CafeLand - Dư luận đang xôn xao vụ việc ông Nguyễn Hữu Khai (chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long) bị bắt vào ngày 15/6, có thể gọi đây là một sự kiện gây nhiều chấn động trong báo giới tuần qua, bởi ông Khai là người khá nổi tiếng và cuộc đời của ông đã được xây dựng thành phim.

Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên dư luận tiếp nhận những thông tin này, vì trước đó đã có hàng loạt sếp lớn phải làm việc với cơ quan điều tra.

Lợi dụng lòng tin rút tiền khách hàng

Trong tháng 1, nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, Ông Lê Hồ Khôi, Tổng giám đốc Chứng khoán Tràng An bị khởi tố và bắt tạm giam vì hành vi chỉ đạo nhân viên dưới quyền xác nhận khống các mã chứng khoán, hợp thức hóa hồ sơ nhận ủy thác đầu tư của khách hàng để vay và chiếm đoạt tiền ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (HabuBank, nay đã sáp nhập với Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội).

Ông Lê Hồ Khôi sinh năm 1961 tại Hải Dương và là tiến sĩ Kinh tế. Ông từng nắm nhiều trọng trách khác nhau ở Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Từ năm 2007- 2009, ông Khôi đảm nhiệm chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán Tràng An.

Sau khi thông tin ông Khôi bị bắt tạm giam, Ủy ban Chứng khoán cho biết các Sở giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký và các đơn vị có liên quan sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Trước tháng 10/2012, nhiều khách hàng của Chứng khoán Tràng An đã liên tục phản ánh về tình trạng chứng khoán và tiền trong tài khoản mở tại công ty biến mất mà không lý do. Khi làm việc với lãnh đạo Chứng khoán Tràng An, các nhà đầu tư mới phát hiện nhân viên công ty đã bán rất nhiều mã chứng khoán, đồng thời tự ý rút tiền trong tài khoản khách hàng.

Từ tháng 10/2012, Chứng khoán Tràng An đã bị chấm dứt tư cách thành viên và ngừng giao dịch tại hai Sở giao dịch Hà Nội và TP HCM, bao gồm cả sàn UPCoM. Trước đó, công ty đã ngừng mở tài khoản giao dịch chứng khoán mới cũng như ký thêm các hợp đồng giao dịch và chuyển danh sách khách hàng còn lại sang đơn vị tiếp quản khác.

Hoa hậu quý bà lừa đảo tài sản triệu đô

Trương Thị Tuyết Nga sinh năm 1961, nổi tiếng là một người phụ nữ “đẹp người, đẹp nết”. Bà từng đạt nhiều danh hiệu cao quý bà cao quý và hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư xây dựng Vũ Lan.

Những tưởng rằng thành công trong cuộc sống với nhiều danh hiệu cao quý bà sẽ trân trọng nâng niu, gìn giữ, ai ngờ trên con đường sự nghiệp của mình bà gặp không ít những tai tiếng, đáng kể nhất là vụ bắt giam vào ngày 27/4 vừa qua để điều tra về cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo như đơn tố cáo của bà Dương Mỹ Linh thì khoảng cuối năm 2007, đầu năm 2008, bà Nga ký hợp đồng vào bản ghi nhớ chuyển nhượng quyền sử dụng 30.000m2 đất dự án tại phường Bình Khánh, quận 2, TP, HCM cho bà Linh để thực hiện dự án đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại.

Theo thỏa thuận thì sau khi bà Nga nhận tiền cọc 2 triệu USD thì trong 2 tháng bà phải hoàn tất thủ tục các giấy tờ liên quan. Nhưng trên thực thế thì bà Nga không làm bất cứ việc gì và không có ý định trả lại tiền.

Thậm chí bà còn đem lô đất này thế chấp ngân hàng để vay ngân hàng, làm giấy ủy quyền cho con trai, sử dụng lô đất này chuyển nhượng cho nhiều người để chiếm đoạt tài sản với số tiền khủng lên đến 3,1 triệu USD, 170 tỷ đồng tiền ngân hàng (tính cả gốc lẫn lãi) vẫn không thanh toán.

Ngày 27/4, tại TP. Hồ Chí Minh, CQĐT Viện KSND Tối cao đã thực hiện lệnh khám xét, bắt bị can để tạm giam đối với Trương Thị Tuyết Nga về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tiền tỷ

Chiều ngày 15/6 tại TPHCM, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã bắt giam ông Nguyễn Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Công ty TNHH MTV - về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Xác minh ban đầu của cơ quan chức năng cho hay, trong thời gian ông Lộc giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hải sản Biển Đông đã làm mất vốn nhà nước lên tới 150 tỉ đồng.

Theo ghi nhận ban đầu Tổng Công ty Hải sản Biển Đông có công ty “con” là Công ty CP công nghiệp thủy sản (Seameco) do ông Lộc làm chủ tịch HĐQT. Năm 2007 công ty này đã tham gia góp vốn vào 2 công ty là Công ty CP Biển Tây và Công ty CP Aquafeed Cửu Long.

Do nắm giữ nhiều chức, nhiều quyền lực nên ông Lộc cùng các “cộng sự” đã gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể là Công ty CP công nghiệp thủy sản chuyển tiền về các Công ty CP Biển Tây, Công ty CP Aquafeed Cửu Long bằng cách ký hợp đồng bán nguyên liệu thức ăn nuôi cá nhưng không có văn bản báo cho HĐQT.

Việc này dẫn đến việc Công ty CP Aquafeed Cửu Long nợ Công ty CP công nghiệp thủy sản là 113 tỉ đồng (gồm nợ gốc và lãi suất) không có khả năng chi trả, bởi Công ty CP Aquafeed Cửu Long đã ngừng hoạt động hơn một năm nay và đang chờ làm thủ tục phá sản.

Theo sổ sách kế toán, đến cuối năm 2011, tổng số nợ phải thu của Công ty CP Aquafeed Cửu Long là hơn 135 tỉ đồng, nhưng tổng số nợ phải trả lên đến gần 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra ban đầu, đây mới chỉ là phần xác định được, còn số tiền 800 tỷ đồng việc mua bán giữa 3 công ty vẫn chưa được làm rõ.

Ngoài ra, Tổng Công ty Hải sản Biển Đông còn cho Công ty CP Công nghiệp Thủy sản vay gần 21 tỉ đồng nhưng thủ tục cho vay không đầy đủ và không hợp pháp, khoản nợ này hiện tại cũng không có khả năng thu hồi.

Ông Lộc và tay chân của mình đã bất chấp quy định của Nhà nước, tự ý giảm tỉ lệ vốn nhà nước từ 59% xuống còn 46% tại Công ty CP Công nghiệp Thủy sản. Việc giảm vốn này dẫn đến Nhà nước không còn chi phối, nên Công ty CP Công nghiệp Thủy sản hoạt động chệch hướng chiến lược của Tổng Công ty, kéo theo nhiều sai phạm nghiêm trọng khác.

Việc ông Lộc bị bắt tạm giam, dư luận hy vọng cơ quan điều tra sẽ mở ra nhiều “khoảng tối” khác đang gây bức xúc dư luận trong Tổng Công ty Thủy sản VN hiện nay.

Bán cả thương hiệu vì... nợ nần

Vụ việc ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long bị bắt vào ngày 15/6 có thể gọi là một sự kiện gây nhiều chấn động vì số tiền không chỉ liên quan đến hàng trăn tỷ đồng, mà đây còn là 2 thương hiệu nổi tiếng của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Khai từng là tiến sỹ là thầy thuốc có tiếng trong ngành y dược gắn liền với thương hiệu Bảo Long. Tập đoàn Bảo Long nổi tiếng sở hữu nhiều doanh nghiệp có quy mô với phạm vi kinh doanh rộng như bệnh viện, trường học…Tuy nhiên ngày càng mở rộng ông Khai càng lao vào đầu tư dàn trải, ôm đồm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình kinh tế kiểu Bảo Long.

Do thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, để thanh toán chi phí sản xuất, trả lương cho cán bộ, nhân viên, công nhân, Bảo Long chấp nhận đi vay tiền với lãi suất cao. Sau đó ông Khai tiếp tục tiến hành huy động vốn dưới hình thức "cổ đông góp vốn" để thu tiền của nhiều cá nhân, tự quản lý ngoài sổ sách kế toán.

Khó khăn chồng chất, không đủ khả năng thanh toán các khoản vay buộc Bảo Long phải bán cổ phần. Cụ thể là ngày 3/3/2011, ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long và ông Nguyễn Trường Sơn- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Sơn đã ký kết hợp đồng “chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm”.

Theo đó, Tập đoàn Bảo Long phải chuyển nhượng cho Tập đoàn Bảo Sơn 100% vốn cổ phần gồm toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm với tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ ông Nguyễn Hữu Khai cho rằng Bảo Sơn đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Tập đoàn Bảo Sơn đã quyết định thay đổi giấy phép kinh doanh của Bệnh viện Bảo Long và đổi tên thành Bệnh viện Bảo Sơn, thay đổi toàn bộ thành viên HĐQT của bệnh viện... Ông Khai “tố" Tập đoàn Bảo Sơn đã vi phạm nghiêm trọng những điều ký kết trong hợp đồng và còn nợ của Tập đoàn Bảo Long tới 125 tỷ đồng.

Nhưng thực chất việc hợp tác giữa Bảo Long - Bảo Sơn, về danh nghĩa, Bảo Sơn đích danh làm Chủ tịch HĐQT; Về tài chính, Bảo Sơn mua nhưng lại chưa trả hết tiền, đồng thời lại cho vay lấy lãi, kèm theo là những cam kết, thế chấp.

Tuy nhiên, khác với ông Khai, ông Sơn cho rằng, đây là một vụ mua bán đàng hoàng, đúng pháp luật. Hiện vụ việc tranh chấp này đang được cơ quan chức năng làm rõ nhưng theo Luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty luật Bảo An cho rằng: Hợp đồng giữa Bảo Long - Bảo Sơn là hợp đồng có giá trị lớn hơn 227 tỷ đồng, nhưng toàn bộ nội dung chỉ được thể hiện chưa đến 6 trang giấy thì quá đơn giản và sơ sài. Hợp đồng không có điều khoản nào quy định về hành vi nào bị coi là vi phạm hợp đồng mà phải chịu phạt ra sao, phải khắc phục thế nào…

Từ vụ việc này có thể thấy, thói quen làm việc của người Việt trong làm ăn kinh doanh theo cảm tính, bất cẩn chính vì thế mới dẫn đến những hậu quả thật đáng tiếc và không đáng có. Đây là một bài học rất lớn cho doanh nghiệp Việt trong thời buổi kinh tế hội nhập.

Gia Bảo (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chuyện dài về “hình sự hóa tranh chấp kinh tế”

    Chuyện dài về “hình sự hóa tranh chấp kinh tế”

    05/07/2013 2:42 PM

    Trong mọi nhu cầu của con người, an toàn vẫn luôn là một nhu cầu rất căn bản, và con người - doanh nhân không phải là ngoại lệ. Trải nghiệm tù đày, hay nhẹ hơn, “đáo tụng đình” hình sự, là điều không ai muốn.

  • Điểm danh sếp lớn dính chàm nửa đầu năm 2013

    Điểm danh sếp lớn dính chàm nửa đầu năm 2013

    20/06/2013 8:53 AM

    CafeLand - Dư luận đang xôn xao vụ việc ông Nguyễn Hữu Khai (chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long) bị bắt vào ngày 15/6, có thể gọi đây là một sự kiện gây nhiều chấn động trong báo giới tuần qua, bởi ông Khai là người khá nổi tiếng và cuộc đời của ông đã được xây dựng thành phim.

  • Khám xét tập đoàn Bảo Long

    Khám xét tập đoàn Bảo Long

    17/06/2013 8:56 PM

    Hơn 12h30' hôm nay, Cơ quan An ninh điều tra Hà Nội hoàn tất việc khám xét nơi từng là trụ sở chính của tập đoàn y dược Bảo Long tại thị xã Sơn Tây. Nhiều tài liệu thu giữ được chuyển ra xe công vụ.

  • Chủ tịch Bảo Long: Lăn lộn làm giàu... đến bị bắt giữ

    Chủ tịch Bảo Long: Lăn lộn làm giàu... đến bị bắt giữ

    16/06/2013 9:10 PM

    Tính đến ngày 16/1/2012, ông Khai đã huy động vốn của 265 người với tổng số tiền hơn 83 tỉ đồng mà không có khả năng chi trả.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.