Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.
Quảng Ngãi xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển - đảo,…
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi phấn đấu duy trì là một tỉnh phát triển khá của cả nước, là địa phương phát triển xanh, bền vững và đa dạng; cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Tỉnh cũng phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, điểm đến du lịch nổi bật và là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên và khu vực duyên hải miền Trung;…
Quy hoạch định hướng phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo 06 vùng không gian kinh tế động lực với định hướng phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội theo đặc trưng cho từng vùng để đảm bảo sự phát triển cân bằng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Cụ thể, vùng kinh tế động lực Cụm đô thị và Trung tâm dịch vụ, bao gồm thành phố Quảng Ngãi và một phần các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Trong đó, thành phố Quảng Ngãi đóng vai trò thủ phủ của tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ đô thị, trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho toàn tỉnh.
Vùng động lực công nghiệp của tỉnh, bao gồm huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất) và một phần huyện Trà Bồng, huyện Sơn Tịnh.
Đây là khu vực trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các ngành công nghiệp lọc hoá dầu, luyện thép, chế tạo sau thép, năng lượng tái tạo, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến gỗ, các ngành công nghiệp hỗ trợ... và dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển gắn với cảng nước sâu Dung Quất, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển, giao thương hàng hóa quốc tế.
Vùng kinh tế sinh thái biển, bao gồm thị xã Đức Phổ và huyện Mộ Đức.
Quy hoạch định hướng phát triển khu vực này trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển Quảng Ngãi, với trung tâm là thị xã Đức Phổ, hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực, gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá, trung tâm đầu mối, giao thương thủy sản hình thành chuỗi giá trị ngành hàng,…
Vùng kinh tế rừng xanh, bao gồm các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ. Tại đây sẽ hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, vùng trồng dược liệu, trồng chè, trồng rừng cây gỗ lớn, phát triển rừng trồng sản xuất, cây lâm sản ngoài gỗ, các trung tâm chế biến lâm sản, phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch - văn hoá địa phương, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi.
Vùng kinh tế nông nghiệp, bao gồm các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi thuộc địa giới hành chính của các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, một phần huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ.
Tại khu vực này sẽ giảm thâm dụng tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành các hành lang kinh tế hỗn hợp - tuần hoàn, các vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các vùng chuyên canh sản xuất nông - lâm sản.
Vùng kinh tế biển đảo, bao gồm Đảo Lý Sơn “Ngọc lớn - Ngọc bé” của Biển Đông, với định hướng vai trò là tiền phương của ngành du lịch biển đảo.
Khu vực này sẽ phát triển trở thành một đô thị du lịch cao cấp gắn với các hoạt động tham quan nghỉ dưỡng biển, du lịch trải nghiệm các lễ hội truyền thống, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương (hành, tỏi...), bảo tồn và phát huy các làng chài.
Về quy hoạch hệ thống đô thị, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi phát triển 18 đô thị, bao gồm: 01 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại I là thành phố Quảng Ngãi; 02 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại III là thị xã Bình Sơn và thị xã Đức Phổ; 01 đô thị loại IV là huyện Lý Sơn; 14 đô thị loại V, trong đó, có 06 đô thị dự kiến đạt một số tiêu chí đô thị loại IV là: đô thị Di Lăng (mở rộng), Trà Xuân (mở rộng), Ba Tơ (mở rộng), La Hà - Sông Vệ (mở rộng), Chợ Chùa, Mộ Đức.
Trong đó, thành phố Quảng Ngãi là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - kinh tế, văn hoá - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Ngãi; là đô thị ven sông, hướng biển - một trong những đô thị có tiềm năng phát triển thuộc dải đô thị ven biển miền Trung Việt Nam.
Thị xã Bình Sơn là đô thị công nghiệp - thương mại dịch vụ - du lịch, đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại và đồng bộ.
Thị xã Đức Phổ là đô thị sinh thái, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng phía Nam tỉnh Quảng Ngãi; là đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh Tây Nguyên.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Quảng Ngãi có 414.501 ha đất nông nghiệp; 99.591 đất phi nông nghiệp; 1.433 ha đất chưa sử dụng.
Trong diện tích đất phi nông nghiệp nói trên, có 9.890 đất ở tại đô thị; 12.322 ha đất ở tại nông thôn; 7.856 ha đất thương mại, dịch vụ; 6.648 ha đất khu công nghiệp; 1.303 ha đất cụm công nghiệp;…
Quy hoạch định hướng 09 vùng huyện đảm bảo phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh. Trong đó, vùng huyện Sơn Tịnh là vùng phát triển công nghiệp của tỉnh; là vùng hậu cần cung cấp lương thực, nông sản cho khu vực công nghiệp hóa phía Đông Bắc của tỉnh.
Vùng huyện Tư Nghĩa là vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có sự liên kết chặt chẽ với thành phố Quảng Ngãi trong việc mở rộng và phát triển trong vai trò là vùng kinh tế động lực trung tâm của tỉnh.
Vùng huyện Nghĩa Hành là vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kết hợp phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, chất lượng. Vùng huyện Mộ Đức là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sạch, hữu cơ, có ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển hệ thống chức năng du lịch - dịch vụ - đô thị.
Vùng huyện Trà Bồng là vùng phát triển dịch vụ - du lịch gắn với cảnh quan đặc trưng, phát triển nông - lâm - thủy sản theo hướng công nghiệp hóa. Vùng huyện Sơn Hà là vùng phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, chất lượng, là vùng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía Tây của tỉnh, là cầu nối giữa khu vực ven biển và các huyện miền núi phía Tây.
Vùng huyện Minh Long là vùng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của khu vực. Vùng huyện Sơn Tây là vùng phát triển nông - lâm nghiệp, năng lượng; là cửa ngõ phía Tây của tỉnh. Vùng huyện Ba Tơ là vùng phát triển du lịch gắn với các yếu tố lịch sử, phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững.
Phương án phát triển mạng lưới giao thông bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng.
Về đường bộ, thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum khi được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia. Đồng thời trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương thực hiện dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Quảng Nam (CT22) trong kỳ Quy hoạch 2021 - 2030 khi tỉnh huy động đủ nguồn lực thực hiện.
Đối với các tuyến đường tỉnh: Phấn đấu cải tạo, đầu tư nâng cấp, mở rộng 12 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới một số tuyến đường tỉnh khác đạt tối thiểu cấp III đồng bằng, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt.
Về đường sắt, thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng mới tuyến đường sắt đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất nhằm định hướng kết nối với tỉnh Quảng Nam.
Về Cảng hàng không: Nghiên cứu phát triển cảng hàng không, sân bay tại vị trí có tiềm năng là huyện đảo Lý Sơn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Về cảng biển, cảng và đường thủy nội địa: Thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cấp, cải tạo, khai thác hiệu quả các hạ tầng hàng hải công cộng đã có; nghiên cứu đầu tư xây dựng các trạm quản lý luồng hàng hải tại các huyện Bình Sơn, Lý Sơn và các địa phương khác có tiềm năng;…
Quy hoạch cũng định hướng phát triển các công trình hạ tầng giao thông khác như, trung tâm logistics; bến xe; trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; trung tâm đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe.
Ngoài ra, quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng phương án phát triển năng lượng và mạng lưới cấp điện; phương án phát triển mạng lưới thông tin và truyền thông; phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước; phương án phát triển các khu xử lý chất thải; phương án quy hoạch hệ thống cảng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; phương án phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa - thể thao; phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo;…
-
Hé lộ doanh nghiệp thực hiện dự án khu đô thị gần 450 tỷ đồng tại Quảng Ngãi
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị phía Đông đường Nguyễn Tất Thành, thị xã Đức Phổ.
-
Quảng Ngãi họp bàn tháo gỡ vướng mắc cho các dự án giao thông quy mô lớn
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phát đi Thông báo số 563/TB-UBND truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại cuộc họp và nghe cho ý kiế...
-
Cam kết cung cấp 6 triệu tấn thép làm đường sắt cao tốc 350km/h, “vua thép” sẽ sản xuất tại Dung Quất 2 hay ở đâu?
Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định sẽ cam kết cung cấp 6 triệu tấn thép các loại chất lượng cao với mức giá cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu....