Nợ xấu gia tăng khiến nhiều ngân hàng ngại trao vốn, nhất là với khách hàng mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cho biết, trước khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra yêu cầu giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm, Ngân hàng đã rà soát để giảm lãi suất cho khách hàng. Đặc biệt, đối với khoản vay mới, DongA Bank kéo lãi suất cho vay về mức thấp nhất 11 - 13%/năm, trong đó, có gói vốn 1.000 tỷ đồng DongA Bank dành cho Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM, lãi suất ưu đãi khoảng 13%/năm và trong gói này, có 100 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay tín chấp (tức không cần tài sản thế chấp).

Thế nhưng, theo ông Bình, tình hình giải ngân vốn vẫn khá chậm. Dù gói vốn trên đã được triển khai hơn 1 tháng, nhưng đến nay, mới có 5 khách hàng, tổng vốn giải ngân là 20 tỷ đồng. Ông Bình cho rằng, trước đây, khi huy động vốn lãi suất 8 - 9%/năm, cho vay ra 10 - 12%/năm, thì lãi suất cho vay 11 - 13%/năm hiện nay không quá áp lực đối với khách hàng doanh nghiệp. Các ngân hàng cũng phải chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng.

Song theo lý giải của DongA Bank, lãi suất thấp chưa hẳn tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh, bởi các yếu tố tác động đến hoạt động của doanh nghiệp hiện nay còn là sức tiêu thụ của thị trường, đầu ra sản phẩm… Mặt khác, so với trước, hiện các doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả hơn, nên sẽ tính toán kỹ trước khi quyết định sử dụng vốn vay ngân hàng để sản xuất, kinh doanh.

“Trước đây, lượng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn của doanh nghiệp lớn, nhưng hiện đang giảm dần, bởi khi có nguồn thu khách hàng sẽ nhanh chóng trả nợ vay, nhằm giảm chi phí lãi suất. Các doanh nghiệp có dòng tiền nhàn rỗi cũng không duy trì trên tài khoản, mà sẽ tranh thủ trả nợ vay (nếu có), hoặc sẽ chuyển sang tài khoản gửi tiết kiệm để hưởng lãi”, ông Bình nói.

Những yếu tố trên khiến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng khó phát triển. Đơn cử, tăng trưởng dư nợ tại DongA Bank 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4 - 5% so với chỉ tiêu 15%. Tại HDBank, con số này là 8%. Dư nợ trong 6 tháng đầu năm của Eximbank, Sacombank, ACB… cũng tăng rất chậm.

Cục “máu đông” nợ xấu khiến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng khó có thể được khơi thông. Ngân hàng tỏ ra thận trọng hơn khi trao vốn cho khách hàng trước thực trạng nợ xấu có xu hướng tăng. Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng, nhưng hạ lãi suất thể hiện quan điểm của ngân hàng là cứu doanh nghiệp, cũng là cứu ngân hàng, nếu không với tình hình tăng trưởng tín dụng như hiện nay, các ngân hàng sẽ rất khó khăn trong đạt mục tiêu kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Trung, giảm lãi suất cũng chưa hẳn tín dụng sẽ tăng trưởng nhanh, mà trước bối cảnh hiện nay, ngân hàng sẽ phải tăng cường kiểm soát chất lượng khoản vay, hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đưa ra nhận xét, tín dụng chỉ tăng trưởng tốt khi sức mua thị trường được cải thiện và nợ xấu giảm dần. Để có thể kích thích tăng trưởng dư nợ, OCB đang từng bước cơ cấu lại nợ, nhằm chia sẻ khó khăn cho khách hàng. Ông Tùng cho hay, trong hơn 2 tháng qua, OCB đã xử lý trên 180 tỷ đồng nợ xấu về nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn, bao gồm nợ trong hạn được đánh giá có khả năng thu hồi đủ gốc và lãi đúng hạn và các khoản nợ có thể phát sinh trong tương lai, như các khoản bảo lãnh, cam kết cho vay, chấp nhận thanh toán) cho 47 khách hàng; giãn nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ cho khách hàng về mức tối đa xuống 15%/năm…

Thế nhưng, với khách hàng mới, ngân hàng vẫn rất thận trọng, nhằm hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu. Tuy mùa vụ kinh doanh của doanh nghiệp đang cận kề, nhất là những tháng cuối năm, nhưng quan điểm của ngân hàng hiện nay là kiểm soát chặt nợ xấu hơn là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, dù dư nợ 2 quý đầu năm tăng ít và nhiều ngân hàng còn nguyên “room” cho phép của NHNN (15-17%).

Số liệu từ NHNN cho thấy, tín dụng tính đến ngày 30/6 chỉ tăng 0,76% so với đầu năm, sau nhiều tháng âm liên tục và chỉ riêng tuần đầu của tháng 7/2012, tăng trưởng tín dụng đã tăng lên mức 1,76% so với đầu năm. Nhưng với mục tiêu đạt được tăng trưởng 8 - 10% cho cả năm 2012 trong 6 tháng cuối năm cũng là một con số khá thử thách, mỗi tháng ít nhất phải tăng trưởng 1,5 - 2%. Vì chỉ cần tăng khoảng 10%, tín dụng mỗi tháng sẽ bơm ra khoảng 50.000 tỷ đồng. Với lượng tiền bơm như vậy, chưa hẳn nền kinh tế đã hấp thụ hết trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, bơm theo cách nào để không gây lạm phát sẽ là câu hỏi lớn.

Nợ xấu đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, xử lý nợ xấu phải thực hiện một cách đồng bộ, không chỉ ngân hàng thương mại, NHNN, cơ quan liên quan, mà bản thân doanh nghiệp vay vốn đang chịu nợ xấu cũng phải tìm phương án xử lý nợ. Có như vậy, tín dụng mới có thể được khơi thông.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.