Trả lời phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dự đoán: Khi cơn sốt đất đã kết thúc và dòng chảy đầu cơ nóng đã rời thị trường, giá nhà đất dự kiến ​​sẽ giảm đáng kể trong vài năm tới. Giá căn hộ và nhà ở sẽ giảm nhanh nhất, xuống mức 10 triệu đồng (475 USD)/m2...

Khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, trong nỗ lực tìm kiếm những cách thức mới để thu hút các nhà đầu tư trở lại thị trường này ở Việt Nam đã xuất hiện các đề án mở rộng thị trường bất động sản cho người nước ngoài, tờ Wall Street Journal hôm 15/10 cho biết.

Theo đó, tháng 8 vừa qua, Bộ Xây dựng Việt Nam đã đưa ra đề xuất cho tất cả những người nước ngoài có thị thực nhập cảnh vào Việt Nam trên 3 tháng được phép mua nhà ở. Các nhà hoạch định cũng đang chuẩn bị thảo luận về việc thay đổi một số điều luật về đất đai, trong đó sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất cho các dự án nhà ở tại Việt Nam.

Các quan chức tại Bộ Xây dựng nói rằng, sự thay đổi là cần thiết để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường BDS Việt Nam sau khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, không có vốn để tiếp tục phát triển các dự án lớn.

Ngoài ra, nguồn cung các căn hộ chung cư và nhà ở sang trọng tại Việt Nam đã bắt đầu vượt qua nhu cầu với hàng trăm nhà mới đã được xây dựng mà không có người mua.

Một số các nhà đầu tư bất động sản lớn nhất của Việt Nam nói rằng, họ muốn đổ tiền vào các nước khác như Myanmar, hơn là tiếp tục đầu tư vào thị trường trong nước mà doanh số bán hàng chậm.

Trong tháng 7/2013, chính phủ Việt Nam cho biết sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho người dân có thu nhập thấp và đã đưa ra một số hình thức cho vay với mức lãi suất thấp để kích thích người mua. Nhưng người nước ngoài đã bị gạt ra ngoài thị trường này, một phần là do chính sách không khuyến khích họ phát triển các dự án bất động sản hoặc mua nhà cá nhân.

Để làm rõ thông tin về vấn đề này, phóng viên tờ Wall Street Journal đã có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đất đai ở Việt Nam, và hiện là một nhà phân tích bất động sản độc lập, về việc Chính phủ đang chuẩn bị để khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

Wall Street Journal: Thưa ông, tại sao Việt Nam phải mở cửa thị trường bất động sản cho người nước ngoài?

Ông Đặng Hùng Võ: Toàn cầu hóa đang ngày càng hiện thực hơn và xóa nhòa biên giới giữa các quốc gia. Nhờ sự phát triển của công nghệ viễn thông và Internet, con người di động hơn. Bây giờ, nhiều quốc gia cho phép du lịch miễn phí visa và trong tương lai không phải rất xa, có khả năng sẽ miễn visa trên quy mô toàn cầu. Đến lúc đó, mọi người sẽ có quyền có một ngôi nhà bất cứ nơi nào trên thế giới. Toàn cầu hóa sẽ có tác động rất lớn trên thị trường bất động sản.

Ngay thời điểm này ở Việt Nam, Chính phủ đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai. Trong số đó có các đề xuất thay đổi có liên quan đến quyền sở hữu đất và tài sản (đối với người nước ngoài).

Luật đất đai năm 1993, đã có một đặc chương về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và người nước ngoài thuê đất tại Việt Nam. Trong Luật đất đai năm 2003, chương này đã được gỡ bỏ. Trong năm 2008, Quốc hội đã thông qua một nghị định cho phép người nước ngoài mua nhà trên cả nước (với một số điều kiện kèm theo - PV).

Trong dự thảo Luật đất đai mới nhất, dự kiến ​​sẽ sớm được phê chuẩn, sẽ có quy định về việc cho người nước ngoài nhận đất để phát triển các dự án nhà ở. Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất một chính sách mới cho phép người nước ngoài mua nhà, đất để ở và cho thuê.

Tất cả những đề xuất trên nhằm chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa thị trường bất động sản trong nước. Bạn (sẽ) thấy nhiều thay đổi trong chính sách quản lý đất đai của Việt Nam và các quy định để thu hút người nước ngoài tới Việt Nam trong những năm tới.

Wall Street Journal: Ông có thể cho biết, Việt Nam sẽ tập trung vào những biện pháp nào để thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản? Lý do tại sao?

Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đất đai ở Việt Nam,

Ông Đặng Hùng Võ: Trước năm 1998, các nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia vào thị trường bất động sản trong nước. Từ năm 1998, Chính phủ (Việt Nam) mới cho phép họ tham gia vào hai dự án là Phú Mỹ Hưng tại TP.Hồ Chí Minh và Ciputra ở Hà Nội (hai dự án nhà ở lớn được xây dựng bởi các công ty nước ngoài và sau đó bán cho khách hàng địa phương).

Năm 2008, Chính phủ Việt Nam ban hành nghị định cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài các quyền tương tự như các nhà đầu tư trong nước ở thị trường bất động sản.

Kết quả là, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong thị trường bất động sản tăng nhanh chóng, đạt 5,5 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2008 - tương đương với cả năm 2007. Từ năm 2006 đến năm 2010, vốn FDI vào thị trường bất động sản chiếm 75% tổng vốn FDI (của Việt Nam). Mặc dù thị trường (đã suy yếu), trong cuối tháng 8, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rót 48,23 tỷ USD vào 400 dự án bất động sản trên toàn quốc, giúp nó tăng lên vị trí thứ hai về FDI chỉ sau lĩnh vực sản xuất. Điều đó chỉ ra rằng thị trường bất động sản trong nước rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Yếu tố quan trọng trong vấn đề này chính là từ các chính sách mở và ổn định từ Chính phủ Việt Nam.

Wall Street Journal: Vậy Chính phủ Việt Nam đang thực hiện những chính sách nào, thưa ông?

Ông Đặng Hùng Võ: Việt Nam đã ký kết một số điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp định thương mại song phương với Mỹ và hiện nay đang đàm phán để tham gia các thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Việt Nam cam kết thực hiện các chính sách dài hạn về sự cởi mở trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài .

Wall Street Journal: Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì để hỗ trợ thị trường bất động sản?

Ông Đặng Hùng Võ: Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 2, trong đó vạch ra 5 biện pháp chủ yếu để giúp thị trường.

Đầu tiên là tập trung vào việc giảm thuế cho thuê đất và chi phí.

Thứ hai, chính phủ đang cung cấp một gói tài chính là 30 tỷ VNĐ (1,42 tỷ USD) để giúp tăng doanh số bán hàng của các dự án nhà ở giá thấp.

Thứ ba, Chính phủ đã thành lập một công ty quản lý tài sản nhằm giúp làm sạch nợ xấu (của) công ty bất động sản tại các ngân hàng

Thứ tư, chính quyền địa phương đang xem xét lại kế hoạch phát triển bất động sản của họ và sẽ hạn chế xây dựng, cấp phép các dự án bất động sản thương mại, đồng thời khuyến khích các dự án nhà ở giá thấp.

Thứ năm, chính phủ đang rà soát lại các chính sách và quy định để cơ cấu lại ngành bất động sản.

Wall Street Journal: Ông có dự báo gì về giá bất động sản tại Việt Nam trong vài năm tới?

Ông Đặng Hùng Võ: Khi cơn sốt đất đã kết thúc và dòng chảy đầu cơ nóng đã rời thị trường, giá nhà đất dự kiến ​​sẽ giảm đáng kể trong vài năm tới. Giá căn hộ và nhà ở sẽ giảm nhanh nhất, xuống mức 10 triệu đồng (475 USD)/m2 (so với mức thấp nhất hiện nay là 20 triệu VNĐ), trong khi giá nhà mặt phố sẽ hạ chậm hơn.

Wall Street Journal: Cảm ơn ông.

Lâm Giang (Giáo dục Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.