14/10/2015 3:47 PM
CafeLand – Xây, sửa nhà là việc quan trọng với mỗi gia đình. Có nhiều thứ phải cân nhắc kỹ càng trước khi tiến hành việc này. Trong đó, chọn thời điểm, nhà thầu thi công, vật liệu xây dựng,… là những yếu tố cơ bản cần được lưu ý hàng đầu.

Nên lên kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước khi xây, sửa nhà.

1. Thời điểm

Để thực hiện xây, sửa nhà bất cứ ai cũng nên chuẩn bị sẵn sàng về khả năng tài chính. Tốt nhất là để dành một số tiền dư ra so với khoản chi phí như tính toán ban đầu, đề phòng những khoản phí phát sinh trong quá trình xây dựng. Trong trường hợp không có nhiều tiền thì ít nhất cũng nên chuẩn bị đủ phần kinh phí cơ bản hoặc có kế hoạch dự trù nguồn tiền thiếu có thể vay được khi cần từ đâu (gia đình, bạn bè,…).

Thông thường, việc xây, sửa nhà sẽ được tiến hành vào các tháng có thời tiết tốt trong năm. Điều này tùy thuộc vào từng vùng miền, địa phương miễn là việc xây sửa nhà diễn ra trong thời gian thời tiết thuận lợi cho việc xây dựng. Đặc biệt, cuối năm cũng là thời điểm nhiều người chọn xây, sửa nhà để đón tết và năm mới.

Bên cạnh chuẩn bị về tài chính, thời tiết xây dựng thuận lợi cũng nên xem xét đến việc chọn ngày lành tháng tốt. Nếu gặp phải năm kiêng kỵ làm nhà, chưa được tuổi thì việc xây, sửa nhà cũng chưa thể tiến hành ngay được.

2. Có bản vẽ thiết kế

Bản vẽ không chỉ sử dụng trong quá trình xây dựng mà còn quan trọng về sau.

Cho dù xây nhà nhỏ hay to thì vẫn cần phải có một bản vẽ thiết kế chi tiết về ngôi nhà. Bên cạnh kiểu xây, kích thước, kết cấu, quan trọng nhất là bản vẽ đường dẫn, lắp đặt hệ thống điện, nước.

Bản vẽ không chỉ sử dụng trong quá trình xây dựng mà còn quan trọng về sau. Chẳng hạn như khi có thay đổi phát sinh kết cấu nhà trong quá trình sử dụng. Khi muốn khoan, đục hay cắt tường thì bản vẽ chính là tài liệu để đối chiếu chính xác nhất, tránh xảy ra sự cố chập điện, hỏa hoạn khi sửa chữa vì không ai có thể nhớ hết mọi vị trí đường dây điện nằm ở đâu khi đã xây xong nhà.

Một khi đã duyệt bản vẽ thiết kế thì nên tuân thủ theo, tránh tự ý thay đổi kết cấu nhà như xây thêm tầng, tăng độ cao dẫn đến mất an toàn cho công trình.

3. Chọn nhà thầu thi công

Công trình nên có người giám sát thi công, tránh xảy ra tình trạng mất cắp vật liệu.

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện, đủ hiểu biết để thuê đội ngũ nhà thầu thi công chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà phó mặc hên - xui.

Thực tế, có nhiều trường hợp chủ nhà vì ham giá rẻ nên thuê đội thầu xây dựng tự do làm ăn thiếu uy tín. Trong quá trình xây dựng, họ tự ý “đẻ” thêm hạng mục để tăng chi phí, khi chủ nhà không đồng ý thì làm việc thiếu trách nhiệm, tự ý cắt hợp đồng. Hoặc do báo giá thấp nên nhà thầu trà trộn vật liệu xây dựng giá rẻ kém chất lượng nhằm bù lại giá thuê. Đó là chưa kể ở những công trình không có người giám sát thi công nên xảy ra tình trạng mất cắp vật liệu.

Ham rẻ và thiếu kiến thức lẫn người giám sát, chủ nhà sẽ tiền mất tật mang. Do đó, mấu chốt ở khâu chọn nhà thầu là không giao cho đơn vị chưa từng thi công công trình ngang cấp ngôi nhà sắp xây dựng. Chỉ chọn nhà thầu có địa chỉ rõ ràng, hoặc giấy đăng ký kinh doanh cụ thể. Khi thuê cần có hợp đồng rõ ràng, quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi bên, tránh tranh chấp cự cãi về sau.

4. Chọn vật liệu xây dựng

Vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của ngôi nhà. Do đó, không được cẩu thả trong việc này. Cát, đá, thép và xi măng là các vật liệu cốt yếu cần lựa chọn kỹ.

Theo một số kinh nghiệm, để kiểm tra cát có lẫn tạp chất hay không có thể dùng cách đơn giản là lấy một nắm cát trong tay rồi thả ra. Nếu thấy có nhiều bùn đất, đất sét dính lại trong bàn tay thì cát đó không đạt chất lượng.

Đá giúp tăng thêm sức chịu đựng cho bê tông. Hiện nay, các loại đá nhỏ có kích thước 20 x 25 mm, dạng hình khối, không lẫn tạp chất và ít thành phần hạt dẹt được sử dụng nhiều nhất.

Thép và xi măng là những thành phần không thể thiếu cho mỗi công trình. Cách tốt nhất để có sản phẩm chất lượng là chọn mua từ các thương hiệu uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, nên tham khảo thêm ý kiến của kiến trúc sư, người có kinh nghiệm.

5. Kiểm tra và nghiệm thu

Đối với bất cứ công trình nhà ở nào thì kiểm tra và nghiệm thu là công đoạn không thể bỏ qua. Thông qua việc này để đánh giá công trình có đảm bảo chất lượng hay không trước khi đưa vào sử dụng.

Việc kiểm tra không chỉ diễn ra khi hoàn thành công trình mà ngay trong suốt quá trình xây dựng. Việc này cần chú ý ở 2 tiêu chí là đúng và đủ. Trong quá trình kiểm tra, quan trọng nhất là kiểm tra khối lượng, chất lượng, quy cách và kiểu dáng ngôi nhà. Ngoài ra, nên chú ý đến các chi tiết tỉ mỉ như kiểm tra xem công tác xây có đúng thiết kế, lắp đặt có đúng kỹ thuật không.

Việc nghiệm thu phải được thực hiện với đầy đủ các hạng mục thi công từ bê tông, xây tô đến hệ thống kỹ thuật và hoàn thiện xem có đúng với yêu cầu thực tế, đúng với các tiêu chuẩn kỹ thuật và bản vẽ thi công chưa.

Lưu ý là việc nghiệm thu phải có mặt đầy đủ của các bên liên quan. Mặt khác, chủ nhà có thể giữ lại một phần tiền công để đảm bảo chất lượng công trình và ràng buộc trách nhiệm, phòng khi có vấn đề bất ngờ xảy xa.

  • Infographic: Bí quyết mua nhà lần đầu

    Infographic: Bí quyết mua nhà lần đầu

    CafeLand - Nhiều người trong chúng ta, mua nhà là chuyện không đơn giản. Với những người mua nhà lần đầu thì chắc hẳn lại càng nan giải hơn bởi có quá nhiều thứ phải cân nhắc và quá nhiều câu hỏi “bủa vây”. Những bí quyết sau sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm cho mình một ngôi nhà như ý.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.