Ngày 21/5, Quốc hội kỳ họp thứ 5, khóa XIII đã làm việc tại tổ thảo luận về hai dự án luật sửa đổi bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các đại biểu cho rằng các luật thuế cần tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi.

Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc qua 4 năm thực hiện, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành luật là tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế chung để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, từ 1/1/2014 sẽ áp dụng mức thuế suất phổ thông 22% (Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành áp dụng mức thuế suất phổ thông 25%) và từ 1/1/2016 sẽ giảm xuống 20%. Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động, có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm, áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ ngày 1/7/2013 và giảm xuống 17% từ 1/1/2016.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất, thuế suất giảm 25 xuống 22 và 20% là hợp lý tương đối cạnh tranh ở khu vực. Nhiều doanh nghiệp lỗ không có tiền đóng thuế, chẳng hạn như ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 30% doanh nghiệp có đóng thuế. Đại biểu cho rằng giảm thuế suất vào 2 thời điểm 2014 và 2016 như dự thảo đạt được 2 mục tiêu vừa không giảm đột ngột nguồn thu, vừa tạo niềm tin cho doanh nghiệp...

Theo đại biểu, đây là thuế danh nghĩa, thuế thực tế cao hơn vì nhiều khoản chi doanh nghiệp thực chi nhưng không được khấu trừ thuế (quảng cáo, tiếp thị), thực tế nhiều doanh nghiệp kiểm toán cho biết lên tới 27%.

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, hầu hết đại biểu quốc hội tán thành việc dự thảo luật bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Áp dụng phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên (trừ hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng) và bổ sung quy định về cách xác định giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp.

Các đại biểu cho rằng việc quy định cụ thể ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ là phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của Việt Nam, tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong hành thu.

Theo đại biểu Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội), cần xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn phương án đề xuất của Chính phủ vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng/năm thì số lượng các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp tính trực tiếp là khá lớn. Mặt khác, chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý, áp dụng thuế giá trị gia tăng vì ở Việt Nam, thuế giá trị gia tăng đã được áp dụng trong khoảng thời gian khá dài song các đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đáp ứng mục tiêu “tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế” đề ra trong Chiến lược cải cách thuế.

Về hoàn thuế giá trị gia tăng (khoản 7 Điều 1), dự thảo luật sửa đổi theo hướng nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được hoàn thuế nhằm góp phần khắc phục tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng mức tiền thuế tối thiểu với mức nâng khá lớn (gấp 2,5 lần) sẽ gia tăng khó khăn về vốn cho doanh nghiệp do chậm được hoàn thuế. Do đó, đại biểu đề nghị giữ như hiện hành hoặc quy định mức tiền thuế tối thiểu được hoàn thấp hơn so với mức Chính phủ trình.

Về giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở (khoản 2 Điều 2), dự thảo luật quy định giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật và cho rằng, việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với các đối tượng này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản.

Mặt khác, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), diện tích sàn quy định là 70m2 là quy định cho cả nước và có thể phù hợp với địa phương này nhưng lại thiếu phù hợp với địa phương khác. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định sao cho phù hợp với từng vùng miền.

Về thời hạn giảm thuế, theo các đại biểu Nguyệt Hường, Nguyễn Minh Quang, Đinh Xuân Thảo cùng ở đoàn Hà Nội và Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) với mức giảm dự kiến không lớn, thời gian thực hiện ngắn (chỉ trong 1 năm) thì tác động của chính sách là hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác (gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng được thực hiện trong thời hạn 3 năm). Do vậy, các đại biểu đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014 (thực hiện từ 1/7/2013 đến hết 31/12/2014)./.

Chủ đề: Thuế nhà đất,
Thảo Nguyên-Quang Toàn (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.