Một báo cáo nội bộ từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho thấy, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đang “sa lầy” vào lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, lãnh đạo PVC cũng thừa nhận “các đơn vị thành viên của PVC có hoạt động kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn”…

Sau lễ khởi công hoành tráng, dự án Hanoi Time Tower không tiến triển gì nhiều, khách hàng đã đến trụ sở PVCR đòi rút vốn.

Báo cáo mới đây của Ban Xây dựng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cho thấy, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế dẫn đến việc PVC đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết mang lại hiệu quả thấp, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong khi việc chuyển nhượng cổ phần của PVC tại các đơn vị này ở thời điểm hiện nay là rất khó khăn.

Báo cáo này sau đó đã được gửi Tổng giám đốc PVN, nói rằng nhóm các công ty xây dựng công nghiệp và dân dụng, các công ty có lĩnh vực đầu tư bất động sản (PVC IC, PVC Mekong, PVC MT, PVC TB, PVC HN, PVC TH, PVC Petro Land và PVCR) được coi là đang hoạt động bình thường, tuy nhiên những công ty có đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đang gặp khó khăn về tài chính, nếu không có lộ trình rút vốn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đơn cử trường hợp của PVC HN với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, nhưng công ty đã đầu tư vào dự án khu đô thị Nam An Khánh hơn 116 tỷ đồng song hiện vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, trong các đơn vị thành viên của PVC có tới 3 công ty (PVC ME, PVC Metal và PVC SG) đang hoạt động không hiệu quả, có nguy cơ phá sản. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ không hay ho nói trên, được xác định là do doanh nghiệp quá “chú tâm” vào lĩnh vực bất động sản.

Trong khi đó, tình hình tài chính cũng như tiến độ thực hiện dự án của các đơn vị thành viên của PVC cũng không mấy sáng sủa.

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland), một doanh nghiệp mà PVC nắm cổ phần chi phối, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2012, cho thấy tình hình tài chính của doanh nghiệp này không như mong đợi.

Theo đó, tính đến 30/6/2012, tổng số nợ ngắn hạn mà doanh nghiệp này đang “gánh” là 1.464 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, nợ dài hạn của Petroland là 312 tỷ đồng. Cộng các khoản nợ ngắn và dài hạn, Petroland đang nợ nần 1.776 tỷ đồng.

Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí (PVCR), một doanh nghiệp khác mà PVC “nắm cổ phần chi phối”, cũng đang sa lầy vào một số dự án bất động sản. Với vốn điều lệ là 531 tỷ đồng, tuy nhiên, tính đến 30/6/2012, hàng tồn kho của PVCR được xác định là 501,9 tỷ đồng. Cũng đến thời điểm này, PVCR đang là con nợ của ngân hàng với khoản vay 240 tỷ.

Ngay tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã có nhiều bài viết phản ánh bê bố ở dự án Hanoi Time Tower tại (quận Hà Đông) do PVCR làm chủ đầu tư.

Khi các doanh nghiệp thành viên nợ nần, dự án đình trệ, thì doanh thu và lợi nhuận sẽ không được như mong muốn. Một văn bản ký ngày 15/8 phát đi từ PVC, thừa nhận, các đơn vị thành viên của PVC có hoạt động kinh doanh bất động sản “gặp rất nhiều khó khăn” trong việc tiêu thụ sản phẩm, huy động vốn để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư. Điều này, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 2/2012 thấp.

Giải thích về sự biến động chỉ tiêu lợi nhuận trong quý 2012 không được như kỳ vọng, với kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên không đạt kế hoạch đặt ra, PVC cho biết do tình hình kinh tế khó khăn trong nước biến động làm ánh hưởng đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào, làm tăng giá thành các công trình xây lắp…

PVC chi hơn trăm tỷ để thuê văn phòng

Là đơn vị “đứng tên” nhiều dự án bất động sản đình đám tại Việt Nam, tuy nhiên, PVC vẫn đang ở trong tình trạng “ăn nhờ, ở đậu”, với chi phí thuê văn phòng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Một nguồn tin khẳng định với Pháp luật Việt Nam, số tiền mà PVC thuê văn phòng hoạt động tại ba địa điểm lên đến 112 tỷ đồng. Riêng trụ sở văn phòng CEO tại đường Phạm Hùng, PVC phải trả hơn 86,6 tỷ đồng cho 10 năm thuê nhà.

Theo Việt Hưng (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.