Biệt thự Big Homie tấp nập khách thuê ngày 31/12/2018
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, mặc dù UBND huyện Sóc Sơn đã có quyết định cưỡng chế 18 công trình “xẻ thịt” đất rừng tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, tuy nhiên hầu hết các biệt thự nghỉ dưỡng tại đây vẫn nhộn nhịp đón khách. Chỉ duy nhất khu sinh thái Thiên Phú Lâm có sự xuất hiện của lực lượng chức năng và một số hạng mục nhẹ bị tháo dỡ. Dù cưỡng chế công khai nhưng báo chí rất khó có thể tiếp cận với công trình trên. Các khu nghỉ dưỡng như: Hidden Villa, Choai Villa, Big Homie… hiện vẫn tấp nập khách nghỉ dưỡng.
Anh Quang Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, anh đặt phòng tại Big Homie Villa từ 3 tuần trước để đi nghỉ đúng dịp Tết dương lịch. Đến thời điểm này tất cả các biệt thự khu Sóc Sơn đều kín phòng nếu không đặt trước ít nhất 2 tuần. Do đọc nhiều thông tin về việc cưỡng chế khu biệt thự này nên anh Minh có hỏi cặn kẽ về việc villa có còn hoạt động hay không? Chủ cho thuê khẳng định: “Villa vẫn hoạt động bình thường”. Anh Minh yên tâm và đặt tiền, nghỉ dưỡng ở biệt thự 3 phòng ngủ với giá 5,9 triệu đồng cho 2 ngày, 1 đêm (ngày 30 - 31/12).
Tương tự tại Hidden Villa, ngày 31/12 vẫn có nhiều khách thuê nghỉ dưỡng, câu cá xung quanh khu vực hồ câu của biệt thự. Anh Trường (người thuê) cho biết, do đặt muộn nên anh không đặt được biệt thự nghỉ dưỡng tại đây. Gần đến ngày mới mua lại được suất của một người khác trên mạng. Được biết, giá thuê biệt thự ở Hidden Villa là 4 triệu đồng cho 2 ngày 1 đêm.
Tại một số homestay cạnh đó đa số đều kín người cho thuê, bên ngoài đậu những xe ô tô biển Hà Nội. Buổi tối, không khí khu vực vốn là rừng đặc dụng lại rộn ràng tiếng nhạc và lửa trại bập bùng của khách thuê.
Trước đó, UBND huyện Sóc Sơn nhiều lần trì hoãn cưỡng chế những biệt thự nghỉ dưỡng trên. Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, UBND huyện Sóc Sơn ra kế hoạch trong tháng 11 sẽ xử lý xong 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú.
Tuy nhiên, hết tháng 11, kế hoạch trên chưa hoàn thành. Thời điểm đó, chỉ có 5 hộ tự nguyện phá dỡ công trình sai phạm. Lý do huyện Sóc Sơn chưa cưỡng chế 18 công trình sai phạm trên là vì các hộ dân kiến nghị đang trong thời gian thanh tra toàn bộ quá trình sử dụng đất ở địa bàn nên không được phá dỡ những công trình này. Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, sẽ tiến hành xử lý các công trình vi phạm trong tháng 12/2018. Thế nhưng thực tế, không hiểu vì lý do gì mà các công trình biệt thự nghỉ dưỡng thêm một lần nữa “vượt mặt” cơ quan chức năng.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trên đất rừng do quy định pháp luật còn “hở”. Theo quy định, từ ngày 1/1/2015, xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn không còn cần giấy phép xây dựng. Vi phạm rõ ràng phải xử lý nhưng lại không có chế tài, cũng là nguyên nhân khiến công trình vi phạm xây dựng chậm xử lý.
Về vấn đề quản lý đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần chỉ đạo quyết liệt trong các buổi họp tập thể thành phố, cũng như trả lời ý kiến cử tri. Cụ thể, trong buổi họp giao ban công tác thành phố Hà Nội mới đây, ông Chung đã chỉ ra trách nhiệm phối hợp giữa Sở NN&PTNT, Ban quản lý rừng đặc dụng Sóc Sơn với các xã, huyện còn yếu, cần khắc phục ngay. Thành phố đã phân cấp thẩm quyền Thanh tra xây dựng cho các quận, huyện nhưng việc thực hiện vẫn buông lỏng. Chủ tịch Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn phải ra quyết định cưỡng chế trong tháng 12/2018. “Trước tiên ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện thì phải ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm. Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”, lãnh đạo thành phố nêu rõ.
Liên quan đến 27 công trình “xẻ thịt” đất rừng tại xã Minh Trí, huyện ủy Sóc Sơn cho biết, Ban Thường vụ đã có kết luận sau khi kiểm tra những dấu hiệu vi phạm của Đảng ủy xã Minh Trí trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở thôn Minh Tân. “Vi phạm của tập thể, cá nhân ở Minh Trí trong việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng nếu đến mức kỷ luật thì chúng tôi sẽ thực hiện”, lãnh đạo Huyện ủy Sóc Sơn cho hay. |
-
Sai sót quản lý đất rừng ở Minh Trí (Sóc Sơn): Sẽ xử lý tập thể, cá nhân vi phạm
Liên quan đến việc buông lỏng quản lý đất rừng, trật tự xây dựng ở Minh Trí, mới đây Huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội) đã có Kết luận số 11-KL/HU.
-
Cao ốc sai phép ngay mặt đường cơ quan chức năng không phát hiện ra, Bộ Xây dựng nói gì?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3/11, Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đề cập tình trạng người dân sửa nhà trong ngõ sâu thanh tra xây dựng nắm được, trong khi công trình cao ốc ngay mặt đường sai phép, cơ quan chức năng lại không phát hiện ra....
-
Sở Xây dựng Bình Dương cảnh báo phạt thẳng tay chủ đầu tư “tái phạm”
Sở Xây dựng Bình Dương vừa gửi văn bản cảnh báo các chủ đầu tư các dự án, công trình xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương và UBND huyện, thị xã, thành phố về việc xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng....
-
Nâng mức tiền phạt trong xây dựng, Uỷ ban MTTQ nói gì?
Chiều 25.5, bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩn...