29/11/2012 8:08 AM
Nhiều dự án trọng điểm của Hà Nội dù đã được khởi công cách đây vài năm nhưng đến thời điểm này, các gói thầu đều triển khai rất vất vả và phải điều chỉnh tiến độ do khó khăn trong GPMB.

Một trong những lý do chính, vẫn là lý do cũ rích là do bị ảnh hưởng bởi chính công tác giải phóng và xử lý nền đất yếu tại địa bàn các nơi có dự án...

Ngoài ra, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố Hà Nội, dự án xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn được triển khai thực hiện quá chậm, thậm chí còn chưa phê duyệt khi dự án đã thi công.

Hàng loạt dự án ì ạch

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 5 dự án trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết ách tắc giao thông bao gồm: Đường nối từ cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài; Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới); Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 2 dự án về cơ bản đã hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn lại các dự án đều bị mặt bằng sạch “ngâm” tiến độ dự án.

Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 Hà Nội-Thái Nguyên dù đã được khởi công từ cuối năm 2009 và ấn định thời gian hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6/2013. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó phòng điều hành dự án (PID5, Ban Quản lý dự án 2) cho biết, đến nay, các địa phương đã bàn giao 58,523km/61,313km, còn lại gần 2,8km chưa bàn giao mặt bằng, lại theo kiểu "xôi đỗ" (vẫn còn rải rác nhà dân) nên trên thực tế các nhà thầu chỉ có thể thi công 57,98km.

Ông Hà cũng thừa nhận, hầu hết, mặt bằng tuyến đường bị vướng mắc chủ yếu nằm ở các điểm giao cắt tại các huyện của địa bàn Hà Nội.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố Hà Nội, toàn dự án chỉ còn 4 ha chưa có mặt bằng sạch hoặc chậm trễ chủ yếu tập trung ở địa bàn huyện Sóc Sơn với khoảng hơn 100 hộ đất tại các xã trung Giã, Bắc Phú, Tân Hưng và 3 hệ thống đường điện trung hạ thế phải di chuyển hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện.

Dự án cầu Nhật Tân bị điều chỉnh tiến độ vì vướng mặt bằng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Riêng các gói nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn (Hà Nội), hiện nay không ai có thể khẳng định được tiến độ vì nhà thầu chỉ có thể thực hiện thi công khi mà địa phương phải bàn giao được mặt bằng,” ông Hà thành thật.

Một dự án khác cũng bị chậm và phải điều chỉnh tiến độ các gói thầu đó là dự án cầu Nhật Tân.

Được khởi công từ năm 2009 và hoàn thành vào năm 2014 với 3 gói thầu. Theo báo cáo của chủ đầu tư, giá trị toàn dự án cũng chỉ mới hoàn thành được gần 60% khối lượng công việc.

Báo cáo của Ban quản lý Dự án Tả Ngạn cho thấy, cầu Nhật Tân đi qua 2 quận huyện của địa bàn thủ đô với tổng diện tích phải thu hồi vĩnh viên là gần 116 ha để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích giải phóng mặt bằng của huyện Đông Anh cơ bản đã hoàn thành và chỉ còn vướng khoảng 2,3 ha đất của 280 hộ dân tại nút giao Phú Thượng (phường Phú Thượng - Tây Hồ) chưa được Thành phố Hà Nội giải phóng.

Theo chủ đầu tư dự án, các đơn vị thi công đều nhận mặt bằng làm nhiều đợt. Thậm chí, đến tháng 5 vừa qua, đơn vị thi công mới nhận hết mặt bằng của cầu vượt đê Tả Hồng (chậm 3 năm so với kế hoạch) vì thế nên rất khó có thể hoàn thành theo đúng tiến độ phê duyệt của dự án như ban đầu.

Cũng theo đại diện của các huyện, trong diện tích chậm bàn giao còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc sự quản lý của Sở, ngành của Thành phố như trạm điện, hệ thống chiếu sáng, trạm viễn thông... dù đã có đề xuất di dời nhưng chưa được thực hiện nên đã ảnh hưởng đến tiến độ mặt bằng chung.

Gỡ “nút thắt” nhà tái định cư, mặt bằng

Để có thể thi công các dự án trên, Hà Nội đã tiến hành thu hồi tổng diện tích đất ở và Nông nghiệp là 590,4 ha trên 4 huyện, quận thủ đô.

Theo ông Hoàng Trung Kính, Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng, Ban quản lý Dự án Tả Ngạn, mỗi dự án giao thông trên địa bàn Hà Nội muốn có mặt bằng sạch là vô cùng khó khăn.

Lý giải cho điều này, ông Kính cho rằng, các gói thầu của dự án đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra là do ách tắc trong khâu bàn giao mặt bằng sạch nên phải điều chỉnh thi công.

“Các đơn vị thu công không thể tiến hành làm được vì người dân chưa đồng thuận với giá đền bù do không sát với giá thị trường nên không chấp hành cho tổ công tác giải phóng mặt bằng của phường, quận vào kiểm đếm, đo đạc,” ông Kính thừa nhận.

Theo chủ đầu tư và các ban giải phóng mặt bằng, các khu tái định cư chưa được đầu tư xây dựng kịp thời, chưa có tiền đầu tư trước khi dự án được khởi động đã làm chậm trễ giải phóng mặt bằng.

Đánh giá của các Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố Hà Nội, Ban quản lý Dự án Tả Ngan cũng cho thấy, việc di dời các hộ dân trên địa bàn Đông Anh, Sóc Sơn, Tây Hồ đang là điểm “găng” quan trọng cần tập trung giải quyết nhằm đảm bảo mặt bằng thi công dự án. Một số hộ đã bàn giao nhưng lại nằm vị trí xen kẽ nhà ở nên không có đường vào để đơn vị thi công trên diện tích đã giải phóng xong.
“Công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân trên dự án Đông Anh, Sóc Sơn tiến hành quá chậm,” báo cáo của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng nêu rõ.

Bên cạnh đó, nguyên nhân làm các dự án bị “ngâm” tiến độ là do xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện chậm.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng, các đơn vị liên quan đã không dự báo, lường trước khối lượng công việc cần phải thực hiện nên đến khi chuẩn bị phê duyệt phương án đất ở thì mới bắt đầu quá trình lập, trình phê duyệt các dự án đầu tư khu tái định cư.

“Nếu không có đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân đủ điều kiện thì sẽ không thể thu hồi đất giải phóng mặt bằng được các diện tích đất ở tại 2 huyện trên,” báo cáo của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng khẳng định.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng cũng thừa nhận, một số khu tái định cư còn thiếu những điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt nên nhiều hộ dân dù đã đồng ý với phương án di dời nhưng vẫn ở lại.

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các ban ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách tái định cư phân tán cho người dân được lựa chọn hoặc chính sách hỗ trợ bằng tiền để các hộ tự lo xây nhà ở tái định cư đồng thời các quận, huyện, Sở liên quan phải có trách nhiệm trong việc lập, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ di dân giải phóng mặt bằng.

Theo Việt Hùng (VietNam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.