Một số chuyên gia kinh tế cho rằng giá nhà hiện nay đang ở mức thấp nhất và khó có thể rẻ hơn. Nhưng doanh nghiệp bất động sản lại khẳng định giá nhà vẫn có thể giảm thêm 10% nếu thủ tục hành chính cấp phép đầu tư, xây dựng dự án nhanh gọn hơn.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM (thứ hai từ trái qua) tại cuộc trao đổi với doanh nghiệp trong hội thảo sáng 21-10. Ảnh: Mạnh Tùng

Đây là vấn đề được tranh luận tại hội thảo “Đón đầu cơ hội hồi phục thị trường bất động sản” do Tạp chí Đầu tư Bất động sản CafeLand phối hợp với Công ty CBRE Việt Nam tổ chức sáng 21-10.

Mở đầu hội thảo, thạc sĩ Hồ Bá Tình, Trưởng ban biên tập CafeLand và chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cùng đưa ra nhận định giá nhà hiện nay đang ở mức thấp nhất có thể và khó có thể rẻ hơn.

Ông Vũ Đình Ánh còn cho rằng các nhà đầu cơ đừng mong mua đi bán lại nhà để ăn chênh lệch như thời điểm “sốt” của thị trường những năm trước đây. Theo ông Ánh, giá bất động sản hiện có quá nhiều yếu tố không tính được trong giá thành, cùng với việc khung giá đất có thể tăng gấp đôi từ đầu năm sau khiến chi phí đầu tư cho một dự án tăng thêm, từ đó giá nhà khó có thể thấp hơn.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Nam Long, nói giá nhà chỉ có thể giảm nếu giá đất giảm. Ngoài ra, doanh nghiệp không còn cách nào xoay xở để giảm giá bán được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, lại khẳng định giá nhà vẫn có thể giảm được khoảng 20% so với hiện nay bằng việc giảm chi phí tại hai giai đoạn.

Thứ nhất, trong thi công, nếu doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm vật liệu xây dựng, áp dụng công nghệ cao trong xây dựng thì có thể tiết kiệm được 10% tổng chi phí, từ đó có thể giảm khoản này trong giá bán.

Thứ hai, nếu thủ tục hành chính để xin giấy phép đầu tư dự án của doanh nghiệp được tinh giản và rút gọn thì có thể giảm thêm 10% chi phí nữa. Theo ông Đực, thủ tục hành chính cấp phép xây dựng dự án hiện nay quá rườm rà, kéo dài từ năm này sang năm khác khiến chi phí cho dự án đội lên rất lớn.

Tiếp lời ông Đực, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nói thời gian trung bình hiện nay để một doanh nghiệp từ lúc xin giấy phép đến khi khởi công là 21,5 tháng với dự án nhỏ và vừa, 26,5 tháng với những dự án lớn. “Tuy nhiên, đây là điều kiện lý tưởng theo quy định của Nhà nước. Còn chúng tôi, khi nghe doanh nghiệp địa ốc than phiền về thủ tục hành chính thì luôn tìm cách giảm thiểu tối đa các thủ tục”, ông Tuấn nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Thương mại – Xây dựng Lê Thành, đưa ví dụ cụ thể hơn: “Chúng tôi đã làm 8 dự án mà không có dự án nào xin cấp phép dưới 30 tháng cả, thậm chí có dự án mất 4-5 năm”. Đồng tình với ông Đực, ông Nghĩa nhận định nếu thủ tục hành chính nhanh gọn, thời gian đầu tư cho một dự án của doanh nghiệp rút ngắn thì đồng vốn quay vòng nhanh hơn, doanh nghiệp sẽ có lãi hơn.

Về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn cho biết việc cấp phép một dự án bất động sản không chỉ là nhiệm vụ của Sở Xây dựng mà còn liên quan đến nhiều sở, ngành khác. Đồng thời, theo ông Tuấn, việc kéo dài thời gian trên cũng một phần là lỗi ở doanh nghiệp khi họ chưa hiểu rõ các quy định của nhà nước khi làm thủ tục hoặc năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế.

“Tôi sẵn sàng ngồi với doanh nghiệp để rà soát lại thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng tại những dự án cụ thể. Nếu phát hiện đó là lỗi của Sở Xây dựng, tôi sẽ nhận lỗi và kỷ luật công chức. Còn nếu là lỗi của doanh nghiệp thì xin doanh nghiệp nhận lấy lỗi đó”, ông Tuấn khẳng định.

"Thị trường toàn người thích bán, chẳng ai thích mua"

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong tổng nợ xấu của nền kinh tế hiện nay có một phần lớn là bất động sản và ngay cả tổng nợ công của Việt Nam nợ liên quan đến bất động sản cũng chiếm phần đáng kể.

Ông Ánh cho rằng, câu chuyện của bất động sản hiện nay là sự mất niềm tin vào thị trường này khi một thời gian dài bất động sản đã sống trong giá trị ảo. Điều này cũng làm cho các ngân hàng cho bất động sản vay “sống dở, chết dở” trong một thời gian dài khi định giá ảo tài sản bất động sản thế chấp, đến nay khi chủ đầu tư bị vỡ nợ thì ngân hàng cũng không thể bán được tài sản đó để thu hồi vốn.

Ngay cả các tập đoàn lớn cũng nhảy vào bất động sản khi thấy thị trường này dễ kiếm lời, đến khi thị trường đóng băng thì các tập đoàn này ôm nợ và đua nhau tháo chạy. “Thị trường bất động sản bây giờ toàn người thích bán, chẳng có ai thích mua”, ông Ánh nhận định.

Mạnh Tùng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.