Người dân Việt Nam đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng. Đây là con số được công ty cổ phần Sài Gòn Kim Hoàn ACB-SJC đưa ra tại Hội thảo khoa học thị trường vàng Việt Nam được tổ chức ngày hôm hay 15.3 tại Hà Nội.
Nhu cầu nhập khẩu vàng ở Việt Nam bình quân đạt khoảng 60 tấn/năm.

Hội thảo trên do Ngân hàng thương mại Công Thương và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng giá vàng ở Việt Nam cũng như trên thế giới tác động mạnh tới cả chính trị, kinh tế và xã hội. Vì vậy, quản lý cũng cần phải có chính sách đồng bộ, tránh cực đoan và duy ý chí. Việc lập một sàn vàng quốc gia là cần thiết.

"Sàn vàng này sẽ có cả giao dịch bán buôn và bán lẻ. Bán lẻ trở thành chuỗi cửa hàng có cấp phép, có tổ chức thay vì để rải rác như hiện nay".

Tán đồng quan điểm trên, ông Trần Trọng Quốc Khanh, tổng giám đốc công ty cổ phần Sài Gòn Kim Hoàn ACB-SJC cho rằng “nên thành lập sàn giao dịch quốc gia”. Sàn vàng nên là một bộ phận của sở giao dịch hàng hóa, các doanh nghiệp là thành viên của sàn vàng.

“Sàn vàng được điều tiết hoạt động bằng các giải pháp kỹ thuật như: đối tượng tham gia, tỷ lệ ký quỹ; quy mô trạng thái mở cửa qua đêm, dư nợ tín dụng tại sàn và xử lý vi phạm. Ngân hàng Nhà nước xem xét tổ chức thi cấp chứng chỉ kinh doanh vàng cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành vàng”, ông Khanh nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để phát huy tác dụng của thị trường vàng và ngoại tệ, khi có dấu hiệu mất cân đối cung cầu vàng, ngoại tệ, dẫn đến tâm lý kỳ vọng đầu cơ, NHNN cần can thiệp mua bán trên thị trường một cách quyết liệt về cường độ và nhịp độ. Sự can thiệp bằng hành động cụ thể của NHNN về cường độ và nhịp độ sẽ vừa xóa tâm lý kỳ vọng và đầu cơ của thị trường vàng vừa chứng tỏ khả năng điều tiết và can thiệp thị trường vàng hiện hữu của NHNN.

“Những chính sách được đưa ra phải đồng bộ tránh cực đoan, tránh duy ý chí, nếu không tạo ra mặt trái tiêu cực”, nhiều ý kiến đề nghị.

Tại hội thảo, công ty cổ phần Sài Gòn Kim Hoàn ACB-SJC ước tính, người dân Việt Nam đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng. Nhu cầu nhập khẩu vàng ở Việt Nam bình quân đạt khoảng 60 tấn/năm trong khi các doanh nghiệp khai thác vàng từ các mỏ vàng trong nước chỉ sản xuất được khoảng 1-2 tấn/năm.

"Thực hiện lộ trình xóa kinh doanh vàng miếng tự do"

“Dứt khoát thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp ngày hôm nay 15.3.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngày 15.3, Thường trực Chính phủ họp, nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, sau một thời gian thực hiện NQ 11, vấn đề về tỷ giá, giá vàng, thị trường vàng dần đi vào ổn định, đây là một tín hiệu rất tích cực. “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện NQ11, vấn đề nổi lên là việc quản lý ngoại tệ, vàng cần phải đáp ứng kịp thời nhu cầu cần thiết của nhân dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu cần quyết liệt thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chống hiện tượng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Quản lý chặt chẽ thị trường vàng, ngoại hối. Kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh USD trái pháp luật.

Đi liền với đó là đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ để bán cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu hợp lý; đảm bảo đủ nguồn cung ngoại tệ đối với việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Dứt khoát thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. “Cương quyết chỉ đạo cắt giảm đầu tư công, những khoản chi chưa cần thiết phải dừng lại; cương quyết chỉ đạo tiết kiệm điện, như điện quảng cáo…”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Cafeland.vn - Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland