Ngày 5/1, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã làm việc với Quận ủy Hoàng Mai về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Báo cáo tại buổi làm việc, Quận ủy Hoàng Mai đã nêu 12 kiến nghị thuộc 6 nhóm lĩnh vực với thành phố. Đáng chú ý, quận kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng bãi phân khu đô thị sông Hồng, trong đó có 4 phường của quận Hoàng Mai. Quận cũng đề nghị chuyển giao quyền làm chủ đầu tư cho UBND quận đối với tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên nối tiếp, đoạn từ đường Vành đai 2,5 đến đường Vành đai 3 và tuyến đường nối từ Khu đô thị Đồng Tàu đến đường Giải Phóng, thuộc dự án khu chức năng đô thị Trũng Kênh. Quận cũng kiến nghị 6 dự án giao thông đề nghị thành phố bố trí vốn giai đoạn 2021-2025, trong đó có tuyến đường Tam Trinh, một trong 3 dự án chuyển tiếp.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Nguyễn Trúc Anh cho rằng, còn nhiều chỉ tiêu quy hoạch quận Hoàng Mai chưa đạt chuẩn đô thị, như tỷ lệ công viên, trường học, đặc biệt tỷ lệ đường giao thông hiện mới đạt gần 2km/1 cây số vuông, trong khi chuẩn là 10km; mật độ giao thông cấp đường chính đô thị cũng mới đạt 2%... Nguyên nhân một phần do quy hoạch, một phần do buông lỏng quản lý dẫn đến bị lấn chiếm, rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên nhiều dự án công viên, tuyến đường khung không triển khai được.
Lập danh sách các dự án động lực
Bí thư Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc ngày 5/1
Bí thư Thành ủy đánh giá, sau 17 năm thành lập cho đến nay, nhất là 5 năm nhiệm kỳ 2015-2020, Hoàng Mai có bước phát triển khá mạnh, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt năm 2020, khó khăn như vậy nhưng quận duy trì được đà tăng trưởng, thu ngân sách vượt dự toán; hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư... Theo Bí thư Thành ủy, quận Hoàng Mai có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển như đất rộng, dân số đông, là cửa ngõ phía Nam thành phố, giao thông liên kết thuận lợi với các vùng, các tỉnh lân cận... song vẫn còn tồn tại những hạn chế như nguồn thu vẫn dựa nhiều vào quỹ đất. "Sau này khi không còn đất nữa thì "lấy chi mà thu"? - Bí thư trăn trở; hạ tầng còn nhiều bất cập, lạc hậu, manh mún; đô thị phát triển nhưng chưa gắn với kinh tế đô thị...
Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, quận phải lên danh sách dự án mang tính động lực như các dự án giao thông, Khu đô thị Gamuda, Khu B Công viên Yên Sở, Trung tâm thương mại AEON; tháo gỡ vướng mắc di dời bến xe phía Nam...; phải coi giải phóng mặt bằng là khâu đột phá; đăng ký với thành phố là đơn vị đầu tiên thí điểm quy trình giải phóng mặt bằng rút gọn mà Thủ tướng Chính phủ đã cho phép; đăng ký xây dựng mô hình một khu đô thị văn minh và mô hình đội quản lý trật tự xây dựng kiểu mẫu của thành phố...
Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy nói: "Thành phố sẽ thúc đẩy sớm việc xin ý kiến các bộ, ngành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng. Sở Xây dựng Hà Nội cần sớm tham mưu, rà soát quy hoạch để giải quyết sinh kế cho bà con vùng bãi. Đây là vấn đề rất quan trọng".
-
Chậm tiến độ 2 năm, Nhà máy nước mặt sông Hồng vẫn ngổn ngang, dang dở
Theo kế hoạch, Nhà máy nước mặt Sông Hồng đưa vào sử dụng vào năm 2018, thế nhưng đến nay vẫn là một công trình ngổn ngang, dang dở...