Giá đất nông nghiệp bồi thường hiện nay bị cho là quá rẻ - Ảnh: Đình Sơn
Hội thảo diễn ra tại TP.HCM vào ngày 18.2, do Ngân hàng phát triển châu Á và Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường - TN-MT) tổ chức. Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều nhận định, vướng mắc lớn nhất hiện nay địa phương nào cũng gặp phải là bảng giá đất quá thấp, chỉ bằng 20 - 30% so với giá thị trường. Một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh An Giang phân tích, lâu nay quan điểm vẫn cho rằng, đền bù giá đất nông nghiệp phải theo mục đích sử dụng. Tuy nhiên, một khu đất nông nghiệp nếu có một con đường “xẻ” ngang qua, giá đất sẽ tăng hàng chục lần so với giá đất thuần nông.
Ở một khía cạnh khác, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Văn Hồng cho rằng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hiện chỉ mới giải quyết phần trước và trong bồi thường, sau đó người dân sống thế nào, công việc, học hành ra sao thì chưa ai quan tâm. Theo điều tra của Sở TN-MT TP.HCM, 40% người dân sau khi mất đất không có việc làm. Cho nên, theo ông, cần có chính sách sau bồi thường áp dụng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, áp dụng trong 3 năm. Nguồn kinh phí này trích từ Quỹ phát triển đất. Giám đốc Sở TM-NT Đồng Nai Lê Viết Hưng thì đề nghị nên khuyến khích hình thức tự thỏa thuận việc mua đất giữa doanh nghiệp và người dân.
Một lãnh đạo Tổng cục Đất đai cho biết, theo quy định của luật Đất đai mới được thông qua và dự thảo Nghị định hướng dẫn luật Đất đai đang đưa ra lấy ý kiến đóng góp, giá đất được áp dụng để bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là giá phù hợp với thị trường tại thời điểm thu hồi đất. Nghị định lần này đưa ra hai phương án, phương án 1 tính giá đền bù sát giá thị trường. Chỉ hỗ trợ người dân mất đất chuyển đổi ngành nghề. Phương án 2 là vẫn tính theo giá thị trường nhưng có hỗ trợ không quá 4 lần bảng giá đất với các đô thị đặc biệt như TP.HCM, Hà Nội và không quá 3 lần ở các nơi khác. “Ở Đài Loan, những trường hợp này người ta tính giá đất bồi thường bằng 138% giá đất thị trường với lý do người dân buộc phải đi khi bị thu hồi đất”, ông này phân tích.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Lê Thanh Khuyến nói rõ hơn về phần hỗ trợ, nếu như trước đây luật căn cứ vào diện tích đất bị thu hồi để hỗ trợ, thì nay hỗ trợ toàn bộ nhân khẩu trong độ tuổi lao động hiện có của gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp. Hình thức hỗ trợ được tính bằng tiền do UBND cấp tỉnh quyết định tùy theo điều kiện thực tế của địa phương. Người dân cũng được đào tạo, chuyển đổi nghề. Một phương án khác được đưa ra là hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ bằng tiền toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề Một điểm mới nữa so với luật Đất đai năm 2003 là những hộ gia đình có đất ở kết hợp kinh doanh bị thu hồi đất cũng được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Những trường hợp hộ gia đình bị sạt lở, sụt lún đột xuất một phần hoặc toàn bộ thửa đất, mà phần còn lại không tiếp tục sử dụng được, người dân được hỗ trợ đất ở tái định cư (trước đây không được - PV). Trong nghị định hướng dẫn lần này cũng quy định rõ diện tích nhà, đất tái định cư tối thiểu được nhận không nhỏ hơn diện tích tách thửa đất và không nhỏ hơn diện tích căn hộ hiện nay là 35 m2. |
-
Mức hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động cho người bị thu hồi đất tại Đồng Nai từ 10/12/2024
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 72/2024/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai....
-
Căn cứ xác định giá đất để tính tiền bồi thường?
Xin hỏi, đối với việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, giá đất để tính tiền tại thửa đất thu hồi được xác định là giá đất cụ thể hay đất tại bảng giá? Giá đất tại thửa đất dự kiến bồi thường bằng đất được xác định là...
-
Bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam thế nào?
Từ ngày 10/11/2024, việc bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam được quy định trong Quyết định 31/2024/QĐ-UBND.