Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người dân được phép xây dựng công trình tạm trong trường hợp nào? Việc xây tạm này có phải xin phép hay không? (Thanh Biển)

Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 131 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), các trường hợp sau đây được xây dựng công trình tạm:

Trường hợp 1: Phục vụ mục đích thi công xây dựng công trình chính.

Trường hợp 2: Để sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định (đối với trường hợp này phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm).

Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm. Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định.

Công trình xây dựng tạm phải được phá dỡ khi đưa công trình chính của dự án đầu tư xây dựng vào khai thác sử dụng hoặc khi hết thời gian tồn tại của công trình. Chủ đầu tư được đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận việc tiếp tục khai thác sử dụng công trình xây dựng tạm quy định tại Trường hợp 1 nêu trên nếu công trình phù hợp với quy hoạch; bảo đảm các yêu cầu về an toàn chịu lực, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), đối với công trình xây dựng tạm nêu trên sẽ được miễn giấy phép xây dựng.

Thổ Kim
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.