Chứng khoán bước vào thời kỳ sôi động, nhộn nhịp, được thị trường dự báo sẽ có sóng lớn trung và dài hạn. Dòng tiền ồ ạt vào thị trường không chút đắn đo. Các blue-chips được mua vào mang tính đột biến khiến thị trường có những thay đổi lớn. Các chỉ số phục hồi mạnh mẽ hơn khi các mã nhỏ vẫn miệt mài tăng trần đẩy thị trường đi lên. Thanh khoản hàng nghìn tỷ giờ trở nên "bình thường", khi thị trường tiếp tục sinh lời để tạo đợt sóng mới.

Thông tin kinh tế vĩ mô tốt lên, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản vẫn chưa hấp dẫn thì chứng khoán là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Thị trường đã tích lũy và giữ mức ổn định suốt thời gian dài nên khó thể giảm sâu, giờ chỉ đợi thời cơ bứt phá.

Sóng tăng đều

Lần lượt từng nhóm cổ phiếu đã có bứt phá cục bộ, tạo ra nền giá sau cao hơn nền giá trước, đầu năm nay. Nhóm cổ phiếu bluechips tăng giá, sau đó là nhóm cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu bất động sản... đều có sự đồng pha nhất định giữa các phân lớp cổ phiếu khác nhau để tạo nên phiên giao dịch như ngày 20/11.

Các cổ phiếu blue-chips được nhà đầu tư (NĐT) mua vào mạnh chứ không còn dìm giá giữ "thăng bằng" cho thị trường. Thông tin nâng "room" ngoại là một yếu tố hấp dẫn NĐT ngoại và NĐT nội sẽ nhanh chóng đón đầu để mua vào. Trong khi đó, sóng nhiều ngành vẫn bắt đầu tăng mạnh, như khoáng sản, bất động sản (BĐS), hàng tiêu dùng, thủy sản và dầu khí…

Một số cổ phiếu nhỏ lẻ do thị giá thấp, vượt qua khủng hoảng với lợi nhuận cao được giới đầu cơ, mua vào đánh lên miệt mài mà chưa có điểm dừng. Sự hưng phấn chưa biết kéo dài bao lâu, nhưng các NĐT nội mới là tay chơi dẫn dắt thị trường, còn khối ngoại vẫn đang chốt lời.

Về dài hạn BĐS vẫn là nhóm cổ phiếu tiềm năng

Từ đầu năm đến nay, nhiều lần thị trường bùng nổ và vượt ngưỡng 500 điểm, nhưng đã bị xả hàng mạnh mẽ. Nhưng đợt này có lẽ khác, khi dòng tiền mỗi ngày một tăng, giúp thị trường đang giữ màu xanh đột phá.

Hiện tượng một số cổ phiếu xuống giá quá thấp nhiều phiên rồi lại tăng cao liên tục, gấp vài ba lần do có tín hiệu cho thấy sức sống của một số lĩnh vực, như BĐS vẫn còn hấp dẫn NĐT.

Các nhóm cổ phiếu tăng giá ồ ạt, nhiều mã tăng hàng chục phiên trần liên tiếp đang kéo hàng nghìn tỷ đồng dồn vào chứng khoán mà không chút mảy may nghi ngờ. Trên thực tế, khối ngoại vẫn bán ròng lớn, nhưng cũng có "đội" đánh lên ngược lại vào cuối ngày, nhưng không phải ở tất cả các cổ phiếu.

Ảo vẫn lao vào?

Một số chuyên gia cảnh báo, NĐT chỉ quan tâm tới giao dịch của dòng tiền mà quên đi yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Điều này, có thể sẽ xuất hiện nhiều mã cổ phiếu có sự tăng giá ảo và nên hạ tỷ lệ sau chu kỳ tăng nóng, vì các cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ lại bị điều chỉnh về giá trị thực. Tuy nhiên, khi thị giá đang thấp thì NĐT tranh mua vào bằng mọi giá, vì tâm lý nhà đầu tư rất lạc quan về xu hướng tăng giá của thị trường.

Trong ngắn hạn, thị trường sẽ có những phiên tích lũy, thậm chí điều chỉnh rồi chắc chắn sẽ sớm tăng điểm trở lại. Các cổ phiếu BĐS đã chững lại trong vài phiên giao dịch gần đây sau nhịp tăng điểm khá tốt vừa qua và những cổ phiếu này có thể lại thu hút được dòng tiền trở lại thời gian tới.

Một dự báo khác là trong những năm gần đây, TTCK Việt Nam thường thu hút dòng tiền vào cuối năm, bắt đầu từ tháng 12. Năm ngoái, thị trường cũng tạo đáy vào khoảng trung tuần tháng 11, tăng trưởng mạnh nhất trong quý I và sau đó bão hòa dần, chu kỳ lặp đi lặp lại trong 2, 3 năm nay.

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn updtrend (tăng giá), nhưng nhiều chuyên gia nhận định trạng thái rất khó bùng nổ, bởi dòng tiền không đủ sức hấp thụ hết so với lượng cung. Trong giai đoạn này, khi nào thị trường chùng xuống với thanh khoản vừa phải và thấp thể hiện áp lực bán không mạnh, khi đó mới là thời điểm nên tích lũy cổ phiếu.

Vùng 530 điểm là vùng kháng cự dài hạn trong 3 năm nay, thời điểm này cần rất nhiều tiền để có thế kéo thị trường bứt phá. Số lượng cổ phiếu đã tăng rất nhiều so với 3 năm trước, số lượng cổ phiếu lưu hành của mỗi mã cổ phiếu cũng tăng lên rất nhiều trong mỗi năm vừa rồi, để bùng nổ trên diện rộng.

Vì vậy, trong giai đoạn updtrend, NĐT có khả năng tìm tòi những cổ phiếu đang trong đà tăng trưởng thì mua và nắm giữ, còn với những NĐT lướt sóng nên chọn một phương pháp lướt sóng phù hợp để mua vào.

Tính theo chu kỳ nền kinh tế, nhóm cổ phiếu BĐS vẫn đang loanh quanh vùng đáy và vẫn là cơ hội đối với các cổ phiếu BĐS có chất lượng tài sản tốt. Nếu NĐT để ý trong thời gian vừa rồi, khối ngoại đến vùng này mua rất nhiều các cổ phiếu BĐS như ITA, KBC, OGC... Trong ngắn hạn cổ phiếu BĐS có thể ảnh hưởng bởi hiệu ứng chốt lời nhưng về dài hạn vẫn là nhóm cổ phiếu tiềm năng.

Sơn Long (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.