Bất kỳ sự thay đổi nào trong mối quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước lớn, các cường quốc kinh tế cũng sẽ có những tác động mạnh mẽ lên các mối quan hệ kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng.

Trung Quốc "quyến rũ” châu Âu

Ngày 4/7, trong các cuộc họp tại Brussels, Berlin và Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc đã đề xuất thành lập khối đồng minh kinh tế giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU), đồng thời mở cửa thị trường Trung Quốc hơn cho các nhà đầu tư châu Âu. Một đề xuất khác của Trung Quốc là Trung Quốc và EU cùng phối hợp hành động chung để chống lại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngày 9/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tổ chức đối thoại và nhấn mạnh đến cam kết về hệ thống thương mại đa phương trước những tranh chấp mới nổ ra với Mỹ. Hai nhà lãnh đạo này đã ký hàng loạt thỏa thuận thương mại với giá trị khoảng 20 tỷ euro.

Bà Merkel cũng khen ngợi việc Bắc Kinh nới lỏng quy định cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời khẳng định việc nhìn thấy thị trường Trung Quốc mở cửa không chỉ ở lời nói mà là hành động.

Trước đó, vào ngày 11/6, tại cuộc họp của nhóm G7 ở Canada, các nền kinh tế châu Âu mà đứng đầu là Đức đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc ông này đơn phương áp đặt hàng rào thuế quan lên hàng hóa của nhiều nước. Gần đây nhất châu Âu và Canada đã có các biện pháp trả đũa thương mại Mỹ. Có vẻ như trong cuộc chiến thương mại lần này, châu Âu, Trung Quốc và thậm chí là Canada đứng ở cùng một chiến tuyến để đối đầu với Mỹ.

Có lẽ nhận thấy được điều này mà Trung Quốc gần đây ngày càng gia tăng hợp tác với các nước châu Âu và sử dụng thị trường khổng lồ trong nước để ra sức quyến rũ những đối tác thương mại lâu đời của Mỹ đứng về mình. Mặc dù những thông tin ban đầu cho thấy EU từ chối hợp tác cùng Trung Quốc chống lại Mỹ, tuy nhiên không ai biết được sắp tới điều gì sẽ xảy ra, khi mà các chính sách ngoại giao của ông Trump có vẻ như không được lòng EU hơn bao giờ hết.

Mỹ dọa "bỏ rơi" NATO

Trong khi Trung Quốc ra sức quyến rũ EU, thì Mỹ lại có dấu hiệu muốn kéo Nga xích lại gần. Ngày 16/7, cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra tại Helsinki, Phần Lan. Chủ đề chính của cuộc gặp là vấn đề Syria và Ukraina, tuy nhiên theo giới quan sát thì chính việc đánh giá tình trạng hiện tại cũng như triển vọng cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ trong thời gian tới mới là nội dung quan trọng và được chú ý nhiều nhất.

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã xấu đi từ sau cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina và càng trở nên trầm trọng với cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như cuộc chiến tại Syria. Nhiều đòn trừng phạt kinh tế và ngoại giao đã được cả Mỹ lẫn EU triển khai để chống lại Nga, ngược lại Trung Quốc lại tận dụng cơ hội này để thắt chặt mối quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, mọi thứ có thể thay đổi. Khả năng Mỹ tìm cách kéo Nga xích lại gần hơn và cũng để cô lập Trung Quốc bên cạnh việc gia tăng các đòn trừng phạt thương mại thông qua áp đặt hàng loạt hàng rào thuế quan. Trước đó, tại cuộc họp G7 diễn ra hồi tháng 6, Tổng thống Trump không giấu giếm ý muốn đưa Nga quay trở lại nhóm G7.

Bàn cờ chính trị thế giới có thể sắp chuyển sang một bước ngoặt. Liên minh Mỹ - EU đối đầu với Nga và Trung Quốc có thể sẽ có sự thay đổi khi Trung Quốc lôi kéo châu Âu và Mỹ lại lạnh nhạt với đồng minh lâu đời này để tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Nga.

Ngược lại với mong muốn cải thiện quan hệ với Nga, ông Trump liên tiếp có các hành động và tuyên bố đe dọa khối NATO - đồng minh quân sự lâu đời và thân cận nhất qua các đời tổng thống Mỹ. Cụ thể trước cuộc họp diễn ra với Nga, ông Trump đã có các cuộc họp với giới lãnh đạo quốc gia trong khối NATO.

Và kết quả cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và NATO đang ngày càng xấu đi, khi trong hội nghị thượng đỉnh với NATO, ông Trump đe dọa Mỹ có thể "bỏ rơi" NATO và tuyên bố các quốc gia châu Âu cần phải tăng chi tiêu quốc phòng nhiều hơn chứ đừng tiếp tục dựa dẫm vào Mỹ.

Ông Trump cũng đã hủy bỏ hàng loạt cuộc gặp với các lãnh đạo quốc gia khác trong khối NATO như Tổng thống Romania Klaus Iohannis, lãnh đạo Azerbaijan, cũng như lãnh đạo Ukraina và Gruzia - những quốc gia vốn không được lòng Nga.

Hệ quả từ bàn cờ chính trị bất ổn

Những diễn biến trên một lần nữa cho thấy bàn cờ chính trị thế giới có thể sắp chuyển sang một bước ngoặt. Liên minh Mỹ - EU đối đầu với Nga và Trung Quốc có thể sẽ có sự thay đổi khi Trung Quốc lôi kéo châu Âu và Mỹ lại lạnh nhạt với đồng minh lâu đời này để tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Nga.

Ở một ẩn số khác là sự thay đổi trong chính sách gần đây của CHDCND Triều Tiên. Nếu như chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump ngày càng trở nên khó lường, thì chính sách của CHDCND Triều Tiên cũng không có sự nhất quán như nhiều người mong đợi và vì vậy rủi ro hạt nhân tại bán đảo này vẫn hiện hữu và đe dọa toàn cầu.

Dù là gì đi nữa, bất kỳ sự thay đổi nào trong mối quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước lớn, các cường quốc kinh tế trên thế giới cũng sẽ có những tác động mạnh mẽ lên các mối quan hệ kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo các cường quốc hiện nay đều là những người ít khi nhượng bộ và sẵn sàng sử dụng những biện pháp khó lường để đạt được mục đích.

Và trong bối cảnh không có gì chắc chắn như hiện nay, bên cạnh những rủi ro ngày càng gia tăng thì những tài sản an toàn như vàng, trái phiếu Mỹ, USD, yên Nhật hay franc Thụy Sĩ sẽ là nơi mà các nhà đầu tư e ngại rủi ro tìm đến.

Ngược lại, những tài sản có tính rủi ro cao như chứng khoán, các thị trường tài sản và đồng nội tệ của những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức suy giảm trước dòng vốn tháo chạy.

Lê Phan (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • 10 nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới

    10 nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới

    11/12/2019 2:20 PM

    Ở tuổi 34, Sanna Marin vừa trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới sau khi được bầu làm nhà lãnh đạo Phần Lan. Tuổi tác và con đường chính trị của Marin, cộng thêm việc bà mới sinh con, khiến nhiều người liên tưởng và so sánh với nữ thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, 39 tuổi.

  • Bàn cờ chính trị thế giới có thể thay đổi

    Bàn cờ chính trị thế giới có thể thay đổi

    21/07/2018 8:03 PM

    Bất kỳ sự thay đổi nào trong mối quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước lớn, các cường quốc kinh tế cũng sẽ có những tác động mạnh mẽ lên các mối quan hệ kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng.

  • Thủ tướng Anh đứng đầu top 50 người ảnh hưởng nhất thế giới

    Thủ tướng Anh đứng đầu top 50 người ảnh hưởng nhất thế giới

    23/09/2016 2:57 PM

    Bloomberg vừa công bố danh sách 50 nhân vật có ảnh hưởng nhất thị trường tài chính toàn cầu năm 2016. Điểm đáng chú ý là danh sách này không chỉ ghi nhận tên tuổi của các doanh nhân mà còn có rất nhiều chính trị gia, những người đưa ra các quyết sách có thể tác động mạnh mẽ đến tài chính thế giới.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.