Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhằm lành mạnh hoá hoạt động cho vay trong hệ thống ngân hàng.
Thả nổi lãi suất mới dẹp được lách trầnSau khi trần lãi suất hạ xuống 13%, tình trạng mặc cả lãi suất có dấu hiệu tái diễn vài tuần nay, đe dọa đến chủ trương hạ lãi suất của Chính phủ. Thưa ông, có liều thuốc mạnh nào để chấm dứt tình trạng này?

Đúng vậy. Trần lãi suất đầu vào đã giảm từ 14% xuống còn 13%, nhưng hiện tượng xé rào, lách trần vẫn xảy ra một cách tinh vi. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, rất có thể sẽ đẩy các ngân hàng vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh.


Chúng ta cứ đề ra trần lãi suất, nhưng lại không thể giám sát được thị trường. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước dù có vào cuộc nỗ lực thì cũng không thể dẹp được hết. Tôi cho rằng, để chấm dứt tình trạng này, chỉ còn cách thả nổi để lãi suất tự do.


Tín dụng ba tháng đầu năm tăng trưởng âm vì doanh nghiệp không thể vay với lãi suất cao, hàng ngàn doanh nghiệp bị phá sản. Liệu việc thả nổi lãi suất liệu có quá sức chịu đựng với doanh nghiệp?


Có thể việc thả nổi lãi suất sẽ khiến lãi suất bật lên mức 18-19%, nhưng sau một thời gian thị trường điều chỉnh, lãi suất sẽ về mức quân bình giữa cung - cầu. Ngân hàng nào đưa ra mức lãi suất khủng, sau đó sẽ phải chịu hậu quả từ hành động đó của mình.


Tất nhiên, để làm được điều này, điều kiện cần và đủ là: tất cả các ngân hàng phải được đặt vào môi trường cạnh tranh, ngân hàng mạnh sẽ phát triển, ngược lại ngân hàng yếu thì sẽ bị đào thải, thậm chí là phá sản. Khi đó, người gửi tiền sẽ đặt câu hỏi nghi vấn về “sức khỏe” với những ngân hàng huy động vốn cao.


Với các ngân hàng yếu hiện nay, thanh khoản hay nợ xấu là vấn đề đáng lo nhất, thưa ông?


Thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đã khá ổn định, nhưng trong một phân khúc thị trường nào đó thì chưa. Thanh khoản và nợ xấu liên quan chặt chẽ với nhau. Chính nợ xấu khiến nhiều ngân hàng mất thanh khoản. Nợ xấu và thanh khoản là 2 mặt của một vấn đề, gốc rễ sâu xa của vấn đề này là quản lý đồng tiền trong hệ thống ngân hàng chưa hợp lý. Ngân hàng cần phải khắc phục từ “gốc rễ” này.


Ngoài việc lách trần, theo ông, đâu là lý do khiến lãi suất cho vay chưa thể hạ, dù lãi suất đầu vào đã giảm 1%?


Có 2 lý do khiến lãi suất chưa thể giảm như kỳ vọng.


Thứ nhất, chi phí vốn của các ngân hàng không giảm nhiều. Dù trần lãi suất huy động hiện nay là 13%, nhưng thực tế, nhiều ngân hàng đang huy động vốn trên 14%/năm thì làm sao họ có thể giảm lãi suất cho vay xuống 14-16%/năm. Các ngân hàng không thể tự bắn vào chân mình.


Thứ hai, Chính phủ đang nỗ lực đưa lạm phát xuống dưới 10% vào cuối năm nay, khi đó lãi suất tiền gửi 13% là thực dương. Thế nhưng, khi một bộ phận người dân chưa thực sự tin tưởng thì họ vẫn thích gửi ở những nơi có mức huy động trên 13%/năm.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: nhan dinh