Nhiều lãnh đạo của huyện miền núi A Lưới đã “hô biến” đất rừng thành đất thổ cư và xây dựng trang trại, khu du lịch không phép.

Những ngày cuối tháng 9/2016, PV VTC News nhận được nguồn tin từ quần chúng nhân dân liên quan đến việc nhiều lãnh đạo cấp cao của huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) ngang nhiên lấy đất rừng để phát triển những trang trại không phép với quy mô “khủng”.

Giấc mộng phát triển du lịch của ông chủ tịch huyện

Ven theo đường mòn Hồ Chí Minh, cách trung tâm thị trấn A Lưới khoảng 20km chúng tôi đến làng Hương Phú (xã Hương Phong, huyện A Lưới). Tại đây, chúng tôi nhận thấy một khu trang trại “khủng” đang được xây dựng trong một thung lũng và được bao bọc xung quanh bởi hệ thống rừng trồng và rừng tái sinh.

Được biết, khu đất nằm trên địa phận thôn Hương Phú (xã Hương Phong) mà ông Hùng mua lại là đất trồng rừng, tuy nhiên, hiện tại ông Hùng đang biến đất trồng rừng thành nơi xây dựng trang trại với quy mô "khủng" cùng nhiều công trình không phép.

Theo ghi nhận, tại khu trang trại này có nhiều công trình đã và đang được xây dựng với quy mô lớn. Trong đó bao gồm một tòa nhà sàn khang trang cùng một số căn chòi nhỏ và một số công trình như: nhà bát giác, hệ thống đường vào, cổng… đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện.

Xung quanh là hệ thống rừng trồng, trang trại nuôi lợn, gà và hồ nuôi cá. Khu trang trại nằm tách biệt với khu dân cư và được xác định ranh giới bằng hệ thống rào thép gai.

Theo dân bản địa thì khu trang trại kể trên là của ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới. Được biết, khu đất kể trên ông Hùng mua từ một vị cán bộ nguyên là Trưởng Công an xã Hương Phong với giá trên 120 triệu đồng và có diện tích khoảng 3,2 hecta.

Trả lời PV VTC News, ông Mai Văn Linh – Chủ tịch UBND xã Hương Phong thông tin, khu đất mà ông Hùng đang xây dựng trang trại trước đây là đất được cấp để sử dụng với mục đích làm rừng trồng. Tuy nhiên, sau khi được chuyển nhượng không rõ đã được chuyển đổi mục đích sử dụng hay chưa.

Khi chúng tôi muốn được tiếp cận hồ sơ của khu đất này thì ông Linh nói do cán bộ địa chính nắm. Bày tỏ muốn gặp cán bộ địa chính thì ông Linh bảo cán bộ này đang đi công tác. Chúng tôi cũng đã liên hệ qua điện thoại với cán bộ địa chính xã Hương Phong (số điện thoại do ông Linh cung cấp) nhưng người này không nghe máy.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới thừa nhận trang trại kể trên là của ông. Theo ông Hùng, việc ông xây dựng trang trại này với mục đích phát triển mô hình kinh tế để bà con nhân dân học tập, làm theo.

Ông Hùng cũng xác nhận, khu đất ông mua trước đây được cấp sổ đỏ là đất trồng rừng sản xuất. Sau này, ông đã chuyển đổi 200m2 từ đất trồng rừng sản xuất sang đất thổ cư để xây dựng nhà sàn.

Ông Hùng cũng chia sẻ, tương lai trên khu đất này ông sẽ phát triển du lịch kiểu homestay (nghỉ tại nhà dân) với hy vọng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch thú vị, tạo cú hích cho du lịch huyện nhà.

“Anh em cán bộ huyện đa phần là đội ngũ trẻ nên huyện cũng tạo điều kiện một phần để phát triển kinh tế trang trại chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản, xâm lấn rừng, làm chuyện gì xấu. Quan điểm của huyện là lãnh đạo làm những mô hình phát triển kinh tế để dân làm theo”, chủ tịch UBND huyện A Lưới nói.

Theo tìm hiểu của PV VTC News, ngoài số diện tích 200m2 mà theo ông Hùng là đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư thì số diện tích còn lại vẫn là đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, nhiều diện tích trong số này đang được ông Hùng sử dụng để làm hồ nuôi cá, xây dựng một số công trình kiên cố và làm trang trại.

Theo quy định của Luật đất đai 2013, "đất trồng rừng sản xuất nếu muốn sử dụng sang mục đích khác như xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm... thì phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất".

Ông Hùng cũng thừa nhận những thiếu sót trong quá trình xây dựng trang trại và ước mơ phát triển thành dịch vụ du lịch homestay. "Có thể trong quá trình làm tôi có những cái nóng vội, đây cũng là bài học kinh nghiệp cho tôi", ông Hùng nói.

Phó trưởng công an huyện cũng làm du lịch

Cách khu trang trại của ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới không xa là khu khu du lịch của một vị hiện đang là Phó trưởng công an huyện A Lưới.

Để vào khu du lịch không phép này, chúng tôi chạy theo một con đường quốc phòng được xây dựng bằng bê tông dẫn vào khu rừng S8, cách đường mòn Hồ Chí Minh chừng 2km.

Vào đến nơi, đập vào mắt chúng tôi là tấm biển chỉ vào khu du lịch suối Cân Te. Trong suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, đây có thể là một khu đã được nhà nước quy hoạch để phát triển du lịch.

Thế nhưng khi hỏi một người dân bản địa thì chúng tôi mới té ngửa, khu du lịch này là của ông Nguyễn Nam Sinh (Phó trưởng công an huyện A Lưới). Người dân vẫn quen miệng gọi là "trại ông Sinh".

Được xã Hương Phong giao đất rừng để quản lý và bảo vệ nhưng ông Sinh đã "hô biến" một phần đất rừng, suối và đất trống D2 thành nơi kinh doanh du lịch không phép.

Theo quan sát của chúng tôi, khu du lịch kể trên rộng chừng 3 – 4 hecta nằm sát rừng tái sinh S8 thuộc Tiểu khu 316. Nơi đây không còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ nữa mà đã được bàn tay con người và các phương tiện máy móc đào bới, nhào nặn.

Nhiều cây rừng tự nhiên lâu năm đã bị đốn hạ để phục vụ cho việc xây dựng một số công trình trong khu du lịch. Sức hút của khu du lịch này chính là con suối Cân Te mát lành và thơ mộng. Được biết, con suối này là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hương Phong.

Cạnh con suối, hàng chục chòi, lán được mọc lên để phục vụ du lịch… cùng với đó tờ rơi quy định các mức giá cả cho các dịch vụ du lịch được niêm yết khắp nơi: Ngồi nhà sàn 300 nghìn đồng, sạp lớn 100 nghìn đồng, sạp nhỏ 50 nghìn đồng; đậu xe ôtô 10 – 15 nghìn đồng, xe máy 5 nghìn đồng; câu cá thư giãn 10 nghìn đồng/giờ...

Trong khu vực có nhiều cây lâu năm, chủ nhân của khu du lịch kể trên cho đào một con mương bao quanh một khu đất và đặt tên là “đảo khỉ”. Thời điểm chúng tôi tiếp cận khu du lịch thì tại “đảo khỉ” vẫn còn 4 con khỉ đang được nuôi nhốt trong lồng.

Liên quan đến nguồn gốc đất của khu du lịch kể trên, đại diện lãnh đạo UBND xã Hương Phong thông tin, đây là khu đất nằm trong khu vực đất rừng tái sinh và đất trống D2 (có một số cây sống lâu năm nằm rải rác và cần được bảo vệ - PV) và được giao cho các hộ gia đình quản lý và bảo vệ từ nhiều năm nay.

Lãnh đạo xã Hương Phong cũng xác nhận, việc lấy đất rừng được giao quản lý để biến thành khu du lịch chưa hề được cấp phép. Ngày 22/1/2015 UBND xã Hương Phong cũng đã lập biên bản về việc xây dựng công trình nhà ở trái phép trên khu đất thuộc khu du lịch suối Cân Te.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Nguyễn Nam Sinh - Phó trưởng công an huyện A Lưới xác nhận khu du lịch kể trên là do ông đầu tư xây dựng.

Ông Sinh cũng thừa nhận: "Khai thác du lịch như vậy là chưa đúng khi chưa có quyết định thực hiện dự án. Nhưng khách quan mà nói thì việc đầu tư rất nhỏ lẻ, chỉ một số hạng mục cải tạo từ tự nhiên, ít tác động đến môi trường thiên nhiên.

Hơn nữa mục đích của anh em không phải kinh doanh mà nhằm để quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn. Trước đây khu vực này bị thả nổi thì tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, động vật rừng diễn ra nhức nhối. Từ khi anh em được giao bảo vệ thì tình trạng này hầu như không còn”.

Nguyễn Vương (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.