Có một chỗ an cư ổn định lâu dài là nhu cầu tất yếu mà ai cũng mong muốn. Người có thu nhập cao thì dễ, còn đối với người có thu nhập trung bình thì sự lựa chọn không nhiều. Với một số ưu điểm, trong đó nổi bật là giá rẻ, thì chung cư mini có khi là sự lựa chọn có vẻ hợp lý. Thế nhưng, thực tế lại không hẳn như vậy...

Bài 1: Sai phạm được dung túng, chủ đầu tư làm liều?

Với những người lao động có mức thu nhập khiêm tốn thì các căn hộ được xây khép kín trong cùng một tòa nhà có nhiều tầng (thường gọi tắt là chung cư mini) luôn có "sức nóng" với không ít người. Với khá nhiều lợi thế, những căn hộ đó vẫn được người mua săn đón. Tuy nhiên, để kiếm lời nhiều chủ đầu tư sẵn sàng vi phạm các quy định về trật tự xây dựng và giăng bẫy người mua bằng nhiều chiêu "câu" khách. Thực trạng này đặt ra câu hỏi lớn: Ai bảo kê cho hàng loạt các vi phạm? Trách nhiệm của các cấp chính quyền được đặt ở đâu?

Công trình xây vượt tầng tại đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1 không bị xử lý mặc dù hồ sơ đã được thiết lập.


Bất chấp sai sót, vẫn "chém gió" câu khách

Không khó để có thể nhận biết dấu hiệu nhà chung cư (CC) mini vì "mọc" lên giữa khu dân cư là những ngôi nhà cao vọt với áo quần phơi tứ bề. Khác với các CC thương mại, CC mini thường xuất hiện trong các ngõ, ngách, tập trung nhiều nhất ở các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… Chính vì ở trong nội đô, giá cả phù hợp với người lao động có mức thu nhập trung bình nên phần lớn CC mini xây đến đâu là có người đặt tiền mua đến đó.

Trong vai người đi tìm mua căn hộ CC mini, phóng viên Báo Hànộimới đã tiếp cận được với nhiều chủ công trình; đôi khi tiếp xúc với cả các "cò" là người bảo vệ cho tòa nhà (đồng thời cũng là người môi giới mua bán căn hộ)… Rất tự tin, ông chủ tên H. ở tòa nhà số 300 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) khẳng định: Căn hộ xây ở tầng sai phép sẽ tách được sổ hồng, nhưng phải làm đợt sau, khi chủ đầu tư đã làm xong các thủ tục nộp phạt để được tồn tại. Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ người mua nhà 10 triệu đồng để tách sổ. Để được xây sai phép thì phải "bôi trơn"!
Tương tự, chủ đầu tư tòa nhà 8 tầng tên Ng. ở phố Trung, phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm) thừa nhận: Giấy phép xây dựng (GPXD) của công trình cho phép xây 6 tầng và 1 lửng, diện tích mặt bằng là 240m2 trên tổng diện tích thửa đất 398m2. Tuy nhiên, thực tế tòa nhà đã xây 8 tầng, mỗi sàn gồm 7 căn hộ có giá từ hơn 900 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/căn. Người mua nhà sẽ được bảo đảm quyền lợi đến cùng, chủ nhà sẽ giúp để làm thủ tục nhập hộ khẩu được thuận tiện…
Khi phóng viên tỏ ý e ngại về việc mua căn hộ ở tầng xây dựng không có giấy phép, bà chủ nhà trấn an: "Giá một căn hộ ở tầng không có GPXD rẻ hơn các tầng có phép 100 triệu đồng. Không phải tự nhiên mà chị xây thêm được tầng này, họ đã để chị xây có nghĩa là đã ngầm cho mình được tồn tại. Em mua nhà ở tầng xây sai phép nhưng đố ông nào đến đuổi được? Khi mua bán sẽ có văn phòng công chứng xác nhận việc mua bán...". Thậm chí, người phụ trách tòa nhà ở số 15, ngõ 73, đường Hoàng Ngân, phường Nhân Chính (Thanh Xuân) còn "chém gió": "Tòa này 9 tầng, trong đó hai tầng trên cùng không có giấy phép. Khi mua có hợp đồng công chứng, khi nhập hộ khẩu thì chỉ ghi là căn hộ ở tầng 6, 7 (là tầng có phép mới nhập được hộ khẩu - PV). Tôi nhập khẩu cho vài trường hợp rồi, không có công an nào kiểm tra thực tế đâu…".
Ngõ 2 đường vào Trường Đại học Hà Nội (phường Trung Văn), tuy nhỏ nhưng có đến 2 công trình xây dạng chung cư mini.

Đình chỉ nhưng… vẫn hoàn thiện

Theo quy định, khi xây dựng chung cư phải lập dự án, phải tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai, TTXD… rất chặt chẽ và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư CC mini tìm cách lách luật làm liều, thường xin cấp phép xây dựng dưới dạng nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở kết hợp văn phòng. Tuy nhiên, trên thực tế là các căn hộ riêng biệt khép kín nằm chung trong một tòa nhà nhiều tầng. Phần lớn các công trình chỉ được cấp phép xây 6, 7 tầng, nhưng đều xây vượt lên 8, 9 tầng. Tiếp cận với các tòa nhà kiểu này, chúng tôi nhận thấy chủ công trình không giấu giếm phần xây dựng sai phép (về mật độ xây dựng, vượt tầng), đồng thời khoe đủ các kiểu "quan hệ" và "kinh nghiệm" để công trình sai phép có thể tồn tại được.

Không chỉ những CC mini có vị trí ở mặt phố, nhiều nhà trong các ngõ hẹp, chiều ngang chỉ khoảng 2m cũng ngang nhiên chồng 8, 9 tầng mà không hề bị cơ quan chức năng nào "sờ" đến. Thực trạng này khiến quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng xã hội bị phá vỡ và dân số vượt tầm kiểm soát. Nhưng, dường như chỉ những người dân đang sinh sống ở những khu vực này mới lo lắng về những cái "vỡ" đó, còn cơ quan chức năng vẫn đứng ngoài cuộc hoặc bàng quan, thiếu trách nhiệm. Những công trình có dấu hiệu phá vỡ quy hoạch nêu trên có thể "điểm mặt" tại phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) với tòa nhà có 9 tầng nổi, 1 tầng hầm xây trên diện tích 70m2, mỗi tầng gồm 2 căn hộ ở ngách 25, ngõ 106, thôn Trung Văn; tại ngõ 2 đường vào Trường Đại học Hà Nội, cũng có 2 công trình 8 tầng liền nhau và đều ở dạng xây dựng sai phép, vượt tầng. Tại phường Khương Đình (Thanh Xuân) có 2 công trình ở số 95, 97 ngõ 358 phố Bùi Xương Trạch. Mặc dù con ngõ chỉ dài khoảng vài chục mét nhưng riêng hai CC này đã "đẻ" khoảng 80 căn hộ! Cách đó không xa, một công trình ở ngách 29/6 phố Khương Hạ cũng xuất hiện một tòa nhà 8 tầng với khoảng 30 căn hộ, trong khi bề ngang của ngách chỉ rộng chừng 2m và người dân đã phản đối việc cấp phép xây dựng của UBND quận Thanh Xuân ngay từ khi công trình bắt đầu đổ móng.

Những CC nêu trên thường được xây dựng trên đất đã được cấp sổ đỏ, được cấp phép xây dựng. Song, cũng có những trường hợp "ngoại lệ" xây trên đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuộc khu vực đã được quy hoạch cho dự án. Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 thừa nhận: Công trình tại số nhà 300 đường Mỹ Đình hiện đang xây vượt 1 tầng so với giấy phép xây dựng nhưng không sai về mật độ. Công trình này đã bị lập biên bản vi phạm TTXD, đã bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng và hồ sơ vi phạm đã được gửi đến UBND quận Nam Từ Liêm từ khoảng tháng 3 hoặc tháng 4-2014… Nhưng đến nay chưa có quyết định cưỡng chế; còn công trình ở ngõ 5 đường Tân Mỹ vi phạm từ khoảng năm 2010, nhưng cán bộ phụ trách đi vắng nên chưa cung cấp được thông tin (!?).

Được biết, các công trình trên đều bị chính quyền sở tại lập biên bản, ra quyết định đình chỉ và hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ… nhưng cuối cùng vẫn hoàn thiện chót lọt. Đáng nói là nhiều chủ đầu tư "khoe" phải biết "bài" thì mới xây được vượt tầng và phần xây dựng sai phép đó đã "nuôi" một số cán bộ (!?). Vì sao các vi phạm lại được tồn tại, ai "chống lưng" cho những trường hợp này và những vi phạm đó đã được "dẫn đường chỉ lối" như thế nào? Không lẽ câu hỏi này không có lời giải?
Nhóm PV (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.