Sau khủng hoảng tài chính, nhiều công ty địa ốc hướng đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc bán căn hộ triệu USD cho khách Việt vẫn rất khó khăn vì giấy tờ, thủ tục phức tạp.
Mới đây, Savills Việt Nam chào bán 155 căn hộ cao cấp tại Anh cho khách hàng Việt Nam. Vào hồi tháng 8, Công ty cổ phần Liên Minh Nguyễn (NAC Real Estate) công bố trở thành đơn vị tiếp thị và phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam cho dự án khu căn hộ Saigon Villas ở Mỹ có giá 250.000 - 400.000 USD do tập đoàn Bridge Creek làm chủ đầu tư.

Savills và NAC Real Estate cùng nhắm vào ba đối tượng khách hàng Việt là cá nhân muốn mua nhà ở Anh, Mỹ để làm văn phòng giao dịch, du học sinh và các nhà đầu tư.

Ông Đặng Văn Quang, cựu Trưởng phòng Tư vấn chiến lược của Công ty John Lang LaSalle Việt Nam cho hay, sau cơn khủng hoảng tài chính, nhiều công ty bất động sản ở Anh, Mỹ hướng đến khách hàng châu Á, trong đó có Việt Nam. Ở Trung Quốc, việc sở hữu một căn nhà ở nước ngoài đã trở thành một xu hướng. Tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa phổ biến vì một số đại gia có thừa tiền để mua nhà ở nước ngoài song lại gặp khó khăn về thủ tục pháp lý.

Chị Nguyễn Thanh Hương (Hà Nội) cho hay, hai vợ chồng chị thường phải đi công tác sang nước ngoài và cũng có ý định mua một căn hộ ở Pháp hoặc Anh. Giá bất động sản ở Pháp, theo chị Hương, từ cuối năm 2009 được coi là chạm đáy và không quá đắt. Một căn hộ 50 m2 giáp gianh giữa nội và ngoại thành ở Paris khoảng 3 tỷ đồng, biệt thự khoảng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chạy ngược xuôi đến chóng mặt, chị vẫn không thể mua được nhà.

"Tắc nhất vẫn là khâu chứng minh tài chính, cần giải thích rõ nguồn gốc tiền để mua nhà. Thêm vào đó cần 10 loại hồ sơ, giấy tờ. Trong trường hợp hồ sơ bị trả lại, phải 3-5 năm sau mới được tái nộp hồ xét mua nhà", chị Hương nói.

Định thuê văn phòng môi giới nhà đất ở Paris lo thủ tục nhưng chi phí lại quá đắt đỏ nên ước mơ sở hữu nhà ở nước ngoài của chị Hương vẫn chưa thành hiện thực. Nước cuối cùng theo chị là phải chạy vạy lo cho con nhập quốc tịch ở Pháp vì thông qua con đường này, mọi thủ tục giấy tờ sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

May mắn hơn chị Hương, chị Thúy Quỳnh có con gái đi du học Pháp và được nhập quốc tịch Pháp nhờ 5 năm tốt nghiệp được 2 bằng đại học và thạc sỹ. Muốn mua nhà cho con, chị phải bán đất ở Việt Nam sau đó nhờ ngân hàng chứng minh nguồn tiền sạch rồi gửi cho con theo dạng thừa kế.

Còn anh Quang Tùng, du học sinh ở Mỹ cho hay, để mua được nhà ở Mỹ, anh đã nhờ anh trai định cư ở đây đứng tên mua nhà hộ. "Hầu hết người Việt Nam muốn mua nhà đều phải có người thân định cư lâu dài và có quốc tịch bảo hộ", anh Tùng chia sẻ.

Đại diện phía Savills Việt Nam cho hay, để mua nhà ở Anh, khách hàng sẽ phải thuê một cố vấn pháp luật, chủ đầu tư cũng sẽ có một cố vấn pháp luật riêng. "Hai bên tư vấn pháp luật sẽ làm việc với nhau. Việc chuyển tiền sẽ thông qua một ngân hàng có uy tín trên thế giới và mọi hoạt động sẽ tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam và Anh", đại diện này cho biết.

Luật sư Phạm Đức Giang, Trưởng phòng luật sư BMC cho hay, hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể cho việc người Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài để mua nhà. Pháp lệnh ngoại hối 2005 và nghị định 160/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ chỉ quy định các trường hợp chuyển tiền ra nước ngoài của công dân Việt Nam cho mục đích học tập, chữa bệnh ở, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, chuyển tiền thừa kế, trợ cấp cho thân nhân... đang ở nước ngoài, hoặc định cư ở nước ngoài.

Ngoài ra, theo ông Giang, việc chuyển tiền ra nước ngoài để mua nhà của công dân Việt Nam còn phụ thuộc vào pháp luật của nước ngoài - nơi công dân Việt Nam định mua nhà...

Ông Đặng Văn Quang cho rằng, việc chuyển tiền ra nước ngoài là cả một vấn đề. Quá trình chuyển tiền phải thông qua hợp đồng đầu có sự kiểm soát của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước...

"Thủ tục giấy tờ pháp lý rất phức tạp nên tính khả thi của việc chào bán các căn hộ ngoại ở Việt Nam rất thấp", ông Quang nhận định.


Cafeland.vn - Theo Hoàng Lan ( Vnexpress )
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland