Huy động vốn và cho vay của các ngân hàng có trụ sợ chính tại TPHCM tăng trưởng khá tốt. Ảnh minh họa: Kinh Luân
Tại buổi gặp gỡ giữa đại biểu quốc hội TPHCM với các ngân hàng trên địa bàn TPHCM hôm nay (12-5) trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (dự kiến diễn ra vào 20-5-2015), ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tỷ lệ nợ xấu trong 4 tháng đầu năm có tăng nhẹ so với cuối năm 2014, lên 5,53%. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 (tức khả năng mất vốn cao - PV) chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu. (Mục tiêu của NHNN đưa ra là đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về 3% vào cuối năm 2015).
Theo ông Minh, nợ xấu chủ yếu nằm ở ngân hàng liên doanh và các công ty tài chính. Riêng nợ xấu của 12 ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại địa bàn TPHCM là 2,45%, còn tỷ lệ nợ xấu 5,53% là của toàn bộ các tổ chức tín dụng ngân hàng và phi ngân hàng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, nợ xấu phát sinh cũng do một số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ngừng hoạt động gần đây.
Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng TPHCM bắt đầu tăng từ cuối năm 2014, chủ yếu do một số ngân hàng hoạt động yếu kém, như Ngân hàng TMCP Xây Dựng (VNBC) và một số vụ án lớn, như vụ liên quan đến Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (TPHCM), cũng khiến nợ xấu tăng thêm 10.000 tỉ đồng.
Thêm vào đó, với việc thực hiện chỉ thị 02 của NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, yêu cầu lấy thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để phân loại nợ cũng khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên, vì khi qua CIC, nếu doanh nghiệp có một khoản nợ bị xếp vào nợ xấu, thì các khoản vay còn lại của doanh nghiệp cũng bị xem là nợ xấu.
Theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, đã là ngân hàng thì bao giờ cũng có nợ xấu, chủ yếu tỷ lệ là bao nhiêu, và phải xem lại nợ xấu bắt nguồn do đâu. Ngân hàng cho doanh nghiệp vay để sản xuất, bán hàng trong nước hay xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp bán hàng không được, nên càng xuất càng lỗ. Do đó, để giải quyết nợ xấu, không chỉ đòi hỏi vai trò của ngân hàng mà còn của các ngành khác, nên các bộ ngành khác cũng phải chung tay, như tạo đầu ra cho sản phẩm, ông Trung nói.
Nợ xấu có tăng, nhưng tình hình huy động vốn và cho vay của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM trong 4 tháng đầu năm nay được đánh giá là có nhiều dấu hiệu tích cực. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, huy động vốn tăng 1,91%, lên hơn 1,3 triệu tỉ đồng, chủ yếu do tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng rất nhanh - tăng 6% trong 4 tháng đầu năm và chiếm 55% trong tổng tiền gửi.
Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn dài (trên 1 năm - PV) đã và đang có xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với những năm trước đây, tạo điều kiện để các ngân hàng cho vay vốn trung và dài hạn.
Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng khá khả quan, với tổng dư nợ tín dụng đạt 1,12 triệu tỉ đồng, tăng 4,14%, trong đó cho vay bằng tiền đồng đạt 944.000 tỉ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2014, cho vay bằng ngoại tệ tăng 2,12%. Trong đó, cho vay dùng vào mục đích sản xuất – kinh doanh chiếm khoảng 80%.
Trong khi đó, trong những năm trước, tín dụng đều tăng trưởng thấp trong 4 tháng đầu năm, chẳng hạn như 4 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 0,79%, 4 tháng đầu năm 2013 tăng 2,11% và 4 tháng đầu năm 2012 giảm 0,64%.
Thêm vào đó, các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang có xu hướng mở rộng. Tín dụng trung và dài hạn tăng trưởng cao hơn so với dư nợ ngắn hạn và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ trên địa bàn TPHCM. Trong 4 tháng đầu năm nay, dư nợ trung dài hạn tăng 7,66%, chiếm 53,5% trong tổng dư nợ, trong khi nợ ngắn hạn tăng 0,36% và chiếm 46,5% tổng dư nợ trên địa bàn TPHCM.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank, dòng vốn doanh nghiệp gửi tạm thời tại ngân hàng có giảm đi – đây là dấu hiệu tích cực cho thấy vốn doanh nghiệp đang quay vào hoạt động sản xuất – kinh doanh.
-
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc xử lý sở hữu chéo ngân hàng
Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ....
-
Agribank rao bán hàng trăm tỷ nợ xấu của loạt công ty thép, thế chấp bằng đất đai, nhà xưởng
Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - Chi nhánh An Phú vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá hơn 360 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và CTCP Đầu tư Khang Duy....
-
800 tấn quặng graphite được Agribank mang ra bán với mức giá không tưởng để thu hồi nợ
Đây tài sản thế chấp cho các khoản vay Công ty TNHH Việt Nam Carbon & Graphite và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Lâm Ngọc tại Agribank Chi nhánh Tây Hồ.