Mua lại đất có nguồn gốc từ đấu giá tài sản thi hành án, giờ đây hàng chục hộ dân không được đăng bộ, sang tên, hoàn công vì bản án trước đây bị hủy.

Hàng chục hộ dân tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM) đang khóc dở mếu dở sau khi mua lại đất có nguồn gốc từ bán đấu giá tài sản thi hành án (THA).

Ách đăng bộ, không được hoàn công

Thực hiện quyết định tại bản án dân sự phúc thẩm về giải quyết tranh chấp đất đai của một gia đình, tháng 7-2014, Chi cục THA dân sự quận Thủ Đức phát mại khu đất hơn 1.800 m2 tại phường Hiệp Bình Chánh. Chi cục ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá TP tổ chức bán đấu giá khu đất trên và ông Lý Thanh Tùng là người mua được.

Sau đó ông Tùng chuyển mục đích sử dụng, phân thành 22 nền bán cho nhiều người. Toàn bộ 22 nền đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), một số nền đã mua đi bán lại mấy lần, hơn một nửa đã xin phép xây dựng và dọn vào ở cả năm nay. Mọi việc diễn ra bình thường cho đến gần đây quận Thủ Đức ách việc đăng bộ, sang tên cho những trường hợp trên.

Ông Trần Ngọc Hải cho hay ông là đời chủ thứ ba của một nền trong khu đất nói trên. Hai đời chủ trước và đến lượt ông đều được quận cấp giấy chứng nhận. Năm 2014, ông xin giấy phép xây dựng căn nhà hai tầng tại đây và giờ muốn làm thủ tục hoàn công nhưng không được.

Không chỉ ông Hải, tất cả 21 trường hợp còn lại cũng bị ách không được hoàn công, đăng bộ hay mua bán. “Tôi thuộc “thế hệ” thứ hai mua lại nền từ khu đất. Hiện tôi không được đăng bộ dù đã xong công chứng, nộp thuế và trả gần hết số tiền mua đất cho người bán” - bà Bùi Thị Kim Hường cho hay.

Những căn nhà đã xây dựng theo đúng giấy phép xây dựng giờ không được hoàn công. Ảnh: CT

Quận chỉ tòa, tòa chỉ quận

Theo Văn phòng Đăng ký QSDĐ quận Thủ Đức, sở dĩ có tình trạng trên là do có yêu cầu ngăn chặn mọi giao dịch liên quan đến toàn khu đất và quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vào tháng 7-2014 của TAND Tối cao. Theo đó, bản án phúc thẩm đã bị hủy và TAND quận Bình Thạnh được giao xử lại. Văn phòng Đăng ký QSDĐ đề nghị TAND quận cho biết 22 trường hợp trên có bị hạn chế các quyền của người sử dụng đất hay không, nếu có thì hạn chế quyền gì…

“TAND quận Thủ Đức trả lời các quyền tại vị trí khu đất trên sẽ được thực hiện theo quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án đối với vụ việc này” - đại diện văn phòng đăng ký cho biết. Với các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận thì văn phòng hướng dẫn “liên hệ tòa án quận để được xem xét giải quyết”.

Thế nhưng người dân cho hay họ lên tòa thì tòa chỉ qua quận, qua quận thì quận bảo liên hệ tòa và chờ. “Nếu bản án xử lại mà ngược hoàn toàn với trước thì không lẽ nhà, đất của chúng tôi bị lấy lại để trả cho bên thắng?” - một người dân lo lắng.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bán đấu giá TP, cho hay ông không đồng tình với hướng xử lý của quận Thủ Đức. Theo ông, quyền lợi của người mua ngay tình, đúng pháp luật đã được bảo hộ tại Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản. “Trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá có vi phạm, còn lại thì quyền lợi của người mua được tài sản đấu giá được bảo hộ. Những người mua sau này lại càng không liên quan gì đến vụ tranh chấp khu đất” - ông khẳng định.

Ông Sỹ cho hay khi phát mại bán đấu giá tài sản, cơ quan thi hành đang thực hiện một bản án đang có hiệu lực pháp luật. Do đó kết quả của việc bán đấu giá đương nhiên có hiệu lực. “Giả sử việc xử lại mà nội dung bản án trái ngược hoàn toàn với bản án phúc thẩm cũng không thể làm ảnh hưởng đến tài sản của những người đã mua tài sản ngay tình hợp pháp” - ông khẳng định.

Ông Sỹ thông tin sắp tới Luật Bán đấu giá tài sản được ban hành, quyền lợi của người mua càng được bảo đảm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trên thực tế việc mua nhà đấu giá từ tài sản THA có nhiều phức tạp. “Có trường hợp mua 10 năm rồi vẫn không được giao nhà. Hoặc các cơ quan không giải quyết các quyền lợi cho người mua vì ngại yếu tố tranh chấp dù họ đã được cấp giấy chứng nhận tức đã đủ các quyền mua bán, xây dựng… như trường hợp ở quận Thủ Đức nói trên” - ông bày tỏ.

- Trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã bán đấu giá thì việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

- Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá.

Tổ chức, cá nhân có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

(Trích Điều 4 Nghị định 17/2010 của Chính phủ)

Cẩm Tú (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.