22/04/2022 2:53 PM
Nhóm đất phi nông nghiệp là loại đất phổ biến hiện nay. Vậy đất phi nông nghiệp là gì? Đất phi nông nghiệp có được xây nhà và các quy định pháp luật liên quan đến loại đất này?

Đất phi nông nghiệp là gì?

Theo mục đích sử dụng các loại đất của Luật Đất đai, đất phi nông nghiệp là loại đất được sử dụng không nhằm mục đích canh tác nông nghiệp, trồng cây trên đất. Loại đất này có thể được sử dụng với mục đích ở, sản xuất kinh doanh thương mại, xây dựng các công trình văn phòng, trụ sở làm việc, các công trình công cộng, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng,...

Các loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp

- Đất ở gồm đất ở tại nông thôn và đô thị. Đất ở bao gồm cả đất xây dựng nhà ở lẫn đất xây dựng ao vườn, các công trình khác phục vụ đời sống nằm trong thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn. Tất cả đều được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho cá nhân hoặc hộ gia đình sử dụng một cách phù hợp.

- Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp: gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc tất cả các ngành và lĩnh vực, bao gồm kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, thể dục thể thao, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác.

- Đất quốc phòng, an ninh: nhóm đất được Nhà nước sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Nhằm phục vụ cho việc bảo vệ an ninh quốc gia, luôn sẵn sàng khi đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn hoặc có sự đe dọa vũ lực, vũ trang từ bên ngoài.

- Đất sản xuất, kinh doanh: bao gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm,...

- Đất xây dựng công trình công cộng, nhằm phục vụ cho nhu cầu toàn dân. Trong đó bao gồm đất giao thông (cảng hàng không, sân bay,...); đất thủy lợi; đất có di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải;...

- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với duy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất.

- Đất sông ngòi: bao gồm tất cả các loại đất sông ngòi, kênh rạch, suối và các mặt nước chuyên dụng. Nhóm đất này được quản lý là sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc kết hợp với nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, được Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý sử dụng và khai thác.

- Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng: phục vụ cho nhu cầu trong tôn giáo ngày một trở nên rộng rãi trong nhân dân. Loại đất này bao gồm đất thuộc đền chùa, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt động.

- Đất phi nông nghiệp khác gồm: Đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; Đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.

Đất phi nông nghiệp có được xây nhà?

Trong các loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, chỉ có đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị mới được phép xây dựng nhà ở và các công trình khác để phục vụ cuộc sống sinh hoạt của người sử dụng đất.

Các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì không được phép xây dựng nhà trên mảnh đất đó. Nếu cố tình xây dựng nhà ở trái phép thì người sử dụng đất sẽ bị xử phạt hành chính, buộc phải tháo dỡ nhà ở và các công trình đã xây dựng.

Đất phi nông nghiệp không phải đất ở có được chuyển sang đất ở?

Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013, điều kiện để chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở là phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, Điều 52, Luật Đất đai quy định căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải dựa trên kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời người sử dụng đất phải làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất và phải được sự cho phép của UBND cấp huyện (hộ gia đình, cá nhân) hoặc UBND cấp tỉnh (tổ chức).

Đọc thêm:

Thủ tục chuyển đất phi nông nghiệp sang đất ở

Trình tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Bộ hồ sơ xin cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất bao gồm 2 thành phần chính:

- Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất

- Các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp như Sổ đỏ hoặc Sổ hồng. Trong trường hợp công dân chưa sở hữu hai loại giấy tờ trên thì có thể liên hệ với cán bộ địa chính khu vực để được hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể hơn.

Tìm hiểu thêm: Mẫu đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định mới nhất

Bước 2: Nộp hồ sơ

- Nộp hồ sơ tại Bộ phận 1 cửa địa phương hoặc tại Phòng TNMT nơi quản lý mảnh đất đang làm thủ tục pháp lý.

- Nhận Phiếu tiếp nhận sau khi cán bộ xác nhận đã nhận bộ hồ sơ đầy đủ giấy tờ cần thiết. Phiếu tiếp nhận mà công dân nhận được cần tương đồng với sổ tiếp nhận tại cơ quan đó.

Trong trường hợp hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp của công dân chưa đầy đủ thì cán bộ có thời gian 3 ngày làm việc để thông báo và hướng dẫn hoàn thiện theo quy định.

Bước 3: Nộp phí chuyển đổi đất phi nông nghiệp sang đất ở

Bước 4: Nhận kết quả

Sau 15 - 25 ngày làm việc tính từ khi nộp hồ sơ thành công, người dân sẽ nhận kết quả từ nơi nộp hồ sơ. Thời gian trao trả kết quả có thể bị trì hoãn nếu công dân chậm trễ trong việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Về tiền sử dụng đất phải nộp

Thông thường Phòng TNMT địa phương sẽ có nghĩa vụ thông báo với người dân dân khoản tiền cần nộp cho Cơ quan Thuế địa phương. Người dân cần hoàn thành nghĩa vụ tài chính này trước khi chính thức nhận được quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất như sau:

- TH1: Không phải nộp tiền sử dụng đất: chủ sở hữu mảnh đất phi nông nghiệp đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng có thời hạn, sử dụng ổn định, lâu dài trước ngày 01/7/2004, và không phải đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê.

- TH2: Người dân đang sử dụng đất phi nông nghiệp dưới hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 1/7/2014: Số tiền phải trả bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất (tính theo giá đất ở) với tiền sử dụng đất (tính theo giá đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại).

- TH3: Nhà nước cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở dưới hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê: Khi chuyển mục đích sang đất ở, đồng thời chuyển từ thuê đất sang giao đất, thì cần trả mức phí sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất (tính theo giá đất ở) trừ đi tiền thuê đất phải nộp một lần (tính theo giá đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại).

- TH4: Đất phi nông nghiệp đang sử dụng không phải là đất ở dưới hình thức được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê hàng năm: thu tiền sử dụng đất bằng tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đọc thêm:

Phương Vũ (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.