Ngày 1-10, Sở Xây dựng tổ chức triển khai Quyết định 68 về cấp phép xây dựng trên địa bàn TP (có hiệu lực từ ngày 24-9) cho 24 quận, huyện và toàn bộ các xã. “Cấp phép xây dựng tạm tối đa năm tầng trong vùng quy hoạch treo” và “giải quyết các trường hợp nhà đất có chênh lệch diện tích đất giữa giấy chứng nhận và thực tế” là hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất.
“Tạm” tới bao lâu: Địa phương không thể biết
Theo Quyết định 68, giấy phép xây dựng (GPXD) tạm phải ghi rõ thời hạn công trình tạm được tồn tại (đến khi thực hiện dự án). Đại diện Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận Thủ Đức cho rằng yêu cầu này không thể thực hiện được. “Quận, huyện đâu thể biết chính xác khi nào dự án mới thực hiện mà ghi cho người dân. Như ga Bình Triệu năm năm hay 10 năm nữa mới làm, người dân hỏi chúng tôi không trả lời được” - ông bày tỏ.
Phó Phòng QLĐT quận 7 Lê Văn Dừa nhận xét so với Quyết định 04/2006 trước đây, hiện việc xây dựng trong khu quy hoạch treo có thể được xem như “xả giàn” khi được cho tối đa tới năm tầng. Ông Dừa dự đoán sẽ có nhiều trường hợp đủ điều kiện để xin xây dựng tạm ba, bốn tầng. “Với những trường hợp đã xây tạm một trệt, một gác nay xin xây thêm, trong hồ sơ xin phép không yêu cầu phải có kiểm định về an toàn công trình, liệu có nên không?” - ông đặt vấn đề.
Người dân đang làm thủ tục xin cấp phép xây dựng tại UBND quận Tân Bình. Ảnh: HTD
Ông Tống Đức Tiến, Phó phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng), trả lời: Quan điểm của Sở (thể hiện trong Quyết định 68) là quản lý nhà nước không xem xét công trình đủ an toàn để lên tầng hay không. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và họ phải tự thuê đơn vị tư vấn kiểm định. Cơ quan cấp phép chỉ quản lý về quy hoạch, cảnh quan kiến trúc. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị định về cấp phép xây dựng đang được hoàn chỉnh, đa số tỉnh, thành (trừ Hà Nội và TP.HCM) lại đề nghị đưa yêu cầu này vào hồ sơ xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Hiện chưa biết Bộ Xây dựng sẽ gút ra sao.
Chênh lệch diện tích: Hết bị làm khó
Quyết định 68 nêu rõ nhà đất chưa có giấy tờ hợp lệ nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2004, phù hợp quy hoạch, không bị tranh chấp thì có thể được xét cấp phép xây dựng. Cạnh đó, trường hợp sau khi phá dỡ nhà để xây mới mà diện tích đất lại lớn hơn trong giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận, chủ đầu tư chỉ cần điều chỉnh GPXD và hợp thức hóa phần diện tích đất chênh lệch trong quá trình hoàn công sau này. (Với các trường hợp này, trước đây đa số quận, huyện đều yêu cầu người dân phải hoàn chỉnh giấy chứng nhận rồi mới cấp GPXD - PV)
Đại diện Phòng QLĐT quận 4 cho rằng quy định mới thoáng cho người dân nhưng lại không chặt. “Phòng QLĐT cấp phép khi chưa có giấy chứng nhận thì đâu có biết phần đất nào sau này sẽ được cấp, phần nào không. Hoặc trường hợp diện tích đất thực tế có chênh lệch so với giấy chứng nhận vẫn được cấp giấy phép, lỡ phần đất này là của nhà hàng xóm thì sao?” - vị này băn khoăn. Trong khi đó, quận Bình Thạnh cho rằng chỉ nên áp dụng quy định này nếu nhà đất sử dụng trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật Đất đai có hiệu lực). “Trường hợp chuyển nhượng sau ngày này thì chỉ cấp phép theo diện tích trong giấy chủ quyền, phần diện tích không có trong chủ quyền thì không được giải quyết. Luật Đất đai cấm mua bán đất bằng giấy tay, không cho phép trường hợp này được cấp giấy” - đại diện quận Bình Thạnh nêu căn cứ.
Về việc này, ông Quách Hồng Tuyến giải thích luật không thể bao trùm tất cả tình huống của cuộc sống. “Chắc gì giấy chứng nhận đã cấp đúng. Không lẽ bắt người ta phải chừa khoảng hở vài tấc do đất chưa có trong chủ quyền? Nên nhớ nhà đất chưa có giấy tờ còn có thể được cấp GPXD” - ông Tuyến nói. Ông Tuyến cũng nhắc nhở: “Cơ quan cấp phép nên đặt mình là cơ quan quản lý chung chứ không nên tách bạch phòng QLĐT hay phòng TN&MT. Nếu cần kiểm tra phần đất ngoài chủ quyền có thuộc thửa đất của người khác hay không thì phòng QLĐT phối hợp với phòng TN&MT. Chưa gì mà đã lo ngại sẽ có tranh chấp, sẽ chồng lấn đất thì làm sao mà người dân được thuận lợi”.
Phó Phòng QLĐT quận Gò Vấp Đoàn Ngọc Chính thì băn khoăn về việc hồ sơ xin phép xây dựng không còn yêu cầu phường xác nhận là nhà đất có tranh chấp hay không. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho hay việc bỏ thủ tục trên là đúng theo tinh thần cải cách hành chính của Chính phủ và TP. “Tuy nhiên, có hai trường hợp bắt buộc phải có phường xác nhận để cấp phép xây dựng là nhà đất không có giấy tờ và trường hợp chênh lệch đất so với thực tế” - Sở lưu ý.
Hành lang sông rạch: Chỉ được sửa chữa theo hiện trạng “Nhà nằm trong chỉ giới an toàn sông rạch ở Nhà Bè khá nhiều, không ít nhà được cấp giấy chứng nhận là đất ở. Tuy nhiên, các trường hợp này không được xây dựng mới, chỉ được sửa chữa theo hiện trạng. Người dân bức xúc và thắc mắc nhưng huyện không thể trả lời” - đại diện Phòng QLĐT huyện Nhà Bè cho biết. Tuy nhiên, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng Trần Quốc Tuấn cho hay các trường hợp này không thể giải quyết khác. Để bảo đảm sự phát triển chung, khó thể chiều được hết tất cả nhu cầu. |






