Doanh nghiệp khó vay được vốn vì không có tài sản thế chấp, cùng đó sự thiếu tính minh bạch trong báo cáo tài chính đang là vấn đề nỏi cộm để ngân hàng không thể “nới” tín dụng cho doanh nghiệp.

Tại Hội thảo “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa-Góc nhìn từ ngân hàng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức ngày 6/4, nhiều giải pháp được đưa ra để tháo gỡ những rào cản mà cả doanh nghiệp và ngân hàng đang gặp phải.


Khó ‘nới’ vốn vì tài chính thiếu minh bạch
Doanh nghiệp khó vay được vốn vì không có tài sản thế chấp,thiếu tính minh bạch trong báo cáo tài chính


Không thấy thông tin minh bạch

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này hiện đang sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm.

Dù thế, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi, ngoài số vốn tự có, huy động của người thân, bạn bè và một số các kênh đầu tư khác, riêng nguồn vốn từ ngân hàng thương mại chỉ mới có khoảng 30% số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận.

“Nguyên nhân bắt nguồn từ hai phía, cả doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng”, bà Mùi cho hay.

Về phía doanh nghiệp, theo bà Mùi, ngoài năng lực tài chính hạn chế thì vấn đề nổi cộm là việc quản trị nội bộ doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, sư thiếu hụt về thông tin thị trường dẫn đến sản xuất kinh doanh dễ bị rủi ro cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc trả nợ ngân hàng khi đến hạn.

Các tổ chức tín dụng thì cho rằng, độ tin cậy của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp, vì thế khả năng tiếp cận vốn cũng rất thấp, muốn vay được phải có tài sản thế chấp. Chính rào cản này cũng là bức xúc của hầu hết hơn 100 doanh nghiệp có mặt tại hội thảo.

Ông Nguyễn Huy Quân, Giám đốc Công ty TNHH Quân Sen (Thái Bình) cho rằng, các nước trên thế giới họ không quan tâm đến tài sản thế chấp của doanh nghiệp mà chỉ quan tâm đến dự án và lợi nhuận của dự án đó đem lại.

“Vậy các ngân hàng trong nước có thể thực hiện cho doanh nghiệp vay thông qua thế chấp bằng dự án được hay không?”

Trả lời đề nghị này, ông Lê Viết Hải-Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, trên thực tế hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều chỉ áp dung việc thế chấp tài sản đối với doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ (có doanh thu thừ 2 tỷ đồng trở xuống). Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ngân hàng vẫn dựa vào các dự án từ khi triển khai cho đến khi hoàn thành.

“Nhưng sự quan tâm lớn nhất của ngân hàng vẫn là sự minh bạch về tài chính của doanh nghiệp, bởi tuy có báo cáo nhưng số liệu thực chất lại không thể hiện đầy đủ hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hải cho biết.

Vì vậy, theo ông Hải hạn chế ở đây chính là ngân hàng khó thấy được các dự án khả thi và thông tin minh bạch từ phía doanh nghiệp.

Để ngân hàng có động lực đầu tư lâu dài

Dễ thấy, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều có những cái khó của mình đòi hỏi phải được tháo gỡ. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần vươn lên hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng, trong khi đó ngân hàng cũng cần có đánh giá cụ thể giúp doanh nghiệp hoàn thiện những thủ tục trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của hai bên.

Bà Mùi gợi ý, với doanh nghiệp thì nên chủ động trong việc xây dựng dự án phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người, đặc biệt là minh bạch vấn đề tài chính.

Theo bà Mùi, minh bạch tài chính sẽ giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho doanh nghiệp và cả ngân hàng. Khi ngân hàng dễ dàng tiếp cận thông tin về doanh nghiệp, tiên liệu được những thay đổi chính sách thì ngân hàng có động lực để đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp.

“Kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã vay vốn thành công cho thấy, trước hết họ cần phải thuyết phục được ngân hàng về hiệu quả của phương án một cách rõ ràng như khó khăn và thuận lợi của dự án, chi phí ban đầu, kế hoạch trả nợ…”, bà Mùi cho biết.

Dưới góc độ của nhà quản lý, bà Đỗ Thị Nhung (vụ Phó Vụ Chính sách tiền tệ-Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc kết hợp nhiều sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp tại hệ thống các ngân hàng thương mại cũng là cơ sở để hạ lãi suất cho vay.

“Hiện nay chính sách tiền tệ vẫn được điều hành linh hoạt. Lãi suất sẽ giảm theo lộ trình, mỗi quý giảm 1% lãi suất. Cuối năm, lãi suất huy động sẽ giảm về quanh mức 10-12%, điều này cũng đồng nghĩa việc sẽ tiếp tục giảm được lãi suất cho vay”, bà Nhung khẳng định.
Nhưng trước mắt để tháo gỡ một phận khó khăn cho doanh nghiệp, theo bà Nhung, các ngân hàng thương mại có thể xem xét lại cơ cấu nợ, giãn nợ, ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu…nếu các doanh nghiệp này chứng minh được các nguồn thu để trả nợ ngân hàng.
Theo Tổ quốc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh