Chiều 7/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 4 năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm số vụ, số lượt, số đơn, nhưng lại tăng số vụ đông người.

Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng nêu rõ, việc khiếu kiện đất đai vẫn còn nguyên nhân từ việc thu hồi đất không đúng quy hoạch, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và chưa minh bạch ở các địa phương.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2012 đến năm 2015, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp hơn 1,5 triệu lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, giảm 4,3% so với giai đoạn trước. Số vụ việc là trên 778.700 vụ, trong đó có trên 18.300 đoàn đông người, tăng so với giai đoạn trước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác giải quyết khiếu nại tố cáo là phải thực hiện dứt điểm chứ không chỉ giải quyết hết thẩm quyền. Do đó cần xây dựng những giải pháp mang tính đột phá để ổn định tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, làm giảm vụ việc khiếu kiện đông người, bức xúc căng thẳng, vượt cấp lên Trung ương, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Theo Thanh tra Chính phủ, phần lớn các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp là những vụ việc khởi nguồn từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo chủ yếu là về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy pháp luật đất đai hoàn thiện hơn, nhưng theo Thanh Tra Chính phủ, một số trường hợp chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; một số chính sách đất đai còn bất cập nên dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Do đó, lượng đơn thư về vấn đề thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng không giảm so với trước thời điểm luật đất đai 2013 có hiệu lực.

Bên cạnh đó công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nhất định. Thủ tưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định. Cá biệt có một số trường hợp có thái độ không đúng, thiếu khách quan công tâm trong thực thi công vụ.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 4 năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm số vụ, số lượt, số đơn, nhưng lại tăng số vụ đông người. Trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân vì sao để kịp thời giải quyết: “Phải nhận diện về việc 70% khiếu nại hành chính là về đất đai. Trong 70% đó, có 40% là thu hồi đất tái định cư. Như vậy có phải thu hồi đất tái định cư là vấn đề mấu chốt của khiếu kiện đông người hiện nay không? Luật đất đai năm 2013 quyết định thu hồi đất, trình tự thu hồi đất là có giảm hơn. Nhưng khiếu nại nhiều về giá đề bù, chúng ta vẫn giữ giá cũ, không đảm bảo tái định cư và cuộc sống tối thiểu. Trong khi tái định cư phải đảm bảo cuộc sống bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Chúng ta có thực hiện và nhận thức được vấn đề này không?!”.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương, việc khiếu nại, tố cáo về đất đai còn nhiều có nguyên nhân từ việc thu hồi đất không đúng quy hoạch, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và chưa minh bạch, công bằng: “Có tỉnh làm dự án không thông báo cho dân, chủ động yêu cầu dân nhận tiền đền bù trong khi giá thấp. Như vậy đúng quy trình hay không?. Cho nên các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải thấm vấn đề này đối với dân”.

Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó phải kiểm điểm, rà soát lại xem cơ quan, bộ ngành mình trong việc thực hiện các văn bản pháp luật và chỉ đạo của Trung ương về vấn đề khiếu nại tố cáo, thể hiện trách nhiệm của cán bộ công chức.

Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, hoàn chỉnh báo cáo, có thông báo để làm cơ sở chỉ đạo cụ thể hơn nữa các ngành, các cấp, đặc biệt là các địa phương. Tinh thần là phải đảm bảo các bộ, ngành, địa phương nhận thức rõ hơn, cách làm hiệu quả hơn, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khiếu nại của người dân./.

Vũ Dũng (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.