Đường lớn đã mở
Khu vực Tây Bắc TP.HCM với các quận huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn… có quá nhiều tiềm năng và lợi thế lớn. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia, các nhà hoạch định khi nói đến khu vực này. Dù không nằm trong hướng trọng điểm phát triển của thành phố nhưng vùng đất này vẫn có sức bật rất tốt nhờ ưu điểm hạ tầng tốt, gần trung tâm, thuận lợi cho cảng biển… nên thu hút được nhà đầu tư và nhiều cư dân đến sinh sống. Sự phát triển của khu Tây Bắc đang kéo các vùng đất khác của Long An phát triển theo, với sự hình thành của các khu công nghiệp, khu dân cư… Tuy nhiên, sự đi lên này chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu dựa vào nội lực.
Hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh đang kéo vùng Tây Bắc gần hơn với trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. ảnh: K.G
Tại trung tâm thành phố, áp lực dân số đang ngày càng đè nặng lên hạ tầng và dân sinh. Đặc biệt, tình trạng kẹt xe và ngập nước đang đặt ra những thách thức lớn. Ngoài việc cải thiện hạ tầng trung tâm, phát triển đô thị vệ tinh cũng là chìa khóa để giải tỏa sức ép. Dự tính, đến năm 2025, TP.HCM sẽ có khoảng 10 triệu dân và sẽ là một siêu đô thị năng động tầm cỡ thế giới. Việc phát triển không gian đô thị có tính đến sự kết nối với các đô thị lân cận, sự phát triển của vùng… sẽ làm diện mạo đô thị thành phố thay đổi nhiều theo hướng ngày càng hiện đại.
Khu Tây Bắc với độ cao nền đất lớn và quỹ đất sạch lớn là một hướng phát triển tất yếu. Đô thị vệ tinh phía Tây Bắc cũng là một trong những định hướng phát triển của TP.HCM trong tương lai. Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc phát triển đô thị tại đây vẫn chưa được như mong đợi do hạn chế về kết nối hạ tầng.“Lỗ hổng” hạ tầng đã được chính quyền thành phố cập nhật trong thời gian qua. Như hướng phát triển Bắc, Tây Bắc gắn với các huyện Củ Chi, Hóc Môn, dọc Quốc lộ 22 – trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia.
Trong số các công trình giao thông trọng điểm trong năm 2016, danh mục các dự án kết nối với khu Tây Bắc chiếm số lượng vượt trội. Có thể kể đến như dự án đường nối Đại lộ Võ Văn Kiệt với Cao tốc TP.HCM-Trung Lương hơn 1.500 tỷ đồng, dự án cầu đường Bình Tiên hơn 2.600 tỷ đồng, tuyến nối An Lạc-Long An hơn 1.900 tỷ đồng… Đặc biệt, tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đã được quy hoạch, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực Tây Bắc với trung tâm thành phố. Không chỉ kết nối, tuyến metro còn mang hơi thở đô thị hiện đại vươn đến khu vực này, kích thích hạ tầng xã hội phát triển.
Đi tới tương lai
“Khi giao thông huyết mạch từ trung tâm đến khu vực Tây Bắc được kết nối thông thoáng, hạ tầng xã hội sẽ phát triển theo. Sự cộng hưởng này sẽ đánh thức tiềm năng lớn của khu vực này”- Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị nói. Theo ông, khu vực Tây Bắc TP.HCM chỉ có bất lợi duy nhất là khoảng cách khá xa và hạ tầng giao thông chưa tốt. Điểm yếu này đang được cải thiện bằng những quy hoạch, các dự án hạ tầng dày đặc.
So với những khu vực khác, khu Tây Bắc có nền đất cao, ít ngập. Đặc biệt là chưa có việc ồ ạt phát triển các dự án manh mún nên quỹ đất khu vực này rất lớn và rẻ, phù hợp với những quy hoạch dài hơi, tầm vóc hơn. Theo ông Sơn, vấn đề cốt yếu của khu Tây Bắc hiện tại là thiếu các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, dân lại có thu nhập thấp hơn các khu vực khác. Để phát triển, cần lập những khu hạ tầng kỹ thuật xã hội tốt để thu hút lao động tri thức, đặc biệt là những người trẻ. “Với điều kiện vốn có, Tây Bắc hoàn toàn có thể phát triển theo mô hình đô thị xanh, hình thành những công viên lớn điều hòa không khí cho khu vực và cả thành phố”- ông Sơn nói.
“Thật ra, quy hoạch phát triển khu vực Tây Bắc đã có chủ trương từ sau ngày giải phóng thành phố rồi. Tuy nhiên, hiện trạng nói chung của thành phố là phát triển theo “vết dầu loang” nên phát sinh nhiều quy hoạch tự phát và dự án đổ xô theo khu vực”- Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông và đô thị phân tích. Đơn cử như các khu vực tiệm cận trung tâm nóng với các dự án bất động sản. Khu Nam thì bao quanh Phú Mỹ Hưng, phía Đông nhờ “lực đẩy” của các dự án Cao tốc Long Thành-Dầu Giây và Thủ Thiêm…
Nếu xét trên khía cạnh đó, khu vực Tây Bắc hoàn toàn có khả năng trở thành đô thị vệ tinh đúng nghĩa- vì đây là khu vực khá biệt lập, không chịu ảnh hưởng của hiện tượng “vết dầu loang”. “Cái thiếu của khu vực này là một quy hoạch tổng thể có sức nặng, có chiến lược để tránh manh mún. Nhà nước nên giữ vai trò điều tiết chung và làm quyết liệt, học hỏi những mô hình lớn trên thế giới. Có như vậy, khu vực này mới phát triển xứng tầm và bền vững”- ông Sanh khẳng định.
Theo ông Sanh, kinh nghiệm các nước cho thấy đô thị vệ tinh không nhất thiết phải gắn liền với trung tâm, thậm chí có nơi còn cách nhau một cánh rừng. Vấn đề của đô thị vệ tinh không chỉ là một vài khu công nghiệp thu hút lao động. Với khu vực Tây Bắc, hoàn toàn có thể hình thành đô thị với 3 triệu dân. Chỉ cần cải thiện hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, khu vực này sẽ hút dân số đổ về, đặc biệt là dân số trẻ. Nếu quy hoạch tốt, trong vòng 5 năm hoàn toàn có thể lấp đầy dân cư.
Cũng như nhiều chuyên gia, Tiến sĩ Phạm Sanh nhận định, để khu vực cất cánh, còn cần rất nhiều dự án hạ tầng khác, ví dụ như đường vành đai, đường sắt đấu nối với trung tâm. Với sự đổ bộ của hàng loạt dự án hạ tầng, khu Tây Bắc TP.HCM đang được gỡ nút thắt để chắp cánh bay cao trong tương lai gần.
Kinh nghiệm các nước cho thấy đô thị vệ tinh không nhất thiết phải gắn liền với trung tâm. Vấn đề của đô thị vệ tinh không chỉ là một vài khu công nghiệp thu hút lao động. Với khu vực Tây Bắc, hoàn toàn có thể hình thành đô thị với 3 triệu dân. Chỉ cần cải thiện hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, khu vực này sẽ hút dân số đổ về, đặc biệt là dân số trẻ - theo Tiến sĩ Phạm Sanh. |
-
Khởi công đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa sẽ được khởi công vào sáng 26/12 tại Công viên Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình....
-
Phó thủ tướng: Nhiều đồ án quy hoạch phải làm đi làm lại, mất thời gian
Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 4/11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo bổ sung về thực trạng và những khó khăn khiến nhiều quy hoạch chậm được xây dựng, phê duyệt và triển khai.
-
Có tình trạng điều chỉnh quy hoạch do áp lực từ nhà đầu tư
Trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3/11, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ do mong muốn thu hút đầu tư hoặc do áp lực từ nhà đầu tư....