàn Thạch, phía Nam giáp huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), phía Bắc giáp đường nối QL 1A với đường ven biển 129.
Theo Đồ án, KKT mở Chu Lai được điều chỉnh với tính chất là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, là một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; là khu vực phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không, các loại hình công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao, trung tâm du lịch dịch vụ gắn với khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà.
Đất xây dựng công nghiệp được điều chỉnh từ 3.000 ha năm 2020 thành 5.000 đến năm 2035, quỹ đất xây dựng các khu chức năng đô thị, du lịch dịch vụ đến năm 2035 khoảng 7.000 ha, tăng 345ha năm 2020.
Về phát triển không gian KKT, Đồ án đưa ra các định hướng gồm: Phát triển không gian các khu công nghiệp; phát triển cảng biển, sân bay Chu Lai, các khu dịch vụ hỗ trợ và khu phi thuế quan; phát triển du lịch - không gian xanh; phát triển đô thị và các khu dân cư hiện có; phát triển không gian nông nghiệp.
-
Quảng Nam: Hơn 5.000ha quy hoạch cảng biển Chu Lai
CafeLand - Dự kiến diện tích nghiên cứu lập quy hoạch cảng biển Chu Lai khoảng 5.186ha, thuộc các xã Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải của huyện Núi Thành.