Đầu ra bị thu hẹp khi nhu cầu vốn của DN giảm, lãi suất liên ngân hàng đã chạm 0,5%/năm cho kỳ hạn ngắn ngày, khiến các nhà băng phải từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân, nhằm giảm áp lực cho lượng vốn tồn.

Thời điểm này, lãi suất cho vay cá nhân của nhiều nhà băng đã được điều chỉnh giảm. Trong đó, phải kể đến tín dụng nhà ở, mảng tín dụng được các ngân hàng xem là nhiều tiềm năng để khai thác, đặc biệt là khi giá nhà chung cư đang giảm xuống mức hợp lý hơn so với trước.

ACB vừa tiếp tục giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay vốn để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, mua bất động sản, với lãi suất cho vay thấp nhất là 15,5%/năm. Đồng thời, ACB cũng điều chỉnh giảm dần lãi suất cho các khoản vay sắp đến kỳ đáo hạn. Trong kế hoạch kinh doanh tín dụng cá nhân năm 2012, Ngân hàng dành 7.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và hộ gia đình. Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc, kiêm giám đốc Khối khách hàng cá nhân ACB cho biết, Ngân hàng sẽ từng bước điều chỉnh dần lãi suất theo xu hướng của thị trường để có thể kích thích được tăng trưởng dư nợ tín dụng cá nhân. Bởi theo ACB, tâm lý của khách hàng vẫn ngại lãi suất cao của Ngân hàng. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân được ACB cắt giảm khoảng 4 - 4,5%/năm.

Trong một quyết định tương tự, BIDV cũng điều chỉnh lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân cần hỗ trợ tài chính mua nhà, căn hộ để ở, dao động quanh mức 16%/năm.

Tại các ngân hàng nước ngoài, lãi suất cho vay cá nhân còn cạnh tranh hơn khi ANZ đưa ra mức lãi suất 13,8 - 14,5%/năm dành cho khách hàng vay mua, sửa chữa nhà trả góp. Hạn mức vốn cấp trên 70% tài sản đảm bảo trong thời hạn 10 -15 năm. Ngân hàng HSBC Việt Nam hiện cũng giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay thế chấp dài hạn mua nhà về mức thấp nhất 15,5%/năm. Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng đối với khối khách hàng cá nhân vẫn khó, dù các nhà băng đã ra sức tiếp thị vốn vay, giảm lãi suất và nới điều kiện cho vay. Bởi lẽ, với khách hàng cá nhân có mức thu nhập ổn định, lãi suất 16 - 17%/năm vẫn được xem là áp lực lớn.

Trần lãi suất huy động vừa được NHNN điều chỉnh giảm thêm 1% về mức 11%/năm và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ giảm tiếp khi lạm phát đi xuống. Vì vậy, lãi suất cho vay nói chung và dành cho khách hàng cá nhân nói riêng được ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, còn giảm tiếp trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Cang, không dễ khơi thông dòng vốn tín dụng bởi khách hàng vẫn chưa muốn tiếp cận vốn ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.

Nhu cầu nội địa thấp, kéo giá cả lương thực, thực phẩm giảm sút cũng như đà tăng trưởng của nền kinh tế. NHNN đã cắt giảm trần lãi suất tổng cộng ở mức 3%/năm trong 3 tháng qua để kích thích tiêu dùng. Theo đánh giá của HSBC Việt Nam, tín dụng giảm trong quý đầu năm 2012, chứng tỏ tình hình hoạt động kinh doanh thật sự khó khăn tại Việt Nam, do DN không thể tiếp cận vốn vay do lãi suất cao hoặc thiếu tài sản đảm bảo để được vay tín dụng.

Mặc dù việc cắt giảm lãi suất cho thấy nỗ lực của Chính phủ để làm dịu bớt tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng HSBC Việt Nam cho rằng, tín dụng dường như khó có thể cải thiện đáng kể trong năm nay. Vì thế, theo HSBC Việt Nam, khi lạm phát giảm, NHNN có khả năng cắt giảm thêm lãi suất.

“Chúng tôi đang chờ một đợt giảm trần lãi suất huy động cũng như các mức lãi suất chính sách trong thời gian sớm”, đại diện HSBC cho biết.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB cũng cho rằng, cần thực hiện chủ trương tiếp tục hạ lãi suất, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN; kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động và cho vay trên thực tế của các ngân hàng thương mại, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vượt trần lãi suất. Theo quan điểm của ông Kiên, trần lãi suất huy động cần phải giảm xuống dưới 10%/năm.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.