Thông tin về một doanh nghiệp Việt Nam đã mua lại khách sạn Deawoo từ doanh nghiệp Hàn Quốc, khách sạn 5 sao nổi tiếng của Hà Nội thực sự là một điều ngạc nhiên và niềm vui cho người Việt.
DN Việt mua lại khách sạn ngoại sẽ gặp rủi ro gì?
Một góc Khách sạn Hilton ở Hà Nội.
Tuy nhiên, đây không phải là "kỳ tích" đầu tiên. Lật lại lịch sử 5 – 7 năm trở lại đây thì thấy có không ít thương vụ doanh nghiệp Việt mua lại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, nổi tiếng của các nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây nhất là một thương vụ cũng không kém phần “hoành tráng”, dù khá im tiếng với báo giới. Đó là sự kiện Tập đoàn BRG mua lại khách sạn Hilton Opera - một khách sạn có vị trí vàng ở Hà Nội. Vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo của Tập đoàn BRG mà người đứng đầu là doanh nhân Nguyễn Thị Nga diễn ra êm thấm và đa số mọi người chỉ biết khi đã xong việc. Thậm chí những nhà đầu tư lớn thường lui tới Hà Nội cũng chỉ bất ngờ biết được tin này khi đến nghỉ ở khách sạn và đọc được những tờ giới thiệu về chủ đầu tư mới để trên góc bàn rất ý tứ.

Tiếp đó là thương vụ không kém phần “đắt đỏ” khác, Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh với thương hiệu Buffalo Tours mua lại hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria tại nhiều địa phương ở Việt Nam và Campuchia. Theo đó, chuỗi 5 khu nghỉ dưỡng - khách sạn mang thương hiệu Victoria do Công ty TNHH EEM Victoria của Hong Kong phát triển tại Việt Nam và Campuchia sẽ được chuyển nhượng từ chủ đầu tư là liên doanh khách sạn Victoria Việt Nam sang công ty Thiên Minh.

Việc doanh nghiệp Việt mua lại khách sạn nước ngoài đã diễn ra từ năm 2005, với sự kiện Tập đoàn nội địa Sovico mua lại toàn bộ cổ phần của liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An (gồm Công ty Du lịch Đà Nẵng và Tập đoàn Lai Sun Hong Kong), đơn vị chủ đầu tư của khu resort 5 sao đầu tiên tại Việt Nam, có tiếng tăm trên toàn thế giới, Furama Resort Đà Nẵng.

Việc các doanh nghiệp Việt đủ khả năng mua lại những tài sản, thương hiệu lớn đang ăn nên làm ra trong ngành du lịch, khách sạn của các "ông chủ Tây" là một điều đáng mừng và tự hào cho người Việt, đáng để các doanh nghiệp khác học theo. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì trong cái mừng cũng có những cái cần suy ngẫm, băn khoăn.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, khách sạn không phải là một dịch vụ dễ quản lý, nhất là hệ thống khách sạn cao cấp, đẳng cấp quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam mua lại hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của nước ngoài, trong đó không ít doanh nghiệp chưa từng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn nên chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành. Điều này là rất rủi ro. Bên cạnh đó, việc làm chủ một hệ thống khách sạn cao cấp cũng rất cần có mối quan hệ với các khách sạn lớn trên thế giới, với giới doanh nhân, doanh nghiệp lớn bốn phương để thu hút khách, phát triển thương hiệu.

Thực tế, kinh doanh khách sạn tại Việt Nam đang trong thời kỳ xuống đốc. Nếu như trước đây, tỷ lệ phủ kín phòng của các khách sạn lớn thường từ 80 – 90% thì nay chỉ còn cao nhất khoảng 50%. Trong khi đó, chi phí cho một khách sạn cao cấp “chạy trơn tru” tốn rất lớn. Thế nên nếu không biết cách quản lý hiệu quả thì rất dễ rơi vào thua lỗ, nhất là khi kinh tế rơi vào khó khăn, khủng hoảng.

Có lẽ ý kiến của ông Thành cũng giải thích tại sao thực tế các doanh nghiệp Việt Nam bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu USD để mua lại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của nước ngoài nhưng không mấy người dám gắn tên mới của mình cho những tài sản đó. Mà trái lại, trong các thương vụ mua bán này, các doanh nghiệp Việt còn mất phần lớn tiền để mua lại thương hiệu.

Hầu hết những khách sạn, khu nghỉ dưỡng sau khi được doanh nghiệp Việt mua lại thì vẫn giữ nguyên hệ thống nhân sự, đặc biệt là những vị trí quản lý cấp cao là người nước ngoài. Như sự kiện Thiên Minh mua lại chuỗi hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp Victoria, Tập đoàn BRG mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội,… “Như vậy, có thể thấy, việc các doanh nghiệp nội mua lại các khách sạn cao cấp của các ông chủ nước ngoài dù là một điều đáng mừng, nhưng mới chỉ mua được phần "xác", còn về phần chất như công nghệ quản lý, đội ngũ nhân sự, giá trị thương hiệu vẫn là do các ông chủ Tây cũ gây dựng nên. Thực tế sau một thời gian các doanh nghiệp Việt làm chủ những khách sạn, khu nghỉ dưỡng này, vẫn chưa có hoạt động nào nổi bật, khác biệt để đưa các thương hiệu trên lên một tầm cao mới”, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM nhận định.
Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.