Cập nhật 16/10/2014 10:12 PM
Chính hội là nguồn cảm hứng lớn để ông xây dựng tinh thần cho Nhà Vui, nỗ lực cùng doanh nghiệp đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.

Ông Nguyễn Thu Phong - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhà Vui, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM.

Gia đình, doanh nghiệp, công tác hội là ba khía cạnh hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi sự hy sinh và tinh thần trách nhiệm, sự dấn thân bền bỉ. Với ông Nguyễn Thu Phong - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhà Vui, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM, đó là những trải nghiệm thú vị hoàn toàn khác biệt.

Chính hội là nguồn cảm hứng lớn để ông xây dựng tinh thần cho Nhà Vui, nỗ lực cùng doanh nghiệp đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.

Là người cầu thị, công tâm, không lồng ghép lợi ích cá nhân, ông đã được bạn bè yêu quý và tôn trọng, bầu làm Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM của những người trẻ đầy khát vọng.

Kể từ sau đổi mới, sự khởi sắc của nền kinh tế đã hình thành một đội ngũ doanh nhân tâm huyết, nhìn nhận của riêng anh về sự trưởng thành của đội ngũ dân doanh?

Thế hệ doanh nhân trẻ TP.HCM hiện nay tạm chia ra thành ba giai đoạn. Thế hệ thứ nhất hình thành ngay sau đổi mới giai đoạn từ những năm đầu thập niên 90, thế hệ thứ 2 bắt đầu từ năm 2000.

Đây là thế hệ rực rỡ, ra đời trong giai đoạn khởi sắc của kinh tế Việt Nam, phát triển kéo dài 7-8 năm tốt đẹp, khởi nghiệp đúng lúc, được mọi ưu đãi của nền kinh tế, của thời kỳ tăng trưởng cao.

Nhóm thứ ba tham gia môi trường kinh doanh từ 2008 đến nay, được kế thừa làn sóng cuối cùng khả năng tích lũy vốn, xuyên qua được cơn bão khủng hoảng tài chính và trụ được đến nay.

Mỗi thế hệ cách nhau không xa, chỉ khoảng 10 năm về tuổi đời, tuổi doanh nghiệp, nhưng là những phiên bản hoàn toàn khác nhau, ngưỡng trưởng thành khác hẳn. Đi xuyên qua những giai đoạn cực kỳ đặc thù, tồn tại được tới giờ này là vô cùng quả cảm.

Cách đây 5-7 năm, gặp gỡ doanh nhân nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, họ rất ngưỡng mộ những doanh nhân trẻ, chí thú làm ăn, năng động tồn tại và vươn lên. Nói một cách khác, đó là sức rướn của nền kinh tế trẻ mà các bạn doanh nhân được lợi và tận dụng các cơ hội

Nhưng bao thử thách, bất trắc của kinh tế vĩ mô và khủng hoảng tài chính thế giới đã làm tổn thương không nhỏ đến đội ngũ này?

Trải qua khô hạn kéo dài do những bất ổn từ tình hình kinh tế thế giới, các vấn đề đặc thù khó khăn của kinh tế Việt Nam như lạm phát cao giai đoạn 2008 - 2011, lãi suất lên cao, nếu sau đó không có sự quyết liệt của Chính phủ giảm lạm phát lãi suất thì nguy cơ cả ba thế hệ doanh nhân trên đều sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Đó là một trách nhiệm lớn của đất nước.

Chúng ta không thể phung phí, làm nhụt chí các lớp doanh nhân này, cái giá phải trả rất lớn. Tìm đâu ra thế hệ trẻ nỗ lực, khát vọng như thế. Xây dựng lại khó lắm.

Trải qua những thời khắc ngặt nghèo như thế, tự họ bắt buộc phải thích ứng, điều tiết. Nói tái cấu trúc rất đúng, nhưng phổ biến hơn là tất cả đều phải điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, tư tưởng, tái nhận thức, điều chỉnh của doanh nghiệp, sâu rộng hơn là tái cấu trúc một cách căn cơ doanh nghiệp.

Cách đây mấy năm, các nhà báo thưởng hỏi tôi: Anh dự đoán thị trường bất động sản bao giờ ấm lại? Tôi phản biện, không nên ngồi đó mà cầu trời, chẳng có các làn sóng nào dễ dàng như trước kia cả. Không thể làm kinh doanh trong tâm trạng chờ đợi. Phải làm kinh doanh trong tình trạng tăng trường thấp.

Nhật Bản sau 3 thập niên tăng trưởng thấp từ những năm 80, nay vẫn phải nỗ lực nhờ thị trường mới mở tại châu Á và toàn cầu để tiếp tục tăng trưởng cho doanh nghiệp của họ. Cuộc đua đường dài xuất hiện rõ ràng, không thể chờ đợi chớp thời cơ, dự án, khe hở chính sách…chỉ có doanh nghiệp thực sự dám đầu tư dài hạn, dám trả giá mới trụ vững tương lai

TPP được ký kết đang mở ra cơ hội rất lớn về thị trường, nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà?

Làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) đang diễn ra rất ổn định và dài hạn. Hội nhập hai chiều, ra và vào, chống chọi đúng là thách thức ghê gớm. Nhưng rất nhiều doanh nhân chưa nhận thức sâu sắc về hàng rào, kênh phân phối. Mảng nào mà đối thủ quan tâm là chúng ta bắt đầu thua, như hệ thống bán lẻ, kênh phân phối.

Mở ra hệ thống rạp chiếu phim, các chuỗi thức ăn nhanh… cuối cùng phải bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mất bao nhiêu công sức đặt nền móng bước đầu lại phải bán lại, xót xa biết bao khi người tiêu dùng sau này sẽ được chăm sóc, và bị lệ thuộc kinh doanh bởi các thương hiệu quốc tế…

Dòng chảy này áp lực lên tất cả doanh nghiệp. Chống chọi và giữ sân nhà, các doanh nghiệp tự phá giá lẫn nhau, phá giá thị trường… hóa ra việc kinh doanh ở Việt Nam trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều.

Nhưng may quá không ai hỏi bao giờ thị trường nóng lên. Ai cũng biết đừng kỳ vọng câu đó. Ấm lại cũng là một cảm nhận tốt rồi. Đã thấy sự tái đầu tư hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường trở lại của một số doanh nhân, không như giai đoạn 2011 - 2012, ai cũng đóng cửa, chán nản. Ít nhất về mặt chủ động, doanh nhân đã quyết định đứng lên và tái khởi sự, không bị động, tất nhiên thế chủ động vẫn còn rất yếu, rất mong manh trong hội nhập.

Đi nhiều, thấy nhiều, quan sát thị trường khu vực ASEAN, ông đánh giá thế nào về sự chuyển động của họ trước vận hội này?

Tham dự các diễn đàn kinh tế thế giới và khu vực, gặp gỡ các cộng đồng doanh nhân, tôi thấy các nước bạn hội nhập tốt hơn, năng động hơn. Hết sức bất ngờ với Campuchia, Lào, Myanmar, doanh nhân chuẩn bị tư thế hội nhập rất nghiêm túc.

Chúng ta không thể ỷ có thị trường 90 triệu dân, nên nhớ độ cạnh tranh thị trường này khốc liệt hơn. Việc đầu tư mở rộng sản xuất mới chi phí đầu tư, marketing, truyền thông đắt hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây. Những cơ hội đã qua không bao giờ lặp lại.

Nhà Vui cũng đã từng chạm đến vinh quang, từng phạm sai lầm khi đầu tư ngoài năng lực lõi…

Kiếm dễ quá nên cũng xài thoáng quá. Đôi lúc chao đảo ghê gớm vì sức cạnh tranh doanh nghiệp kém đi, cũng thỏa hiệp, từ bỏ giá trị cốt lõi.

Nhà Vui cũng đã tiếp cận một số mô hình đầu tư bất động sản và các loại hình kinh doanh khác, nhưng cũng chưa thành công, và phải quay về, tái cấu trúc tập trung vào cốt lõi. Thiết kế thi công nhà ở vẫn là niềm tin tưởng lớn từ các khách hàng truyền thống nuôi dưỡng chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua

Nhưng tôi tin vào uy tín nghề nghiệp, chất lượng sáng tạo của một tập thể kiến trúc sư, dịch vụ hoàn hảo với khác biệt về chất lượng. Cũng tiếc đứt ruột khi khách hàng rời bỏ, nhưng phải giữ vững giá trị, tin tưởng vào sự khác biệt con đường mình theo đuổi, không thể giảm giá miễn phí rẻ mạt rồi gian dối hy vọng thu lợi từ các dịch vụ khuất tất sau đó.

Nghề kiến trúc sư đang đứng trước bão tố, sa sút nhiều về phẩm giá. Chỉ có một bí quyết là động viên nhau tinh thần vượt khó và sự yêu nghề, đó là câu chuyện thường nhật của anh em. Còn mơ ước sống cuộc sống dễ dàng hơn thì không có đất cho ước mơ bền bỉ với nghề.

Thậm chí hợp đồng có thể lỗ và đang lỗ, nhưng tác phẩm ngôi nhà là giá trị lớn hơn, khi họ cháy hết mình như vậy, không kỳ nèo, đòi hỏi, yêu mến tác phẩm, là món quà họ tự thưởng cho mình, thì khách hàng sẽ cảm nhận được.

Sự công tâm của khách hàng sẽ giúp tạo thêm những tác phẩm đẹp. Nghiệp kinh doanh như uống doping để tồn tại và cống hiến, kiên quyết bảo vệ môi trường trong sáng khi nghề, tạo giá trị cho cuộc sống từ công việc hàng ngày. Đó chính là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Qua những mất mát, cách làm bây giờ cẩn trọng hơn. Chúng tôi có thương hiệu, và rất trân trọng những gì đã có, trở lại với thế mạnh cốt lõi. Mấy năm qua tái cấu trúc Nhà Vui, tôi thấy đây là công cuộc rất dài, rất cam go.

Ngay chính trong nhà muốn thay đổi cũng rất phức tạp, tôi không dám làm liệu pháp sốc. Không chỉ giám đốc mà từng nhân viên phải duy trì để tồn tại, tăng cường năng lực cạnh tranh.

Quan sát những người làm dịch vụ, vài năm sau lại thấy họ đi buôn cái khác. Còn những người cố đấm ăn xôi một cách máu lửa với một ngành của mình, sẽ trụ lại như một sự tưởng thưởng cho lòng kiên định. Thị trường bất động sản Việt Nam không có chỗ cho người kém cỏi. Tất cả những giá trị gia tăng phải đưa vào sản phẩm mới bán được hàng, lăn xả vào nghề.

Là người dẫn đầu cũng có lúc nản chí, anh đã tự vượt qua như thế nào?

Kể cả lúc nản chí nhất, doanh nhân cũng là người hết sức bình thường, chỉ khác là người chịu trách nhiệm và dấn thân vào quyết định của mình lớn hơn không chỉ với bản thân mà với tập thể. Phải cân bằng và nuôi dưỡng những nguồn lực bản thân.

Sa sút, không biết bấu víu vào đâu, khó khăn ghê gớm để khôi phục lại sức mạnh tinh thần và vật chất để vực lại. Không có mẫu số chung cho mọi người, tôi nghĩ nếu viết lại lịch sử kinh tế Việt Nam sẽ rất thú vị… Bây giờ cần nhất là niềm tin.

Đất nước đang phát triển ở tầm cao mới. Có thể nghỉ ngơi, lánh mặt, nhưng không thể làm lại được thời khắc lịch sử đã đi qua, không thể từ bỏ những gì khởi đầu. Có sự bền bỉ không nhỏ trong thời điểm đó. Tôi rất vui khi thấy một anh doanh nhân khỏe mạnh xuất hiện trở lại với bạn bè. Sự đứng vững của các anh sẽ là sự khích lệ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nhân rất quý giá.

Xin cảm ơn ông!

Kim Yến (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.