Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa (25/5), Nghị định 24/2012/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực, nhưng dường như thị trường vàng đã chịu tác động sớm từ những quy định của nghị định trên.

Theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh vàng, mãi lực về vàng miếng của thị trường kém sôi động, cộng với việc giá vàng giao dịch ở thị trường nội địa đang cao hơn nhiều so với thế giới khiến người mua e ngại.

Nghị định 24 sẽ buộc các doanh nghiệp kinh doanh vàng lâu nay, nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu, phải đóng cửa. Những doanh nghiệp còn lại, thường là các doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn, đã có thương hiệu như SJC, PNJ… sẽ có thêm cơ hội phát triển.

Song trước việc quy hoạch lại thị trường vàng trong thời gian tới, việc mua - bán vàng miếng của người dân sẽ không còn được diễn ra ở bất kỳ cơ sở kinh doanh nào như trước đây. Nghị định 24 ban hành, về mặt quản lý nhà nước là tích cực đối với nền kinh tế, còn một số doanh nghiệp, cá nhân cảm thấy thiệt thòi là không tránh khỏi. Nghị định 24 sắp xếp, thu hẹp hoạt động hàng chục ngàn điểm kinh doanh vàng (TP. HCM có trên 2.000 tiệm vàng), trong khi người dân thường có thói quen mua vàng ở chỗ quen biết.

Thực tế, thị trường giao dịch vàng miếng trong nước vẫn trầm lắng. Cả người dân, nhà đâu tư không còn thiết tha nhiều với kim loại quý này như trước đây.

Theo Nghị định 24, hoạt động mua, bán vàng miếng của tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và DN được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. DN được NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế) và có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Tổ chức tín dụng được NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Chính những quy định trên đã tạo cú sốc cho thị trường và khiến hoạt động mua - bán vàng của nhà đầu tư cũng như người dân trở nên trầm lắng, mặc dù giá mặt hàng kim loại quý này đang trong đợt điều chỉnh giảm và được xem là cơ hội để mua vào.

Vàng thế giới biến động theo xu hướng giảm trước tăng sau. Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước biến động chậm. Sacombank - SBJ cho biết, sau một tuần bán ra mạnh, hiện thị trường trong nước diễn biến theo xu hướng cân bằng giữa lực mua và bán. Mốc 43 triệu đồng/lượng là ngưỡng cản đầu tiên mà giá vàng trong nước cần chinh phục. Nhưng hiện mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn quanh mốc 1,5 triệu đồng/lượng, sau khi sụt giảm mạnh về mức chênh chỉ còn 1 triệu đồng tuần trước.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Hữu Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, giao dịch vàng miếng trong hệ thống Công ty trong thời gian gần đây không mấy sôi động. Doanh số giao dịch mua - bán vàng miếng của PNJ chỉ ở mức khoảng 700 - 800 lượng/ngày (bán ra) và mua vào cũng trên dưới mức này. Theo ông Hạnh, sở dĩ mãi lực của thị trường trong nước giảm là do ảnh hưởng bởi diễn biến của giá vàng thế giới được dự báo khó có thể bật dậy trong thời gian ngắn. Còn với Nghị định 24, ông Hạnh cho rằng, mặc dù chưa chính thức đi vào cuộc sống, nhưng các thông tin liên quan đã được đưa ra thị trường cách đây khá lâu nên đã có ảnh hưởng nhất định đến thị trường.

Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh CTCP Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng cho hay, doanh số mua bán vàng của SJC trong những ngày qua cũng chỉ đạt mức thấp và giao dịch khá trầm lắng. Theo ông Tường, mãi lực vàng yếu là do ảnh hưởng bởi giá thế giới đang trên đà điều chỉnh và các dự báo đưa ra trong ngắn hạn, giá mặt hàng kim loại quý này chưa thể lấy lại đà tăng, nên các nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng giá vàng giảm thêm mới đưa ra quyết định bỏ vốn vào vàng.

Mặt khác, do tâm lý người dân vẫn e ngại việc giao dịch vàng miếng sẽ bị hạn chế hơn khi phải quy hoạch lại thị trường vàng và thu hẹp cửa hàng kinh doanh vàng, do đó, Nghị định ra đời cũng phần nào tác động và ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Theo dự báo của Sacomank - SBJ, giá vàng trong nước trong ngắn hạn sẽ giữ nguyên mức chênh lệch với giá vàng thế giới, do giá thế giới dao động trong biên độ hẹp. Trong khi đó, thị trường trong nước lại đang “chai lì” trước các thông tin về vàng.

Sở dĩ giá vàng trong nước và thế giới luôn có sự chênh nhau và nhiều khi giá bán ra trong nước cao hơn giá thế giới là do thị trường vàng không linh hoạt. Mặt khác, vàng trên thế giới luôn biến động mạnh và nhanh, nên cần có sự linh động và kịp thời mới có thể theo sát xu hướng. Trong khi đó, thị trường không linh hoạt thì sự chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới khó thu hẹp. Vì thế, Nghị định 24 đi vào thực tế cũng khó kéo được giá bán trong nước sát với giá thế giới. Trên thực tế, giá vàng trong nước nhiều thời điểm có mức chênh lệch lên đến 2,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.