Trước nhận định của một số chuyên gia bất động sản (BĐS) về giá nhà đất khó có thể giảm sâu hơn nữa và là thời điểm tốt để đầu tư vào địa ốc cùng với động thái hạ lãi suất huy động của ngân hàng xuống mức 12% đã khiến nhiều người dân chuyển hướng rút tiền ra để đầu tư vào nhà đất.

Giao dịch nhỏ lẻ

Đang “cất” trong ngân hàng gần 3 tỷ đồng hưởng lãi suất hàng tháng, chị Nguyễn Thị Hồng ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, gửi tiền hưởng lãi chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc chờ giá BĐS giảm sâu hơn nữa, bởi vợ chồng chị có hai con trai nên vẫn có nhu cầu mua thêm nhà. Tuy nhiên, ngay khi ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động xuống 12%, chị Hồng đã quyết định xuống tiền đầu tư vào nhà đất.

Lãi suất hạ, dân rục rịch rút tiền mua đất

Chú thích ảnh: Một số người dân rục rịch chuyển tiền gửi tiết kiệm sang nhà đất.

“Trong khi lãi suất hạ thấp, mà giá BĐS lại giảm mạnh nên vợ chồng tôi quyết định mua một mảnh đất ở khu vực Hà Đông. Cứ mua để đấy, ít nữa con trai lớn lấy vợ chúng tôi sẽ làm quà cưới cho con. Tôi nghĩ rằng, đầu tư vào BĐS lúc này là thời điểm tốt để sinh lời hơn là gửi tiền vào ngân hàng”, chị Hồng cho hay.

Khác với chị Hồng, vợ chồng anh Ngọc Tuấn đang thuê nhà ở Đại Kim cũng quyết định rút tiền gửi ngân hàng để mua căn hộ chung cư lúc này. “Mặc dù chỉ có hơn 1 tỷ đồng, trong khi căn hộ vợ chồng tôi muốn mua có giá gần 2 tỷ đồng nhưng tôi vẫn quyết định mua vì lúc này giá nhà đã giảm rất nhiều so với năm ngoái, càng để tiền càng mất giá nên vợ chồng tôi sẽ vay thêm bạn bè để mua căn hộ đã chọn”, anh Tuấn cho biết.

Theo khảo sát của PV tại một số sàn giao dịch BĐS trên đường Lê Văn Lương kéo dài, Nguyễn Thị Định… thì những ngày sau khi ngân hàng hạ lãi suất, lượng khách đến hỏi mua các căn hộ chung cư và đất nền bắt đầu có lác đác, được quan tâm nhiều nhất là những căn hộ có giá trên dưới 2 tỷ đồng, với mục đích mua để ở. Có sàn cho biết, lượng giao dịch thành công đã tăng khoảng 30% so với thời điểm cách đây 1 tháng.

“Tháng trước tôi chỉ chơi dài, tốn nhiều tiền điện thoại để hỏi han khách hàng nhưng không được ai quan tâm, nhưng chỉ khoảng 1 tuần trở lại đây, lại có nhiều khách hàng quen và khách hàng mới gọi hỏi thông tin mua nhà, đất”, chị Ngân - một nhân viên đã làm nghề môi giới nhà đất gần 10 năm chia sẻ.

Thời điểm tốt để mua nhà?

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho hay, mức giá BĐS tại các dự án hiện nay đã tiệm cận với chi phí mà chủ đầu tư phải bỏ ra. Với tình hình thị trường như hiện nay, ngay cả những dự án đã triển khai đúng tiến độ cũng gặp khó khăn trong khâu bán hàng, thời gian thu hồi vốn sẽ dài hơn, đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư sẽ tăng lên và chi phí dự phòng cũng bị đẩy lên cao. Trong bối cảnh đó, chủ đầu tư không thể mạo hiểm giảm giá bán để phải chịu thua lỗ nặng nề.

Tín hiệu hạ lãi suất của ngân hàng nhà nước được nhiều chuyên gia nhận định, không tác động nhiều đến các doanh nghiệp BĐS, nhưng có tác động về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư , đặc biệt là những người có nhu cầu thực. Bởi lẽ, nhiều chủ đầu tư hiện vẫn còn tồn đọng nhiều hàng, lãi suất có giảm thì họ cũng chưa dám vay để phải chịu cảnh vừa “ôm” hàng, vừa trả tiền lãi suất hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay lãi suất tiết kiệm không bù đắp được lạm phát, các kênh đầu tư khác như vàng, đôla… thì bấp bênh, người dân thường chỉ còn lựa chọn đầu tư vào nhà đất, kể cả những người không am hiểu nhiều về lĩnh vực kinh doanh đất cũng sẵn sàng tham gia.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, việc hạ lãi suất này đã tháo gỡ một phần những khó khăn về vốn cho các nhà đầu tư. Song, điều ông băn khoăn là làm thế nào để giá BĐS không bị đẩy lên quá cao để nhà đầu tư và người có nhu cầu thực sẵn sàng xuống tiền khi thấy mức giá hợp lý.

Tuy nhiên, ông Võ cho rằng, việc hạ giá BĐS có cái khó là chi phí xây nhà hiện nay khá cao. Vì vậy, để giúp các doanh nghiệp giải bài toán về vốn, theo ông Võ cần phải hạ mức lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống 4 - 5%, thay vì mức 16% còn khá cao đối với các doanh nghiệp như hiện nay.

Theo Infonet
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.