Ông Nguyễn Huy Hoán, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết, suốt từ năm 2001, không đâu ở Hà Nội mà đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều như ở An Khánh. Có tới 4 thôn, nông dân hoàn toàn không còn đất nông nghiệp để canh tác. Việc đền bù “đất dịch vụ” để người dân kiếm kế sinh nhai vẫn dậm chân tại chỗ từ ngày đó.
Nông dân không còn đất canh tác, chính quyền thiếu đất dịch vụ để cấp cho dân nhưng vẫn có hàng trăm héc-ta đất dự án bỏ hoang! Ảnh: Q.T
Chính quyền bó tay ngồi… đợi

Cơn bão đô thị hóa đã ập đến An Khánh từ những năm 2000 biến xã thuần nông này thành “đô thị” trong một thời gian quá nhanh. Hậu quả đi kèm cơn lốc “lên thành thị” là hàng nghìn hộ dân không còn đất để sản xuất, trồng trọt. Còn nữa, lẽ ra sau khi bàn giao đất theo chủ trương Nhà nước, người dân, theo chủ trương chung sẽ được đền bù một diện tích được gọi là “đất dịch vụ” để chuyển hướng sinh kế. Nhưng, suốt từ ngày đó đến giờ họ vẫn chưa nhận được đền bù theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Thực hiện Nghị định trên, UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội) đã ban hành quyết định cho những hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên được giao đất dịch vụ bằng 10% diện tích bị thu hồi, nhưng không quá 150m2/hộ. Trên cơ sở đó, UBND xã An Khánh đã thành lập hội đồng xét duyệt, đề nghị giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất với tổng số đất cần có để giao là gần 400.000m2 (40ha). Tuy nhiên, tất cả đến nay vẫn đang nằm trên giấy tờ. Thực tế, địa phương không còn quỹ đất để trả cho dân nữa(?!).

Làm việc với lãnh đạo UBND xã An Khánh, chúng tôi được biết, từ năm 2001 đến nay, toàn xã có hơn 435ha đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ các dự án đô thị, công nghiệp, giao thông. Tổng số hộ bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên là 2.073 hộ (tính theo thời điểm giao “sổ đỏ” năm 1993). Đáng chú ý, nông dân ở 4 thôn: Vân Lũng, Yên Lũng, Phú Vinh, An Thọ không còn đất canh tác.

Nói về sự chậm trễ trong việc giao đất dịch vụ cho người dân, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, Nguyễn Huy Hoán cho biết: “Trước hết khẳng định việc đòi đất dịch vụ là quyền lợi chính đáng của người dân. Tuy nhiên, việc giao đất dịch vụ ở địa phương chúng tôi gặp vướng mắc ở chỗ, gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của 4/5 thôn trong xã đã bị thu hồi hết, lấy đâu ra để cấp cho dân bây giờ(?)”. Theo ông Hoán, để giải quyết quyền lợi cho dân, UBND xã rất sốt sắng nhưng đành phải chờ đợi vì nằm ngoài thẩm quyền của địa phương.

Dân mỏi mắt nhìn… nghịch cảnh

Xã An Khánh có tổng diện tích đất tự nhiên 830ha, nhưng đã bị thu hồi hơn 435ha đất nông nghiệp phục vụ các dự án kinh tế - xã hội. Từ năm 2001 đến 2007, toàn xã có 2.073 hộ bị thu hồi 30% đất sản xuất trở lên (tính theo thời điểm giao quyền sử dụng đất năm 1993, thực tế đã tách thành 3.200 hộ) nhưng đến nay chưa hộ nào được nhận đất dịch vụ.

Ông Hoán cho biết, bây giờ, đời sống người dân An Khánh đang đi xuống. “Nông dân hết đất, chưa có đất dịch vụ để kinh doanh. Trước đây, khi “đổ bộ” vào địa phương các doanh nghiệp đều hứa hẹn tuyển lao động là người của xã. Nhưng từ bấy đến giờ, doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động. Nhiều thôn, người dân ăn không ngồi rồi mấy năm nay. Ai còn khỏe thì chạy chợ, còn lại ngồi không ở nhà”, ông Hoán nói. Thu nhập đầu người /năm ở An Khánh có xu hướng tăng so với trước thời điểm thu hồi đất. Tuy nhiên theo lãnh đạo xã, đó là sự phát triển không bền vững. Bởi người dân không có nghề nghiệp chính, trông chờ vào những việc tạm bợ. Viễn cảnh người dân không một đồng thu nhập sống giữa Thủ đô đang hiển hiện.

Hết đất canh tác, không nghề phụ, chờ được cấp đất dịch vụ mòn mỏi, khiến đại bộ phận người dân xã An Khánh không khỏi bức xúc. Đã nhiều lần, nhiều hộ dân ra trụ sở UBND xã để kiến nghị. Nhưng rồi, sự việc vẫn chưa được cấp trên giải quyết.

Ở An Khánh có một nghịch lý dễ nhận thấy: Rất nhiều đất dự án với diện tích rộng hàng nghìn mét bỏ hoang để cỏ mọc um tùm. Trong khi hàng nghìn hộ dân không có đất sản xuất, chịu cảnh thất nghiệp và địa phương thiếu nguồn đất dịch vụ.

Được biết, đã nhiều lần chính quyền địa phương đã có kiến nghị lên UBND thành phố thu hồi đất dự án bỏ hoang lâu năm, giao lại cho người dân sản xuất và chuyển sang đất dịch vụ, nhưng chưa thấy thực hiện. Ông Nguyễn Huy Hoán kiến nghị: “Chúng tôi mong UBND thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc tạo quỹ đất dịch vụ; khẩn trương đền bù, bàn giao mặt bằng và giúp địa phương quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đất dịch vụ để chia cho dân”.
Quang Thành (Gia đình và xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.