CafeLand - Mới đây, những hộ dân khu vực dự án bất động sản Tân Cường Thành (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã cùng phải “hành động” ngăn chặn khi phát hiện ra chủ đầu tư này có dấu hiệu “tẩu tán tài sản” khỏi khuôn viên dự án nhà máy cáp điện. Sự việc này làm dấy lên nỗi lo ngại của cộng đồng xã hội trước những dự án “treo”, rằng lỡ chủ đầu tư “tháo chạy” thì sao?

Ghi nhận tại dự án Tân Cường Thành cho thấy, trong những ngày 9 và 10/10 vừa qua, hàng chục hộ dân khu vực đã cùng nhau theo dõi, tiến hành phong tỏa đường ra lối vào của nhà máy dây cáp điện Tân Cường Thành. Nguyên do là nhiều người dân phát hiện doanh nghiệp đang xúc tiến vận chuyển hàng hóa, thiết bị bên trong nhà máy ra ngoài.

Lãnh đạo quận Liên Chiểu trao đổi, dự án khu đô thị Tân Cường Thành do Công ty Cổ phần dây cáp điện Tân Cường Thành đăng ký đầu tư với địa phương. Do nhà máy ngừng hoạt động, dự án bế tắc, nên thời gian dài vừa qua, hầu như người dân phải luôn giám sát theo dõi. Họ ngại rằng chủ đầu tư sẽ tìm cơ hội tẩu tán tài sản, “tháo chạy” khỏi khu vực. Nếu sự việc xảy ra, hàng trăm hộ dân đã mua đất nền tại dự án này sẽ có nguy cơ khó đòi được quyền lợi của mình, bởi doanh nghiệp đã “bán khống” đất cho dân mà không hề có sổ đỏ.

Người dân dự án Tân Cường Thành đổ xe đá phong tỏa nhà máy dây cáp điện để “đòi nợ”.

Thực tế những ngày qua đã cho thấy, nhà máy Tân Cường Thành “mượn tay” 1 đối tác mua hàng bên ngoài, tiến hành vận chuyển số lượng lớn dây cáp điện thành phẩm ra ngoài. Đối tác này cho biết đã nhận mua hàng hóa nên có thể tự do chở đi. Nhưng do số hàng hóa này nằm trong khuôn viên nhà máy, đang bị phong tỏa bởi chính quyền vì chưa giải quyết các vướng mắc liên quan dự án khu đô thị dân sinh, nên những người dân nhất quyết không cho chuyển đi.

Những người dân đã thuê hẳn xe chở đá hộc để đổ ngay trước cửa nhà máy, để xe vận tải không thể ra vào, và báo công an làm việc với doanh nghiệp.

Trước vụ việc này, lãnh đạo Tân Cường Thành có liên hệ chính quyền và đưa thông tin, chậm nhất đến ngày 28/10/2014 sẽ giải quyết các vấn đề nợ sổ đỏ, nợ tiền đất của người dân tại dự án khu đô thị. Song nhiều người dân không tin, vì họ đã nhiều lần chứng kiến doanh nghiệp “thất hứa”.

Ai sẽ kiểm soát ?

Sự việc dự án Tân Cường Thành, xem ra chỉ là 1 câu chuyện nhỏ trước thực trạng hoạt động thị trường bất động sản “đóng băng” của Đà Nẵng. Bên cạnh dự án này, địa phương còn đang có hàng loạt dự án lớn nhỏ, đầu tư vào các vị trí đắc địa, nhưng không triển khai đã lâu. Đơn cử các dự án Vũ Châu Long, Ngân hàng Đông Á… ở khu vực trung tâm Đà Nẵng, hay các dự án vùng ven bờ biển Đà Nẵng…, chính quyền địa phương cũng phải thừa nhận rất khó tiếp xúc theo dõi để đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục triển khai.

Mới đây nhất, chính quyền Đà Nẵng cũng có động thái yêu cầu các chủ đầu tư ký thêm 1 loạt cam kết sẽ thực thi các dự án ven biển đúng tiến độ.

Tuy nhiên, trước câu hỏi liệu chính quyền sẽ xử lý thế nào nếu các chủ đầu tư có khả năng “tháo chạy”, thì lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chưa có được câu trả lời thỏa đáng. Trong khi theo những nhìn nhận không chính thức, chí ít tại Đà Nẵng sẽ có khoảng 5 – 7 dự án đang lâm vào tình trạng này.

Đà Nẵng đang có nhiều dự án đầu tư “treo” không tìm thấy chủ đầu tư.

“Dĩ nhiên chủ đầu tư sẽ không dễ gì bỏ các dự án mà họ đã bỏ quá nhiều tiền vào đó. Nhưng thật sự bế tắc, họ có thể “bỏ của chạy lấy người”, thì hậu quả sẽ giải quyết thế nào với các lô đất, khu dự án như vậy, địa phương không thể tự quyết định được”. Một lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường Đà Nẵng nói.

Một doanh nghiệp môi giới bất động sản nhìn nhận, thực tế cũng nan giải với các nhà quản lý, khi các dự án bị bế tắc. Chủ đầu tư sẽ không còn mặn mà và cũng không có năng lực tài chính để giải quyết các dự án nữa, thì chính quyền cũng không có cách nào thúc đẩy. Muốn thu hồi đất, chính quyền phải có cả 1 quá trình điều tra làm rõ, phân định được các khoản vốn đã đầu tư của doanh nghiệp, rất phức tạp lôi thôi. Nhưng nếu cứ để dây dưa, thì các dự án sẽ tiếp tục nằm ì, chuyển dịch cho đối tượng đầu tư khác cũng khó mà mong đợi chủ đầu tư làm tiếp còn khó hơn.

“Khi cấp phép cho các dự án, ai cũng nhìn thấy vấn đề rất lạc quan. Nhưng khi các dự án bế tắc, thì thật lòng, không ai dám chịu trách nhiệm cả. Các dự án vì thế cứ giằng co giữa chính quyền và doanh nghiệp, trước sự theo dõi bức xúc nhưng bất lực của người dân”. Doanh nghiệp phàn nàn như vậy.

Nguyên Đức
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.