29/11/2012 1:12 PM
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến có quy định: "Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, được thực hiện theo nhu cầu của các bên…” (khoản 2, Điều 151) được cho là để thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, song lại gây ra những quan ngại về sự an toàn cho các giao dịch nhà đất đang được "bảo lãnh bằng thủ tục công chứng theo pháp luật hiện hành.
Công chứng từ trước đến nay đang đóng vai trò là thiết chế quản lý các hợp đồng, giao dịch, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cho ra đời và chứng nhận tính xác thực và hợp pháp của những văn bản có giá trị thi hành, không chỉ đối với các bên giao kết, mà còn đối với các bên có liên quan khác. Qua đó, Nhà nước có thể kiểm tra, giám sát, điều tiết một cách khách quan, công minh và hiệu quả những hợp đồng, giao dịch này.
Trong điều kiện hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của đa số người dân còn thấp, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, chồng chéo, hiệu lực chưa cao, khả năng "hậu kiểm” của các cơ quan chức năng còn cần phải tiếp tục kiện toàn… thì những hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất không thể "thả rông” cho các bên tự ý quyết định mà cần được quản lý hết sức chặt chẽ. Ông Trần Công Trục (Trưởng VPCC Đông Đô) cho rằng, "các giao dịch về nhà đất có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, nên nếu lược bỏ đi bất kỳ một thủ tục, trình tự, điều kiện nào hiện có thì chỉ có thể làm cho tình trạng tranh chấp về đất đai, nhà ở vốn đã rất phức tạp càng thêm phức tạp hơn, gây nguy hại to lớn đến an sinh xã hội và sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế”.
Cũng "nhìn thấy” trước những nguy hiểm nếu thủ tục công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản bị lược bỏ, ông Đỗ Văn Vẻ (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen – tỉnh Thái Bình) đề nghị không bỏ thủ tục này trong các hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bởi "trong thực tiễn hiện nay vẫn diễn ra nhiều các giao dịch ngầm, chui như mua bán nhà đất bằng giấy viết tay không qua công chứng, chứng thực sẽ phát sinh một loạt các tranh chấp, tạo gánh nặng cho cơ quan, chính quyền, tòa án, tiềm ẩn mất ổn định trong nhân dân”.
Đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng, bà Nông Thị Bích Liên (Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) phân tích: "đất đai là hàng hóa đặc biệt nên việc thực hiện các hợp đồng về quyền sử dụng đất cần phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để quản lý chặt chẽ và đảm bảo người sử dụng đất được thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế. Việc công chứng, chứng thực các hợp đồng về quyền sử dụng đất là cần thiết để đảm bảo an toàn pháp lý cho việc thực hiện quyền của người sử dụng đất”.
Luật đất đai hiện hành quy định bắt buộc phải công chứng đối với hợp đồng giao dịch về nhà đất, bắt buộc mà còn phát sinh nhiều tranh chấp nên "thả” ra như dự thảo Luật, người dân sẽ mua bán tùy tiện mà không cần cơ quan nào chứng nhận. Điều này dẫn đến một tài sản có thể đem bán cho nhiều người, thậm chí chữ ký còn bị giả mạo để lừa đảo, thu lợi mà không có ai kiểm soát. Do đó, như ông Nguyễn Thanh Tú (Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) nhận định, công chứng giúp kiểm chứng, sàng lọc các hợp đồng, giao dịch hợp pháp nên "bỏ công chứng, người dân sẽ tùy tiện mua bán và dễ bị lừa”.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, đã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng loại hình dịch vụ công này. Trên 600 tổ chức hành nghề công chứng, với số lượng công chứng viên rất đông đảo. Tại những địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng, người dân có nhu cầu, có thể đến UBND cấp xã để chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất.

Vì thế, như ông Trần Công Trục cho rằng, cần trao đổi sâu hơn nữa, toàn diện hơn nữa về những đề xuất sửa đổi Luật Đất đai có liên quan đến hoạt động của các tổ chức công chứng, nhằm phát huy hơn nữa vai trò tích cực của công chứng đã được xã hội thừa nhận với tư cách là một dịch vụ pháp lý đăc biệt, bổ ích, một dịch vụ mang tính nhân văn cao cả, gắn bó với đời sống của từng con người và tổ chức cộng đồng.

Công chứng viên-Thẩm phán phòng ngừa
Công chứng cho ra đời và chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của những văn bản có giá trị thi hành, không chỉ đối với các bên giao kết Hợp đồng, Giao dịch mà còn đối với các bên có liên quan. Vì thế đội ngũ công chứng viên được coi như những "thẩm phán phòng ngừa” (hoặc đó là những "bác sỹ phòng bệnh”. Đặc biệt đối với các giao dịch bất động sản là các giao dịch rất đặc biệt, ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tham gia giao dịch , ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh và tích cực của thị trường bất động sản. Do đó, việc bỏ quy định bắt buộc công chứng trong điều kiện ý thức chấp hành pháp luật của đa số người dân còn thấp, hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ, toàn diện, còn nhiều bất cập và thậm chí còn chồng chéo, hiệu lực chưa cao…, khả năng "hậu kiểm” của các cơ quan chức năng còn cần phải tiếp tục kiện toàn…là không an toàn.
Theo N.Khánh (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.