Như ở nhiều nơi trên thế giới, thị trường bất động sản Châu Âu từng có một giai đoạn tăng trưởng bùng nổ để rồi rơi vào cảnh bong bóng vỡ. Điển hình cho sự lao dốc của thị trường địa ốc tại Châu Âu đầu tiên là Ireland và nay là Tây Ban Nha - quốc gia vừa kêu gọi sự trợ giúp tài chính nhằm cứu vãn hệ thống ngân hàng đang trước bờ vực phá sản.

Những thành phố không người ở hoặc xây dựng dở dang đang âm thầm chịu sự phá hủy của thời gian đã trở thành biểu tượng của sự sụp đổ thị trường bất động sản Tây Ban Nha.

Một trong những thành phố "ma" đó là dự án bất động sản Sesena vốn được mệnh danh là "Mahattan của La Mancha" với 13.000 căn hộ để trở thành "thiên đường ngoại ô" cho 30.000 người sinh sống. Tuy nhiên, sau 5 năm kể từ khi được khởi công, mới chỉ 5.100 ngôi nhà được hoàn thành. Những công trình phúc lợi xã hội, kết cấu hạ tầng, trường học và các trung tâm thể thao... tại đây như đã bị lãng quên. Nhiều nhà đầu tư Tây Ban Nha trót "ôm" căn hộ ở đây giờ đang cố bán tháo để cắt lỗ. Anh Juan Carlos Caballero đã mua một căn hộ chung cư ở Sesena vào năm 2008 với giá 185.000 euro. Trước đó, cha của Caballero cũng đã tậu một căn hộ ở đây. Cả hai cha con Caballero đều tin rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng như giữa những năm 1990. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Tây Ban Nha lao dốc đã khiến cả hai cha con "mắc kẹt" tại một nơi chẳng thể tìm nổi một hiệu thuốc và cũng không có đường sá thuận tiện để tới Madrid.

Trong thời kỳ bất động sản lên cơn sốt, các nhà đầu tư ồ ạt sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích kinh doanh nhà đất. Khi bong bóng bất động sản bùng vỡ, khoảng 1,5 triệu căn hộ không có khách mua, hàng loạt nhà kinh doanh bất động sản rơi vào cảnh thua lỗ, vỡ nợ. Theo ước tính của chính phủ xứ Bò tót, số tiền dành đầu tư cho các thành phố "ma" có giá trị lên tới 175 tỷ euro.

Trong 3 năm trở lại đây, có tới hơn 500.000 ngôi nhà tại Tây Ban Nha bị tịch thu được tòa án rao bán với giá rẻ, nhưng hầu như không có người mua. Theo các nhà tài chính châu lục, với tình trạng thị trường nhà đất tiếp tục ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng tăng, phải mất nhiều năm nữa, những thành phố "ma" của Tây Ban Nha mới có thể hồi sinh.

Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.