"Xây Long Thành xuất phát từ tính chiến lược phát triển thị trường hàng không VN, chứ không phải là chỉ là vì chuyện quá tải của TSN".

Để tìm hiểu thêm về lý do cũng như câu chuyện về việc ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không, đề xuất lên Bộ GTVT giảm 1/3 công suất thiết kế của sân bay Long Thành, PV Đất Việt đã có cuộc trao đổi cụ thể với ông, khi ông đang đi công tác tại Quy Nhơn.

PV: - Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng đã có yêu cầu xem xét lại về quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành theo hướng giảm 1/3 công suất thiết kế theo đề xuất của Cục hàng không. Thưa ông, tại sao Cục lại có đề xuất ý kiến như vậy?

Ông Lại Xuân Thanh: - Công suất thiết kể của Long Thành là 25 triệu hành khách/năm và 2 đường băng theo đúng quy hoạch của Thủ tướng chính phủ năm 2011.

Thế nhưng với phương án đấy, theo tư vấn của các chuyên gia thì nó phải đầu tư khoảng 7,8 tỷ USD giai đoạn 1, như vậy là số vốn quá lớn.

Trong khi đó, đề án này có đặc thù là có thể song song khai thác với sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), trong điều kiện như vậy, ngay lập tức xây 1 nhà ga 17 triệu hành khách/năm, với 1 đường băng có khả thi không?

Dĩ nhiên, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao phải có 2 đường băng, vì phục vụ cho trường hợp Cảng hàng không độc lập, với lưu lượng mấy triệu hành khách, phòng tránh việc có sự cố, gặp trường hợp phải sửa chữa.

Không có đường băng thay thế thì lại phải đóng cửa sân bay rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, nên trên thế giới, các sân bay lúc nào cũng phải có 2 đường băng để tránh việc phải đóng cửa khi gặp sự cố.

Giảm 1/3 công suất thiết kế Long Thành

Chính vì vậy, Long Thành song song khai thác với TSN, hai sân bay lại gần nhau, nếu có gì xảy ra thì TSN vẫn có thể đỡ được cho Long Thành, hành khách không xuống Long Thành thì có thể xuống TSN cũng không sao nên thiết nghĩ có thể hạn chế, giảm công suất của Long Thành xuống cho hạn chế kinh phí đầu tư, vì khả năng huy động vốn của dự án 7,8 tỷ USD là quá lớn.

PV: - Trong khi đó, theo các chuyên gia dự đoán thì hiện nay, các sân bay quốc tế như Phú Bài (Huế), Cam Ranh (Nha Trang), Phú Quốc, Cần Thơ...đều chưa hoạt động hết công suất. Điều này, minh chứng cho sự ế ẩm của các sân bay, phải chăng Cục chủ động đề xuất giảm công suất sân bay Long Thành là vì dự đoán được tình trạng này, không sử dụng hết công suất thiết kế?

Ông Lại Xuân Thanh: Thực ra không phải là ế ẩm. Nếu tính, đến năm 2015, TSN đạt 25 triệu hành khách/năm, để vượt công suất thiết kế, thì phải thực hiện dự án mở rộng sân đỗ, nhà ga, đường lăn. lúc đó, sân bay sẽ đạt 26 triệu hành khách/năm.

Năm 2013, đã là 20.050 triệu hành khách/năm, chỉ tính đơn giản, với mức tăng trưởng chỉ 12 - 13% tức là đến 2016 sân bay sẽ đạt công suất thiết kế. Sau 2016 là TSN quá tải, nên chúng ta phải có Long Thành, không ai đi xây bảo là 18-19 triệu hành khách/năm, hay 4 - 5 triệu hành khách/năm là được, đã xây thì phải xây diện tích lớn.

Nếu tính 2 phương án thì chênh lệch nhau 2 năm, phương án giảm công suất, xây 1 đường băng thì thời gian thi công, hoàn thành sẽ rút ngắn đến 2 năm.

Để thực hiện được, từ bây giờ đến lúc đó, khoảng 8 năm theo phương án tối thiểu đến 2022 thì mới đưa Long Thành vào khai thác.

Trong khi đó, năm 2017 TSN đã bắt đầu quá tải, nghĩa là 5 năm từ 2017 - 2022 là phải khai thác TSN trong tình trạng quá tải.

PV: - Thậm chí, có nhiều ý kiến đưa ra con số tổng hành khách qua cảng hàng không hiện nay là gần 45 triệu người, trong đó, TSN chiếm 20 triệu người, Nội Bài chiếm 12 triệu người, một số sân bay khác cũng muốn nâng cấp thành quốc tế như Vinh, Cát Bi (Hải Phòng), nên việc xây dựng Long Thành được khẳng định là quá sớm không cần thiết. Quan điểm của ông ra sao, trước quan điểm này?

Ông Lại Xuân Thanh: Thủ tướng đã nói Long Thành là Long Thành, Cần Thơ là Cần Thơ, ở đây về mặt chiến lược có cần một cái Cảng hàng không quốc tế lớn, tại khu kinh tế trọng điểm phía Nam, tại khu vực TPHCM và các khu vực lân cận.

TSN từ trước đến nay đã đảm nhận vai trò đó, thế nhưng TSN không thể nào quy hoạch vượt quá 25 triệu được vì nhiều yếu tố, nên giao quy hoạch Long Thành.

Còn nếu trả lời, bây giờ đã cần đầu tư Long Thành chưa? Thì không thể nói TSN đã giữ 25 triệu hành khách, còn hành khách muốn bay vào VN thì cứ bay vào Cát Bi, Cần Thơ...như vậy rất buồn cười.

Thị trường nào thì phải đảm nhận thị trường ấy, chứ không nên san sẻ như vậy, có thì cũng rất ít. Việc chiến lược phát triển hàng không hiện nay vì hạ tầng TSN, nhìn thấy có mấy hãng hàng không lớn rất ít khi bay vào.

Đấy là xuất phát từ tính chiến lược phát triển thị trường hàng không VN, chứ không phải là chỉ là vì chuyện quá tải của TSN. Hiện nay chúng ta đã quy hoạch đúng chiến lược rồi, thời điểm đầu tư bắt buộc phải làm vì TSN đã quá tải.

PV: - Ngay cả các chuyến bay nội địa, số lượng hành khách qua sân bay cũng chỉ mới đạt xấp xỉ 1/4 công suất thiết kế. Điều này có đúng không, thưa ông? Tại sao?

Ông Lại Xuân Thanh: - Con số này được đưa ra hết sức phiến diện, hiện nay Tổng công suất thiết kế các Cảng hàng không VN cộng lại đã là 50 triệu hành khách/năm.

Năm 2013, chúng ta đã đạt tổng lượng thông qua là 44,5 triệu. Năng lực thông qua là 51 -52 triệu, thì năm nay chúng ta đã có 44,5 triệu hành khách/năm.

Cát Bi cũng chỉ lên đến 3 -4 triệu hành khách/năm, các cảng khác không có cảng lớn, Phú Quốc thì 4 triệu hàng khách/năm, Cần Thơ 2 -3 triệu hành khách/năm, Nội Bài năm nay cũng có 10 triệu hành khách/năm, Đà Nẵng hiện tại là 4 triệu hành khách/năm, đang cố gắng cải tạo lên 6 triệu hành khách/năm.

Tại sao phải mở rộng làm gì, cứ tắc ở đó rồi bay đi nơi khác, Đà Nẵng nghẽn rồi, muốn bay vào nhưng không cho vào thì phải làm sao?

Tổng công suất thiết kế tất cả các cảng hàng không của mình cộng lại năm 2013 đã là 44,5 triệu hành khách/năm. Tốc độ tăng trưởng theo ICAO đánh giá cũng trùng với chúng ta.

Đến 2015 đạt 55 triệu hành khách/năm, 2020 khoảng 90 triệu hành khách/năm, 2030 khoảng 175 triệu hành khách/năm đối với chúng ta. Thế thì mở rộng là đúng. Bây giờ mới có 1/4 hiệu quả công suất thì nói làm gì.

PV: - Nếu nói tốc độ tăng trưởng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất trong những năm qua không cao. Điều này có đúng không, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: - Công suất thiết kế hiện nay của Thủ tướng là 20 triệu hành khách/năm, 2013 - 20.050 triệu, đã quá tải từ lâu rồi.

Chúng ta đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng, 10 năm qua chúng ta giữ tốc độ tăng trưởng bình quân năm 13,4% năm. Vậy lý do nào để không sân bay Tân Sơn Nhất.

PV: - Thưa ông, hiện nay công tác GPMB tại tỉnh Đồng Nai đã tiến hành đến đâu rồi, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: - Tỉnh đã chuẩn bị phương án và trình Thủ tướng về GPMB, nhưng chỉ có vấn đề chúng ta đang suy nghĩ xem nên giải phóng luôn 2500 ha hay 5000 ha.

Ở đây có bài toán, ở giai đoạn 1, giai đoạn 2 khi mà cảng hàng không đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, thì cũng chỉ sử dụng 2500 ha thôi.

Cái 5000 ha là phục vụ cho giai đoạn 80 -100 triệu hành khách/năm, về mặt đầu tư giải phóng, thì nếu tính cho đến lúc đạt công suất 100 triệu hành khách/năm thì tốt hơn.

Bởi vì, mai sau càng để lâu GPMB thì càng đắt. Nếu giải phóng ngay bây giờ thì nó đội chi phí của tổng dự toán số vốn đầu tư của giai đoạn 1 lên.

Cũng muốn GPMB luôn 5000 ha để dân đỡ khó, đỡ bị treo đất, nhưng đội kinh phí đầu tư lên, chứ giai đoạn này chỉ cần sử dụng 25000 ha thôi, đây là 1 bài toán chúng tôi đang giải trình chính phủ.

Thanh Huyền (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.